12/05/2014 22:07 GMT+7

5 điều khiến người Mỹ luôn cảm thấy nghèo

MINH ĐĂNG
MINH ĐĂNG

TTO - Dù giá trị tài sản hộ gia đình Mỹ trong quý 4-2013 tăng lên 80,6 nghìn tỉ USD (cùng kỳ năm ngoái là 70,83 nghìn tỉ USD) nhưng phần lớn người Mỹ - bất kể già trẻ - đều cảm thấy mình nghèo! Vì sao?

vwbgrRr8.jpgPhóng to
Có một lý do khiến khoản tiết kiệm của dân Mỹ có vẻ như không thể đầy lên đáng kể - lãi suất - Ảnh: Getty Image

Chi phí chăm sóc con cái đắt đỏ

Điều nghịch lý là dân Mỹ phải tốn khá nhiều tiền để có thể... đi làm trong thời gian vướng bận con nhỏ do chi phí thuê người chăm con hiện nay rất đắt đỏ. Số liệu từ Cục Thống kê dân số Mỹ cho thấy khoản tiền trả cho các "vú em" đã tăng 50% trong giai đoạn 2002-2011 và tăng 250% trong vòng 3 thập kỷ qua.

Chi phí chăm trẻ trung bình tại các trung tâm chăm sóc ban ngày tăng 2,6% trong năm 2012 và tăng 4,8% đối với dịch vụ chăm trẻ tại nhà - theo một nghiên cứu của Cơ quan Child Care Aware of America mới công bố trong tháng 5-2014. Trong khi đó, thu nhập gia đình sau thuế và các khoản khấu trừ khác chỉ tăng 0,6% và tổng chi phí sinh hoạt tăng 1,6% trong cùng kỳ.

Tỉ suất tiền thuê nhà/thu nhập

Nhiều người Mỹ trẻ không đủ tiền tiết kiệm để có thể hạ mức thanh toán tiền mua nhà, vì phần lớn thu nhập của họ đều "đổ" vào tiền thuê nhà hằng tháng. Thực tế, khoảng 1/2 người Mỹ ở nhà thuê phải chi hơn 30% tổng thu nhập cho việc thuê nhà, tăng kỷ lục 12 điểm % cơ bản so với cách đây 10 năm.

Chi phí để sở hữu nhà sẽ "dễ thở" hơn nếu người mua chứng minh được họ có khả năng kiếm đủ tiền trước khi thế chấp với ngân hàng để mua nhà. Theo trang tài chính Bankrate.com, khoản chi phí thế chấp hằng tháng không vượt quá 28% tổng thu nhập hằng tháng.

Nợ tiền học

Tiền học đại học tại Mỹ đang tăng vọt, với mức học phí trung bình tại trường công lập 4 năm đội lên 27% từ năm 2008-2013 khiến các khoản vay nợ của sinh viên cũng tăng đáng kể, theo College Board. Báo cáo tháng 2-2014 của Ngân hàng Dự trữ liên bang New York cho biết các khoản nợ vay tiền học chỉ trong năm 2013 đã tăng thêm 114 tỉ USD lên 1,08 nghìn tỉ USD.

Hiện nay, khoảng 71% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng trong năm 2012 là "con nợ", so với con số 68% của năm 2008, và mức nợ trung bình 29.400 USD, tăng khoảng 6%/năm kể từ năm 2008, theo Viện Institute for College Access & Success.

Thêm vào đó, gánh nợ quá cao khiến nhiều sinh viên không có khả năng chi trả: 11,5% số dư nợ của sinh viên đã quá hạn 90 ngày - tỉ lệ cao nhất trong các hình thức thẻ tín dụng, thể chấp, vay tự động và vay mua nhà, theo Ngân hàng Dự trữ liên bang New York.

Tiền tiết kiệm

Có một lý do khiến khoản tiết kiệm của dân Mỹ có vẻ như không thể “dày” lên đáng kể - đó là lãi suất. Bankrate.com cho biết từ tháng 10-2007, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã giảm mạnh, từ 5,3% còn khoảng 1%. Với những người có thu nhập cố định, gồm cả người nghỉ hưu sống dựa vào chứng chỉ tiền gửi (Certificates of Deposit) và các khoản đầu tư có thu nhập cố định khác, thì đây là một tin xấu vì sẽ đột ngột hạ thấp sức mua của họ. Và thậm chí đối với người trẻ, tỉ lệ này có thể còn không vượt qua được mức lạm phát.

Không chỉ là lãi suất tiền gửi ít ỏi mà người Mỹ hiện nay tiết kiệm ít hơn so với 3 năm trước. Năm 2010, có 73% dân Mỹ tiết kiệm tiền, nhưng khảo sát hồi tháng 2-2014 của America Saves, con số này nay chỉ còn 68%. Việc không tiết kiệm sẽ khiến bạn nghèo hơn vì không có bước đệm vững vàng cho những khoản phí bất ngờ, như hóa đơn bệnh viện hay tiền sửa nhà... Điều đó có nghĩa bạn có thể phải dùng đến thẻ tín dụng hoặc vay nợ để sống.

Lương bổng

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi với đồng lương hiện tại, bạn chẳng thể mua được nhiều thứ. Một nghiên cứu năm 2013 của Viện Chính sách kinh tế cho thấy các công nhân trung bình chỉ có mức tăng tiền lương 5% trong suốt giai đoạn 1979-2012, dù tăng trưởng năng suất đạt 74,5%. Phần lớn người lao động Mỹ, bao gồm cả công nhân và nhân viên văn phòng có hay không có bằng đại học, đều phải chịu đưng một thập kỷ lương bổng "còi cọc".

Cục Điều tra dân số cho biết những người có mức thu nhập trung bình 51.017 USD/năm còn không biết đến tăng lương từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980.

Trong khi đó, giá một số mặt hàng thiết yếu đã tăng. Chẳng hạn xăng tăng hơn 4 USD/gallon từ mức 2,50 USD/gallon trong năm 2007, giá lương thực tăng đều đặn trong năm 2014 một phần do tình trạng hạn hán ở California.

(Theo Market Watch)

MINH ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên