Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là người dẫn đầu cuộc điều tra toàn diện nhằm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trong đó có những dấu hỏi rất quan trọng như liệu Nga có can thiệp bầu cử Mỹ hay không, ông Trump và chiến dịch của mình có thông đồng với người Nga hay không, ông Trump có cản trở công lý (cản trở các cuộc điều tra này) hay không.
Trong bản báo cáo điều tra dài 448 trang trình Quốc hội Mỹ hôm 18-4 (giờ Mỹ), ông Mueller chi tiết hóa cả chục trường hợp các hoạt động của người Nga có tương tác với đồng sự của ông Trump.
Kết quả nói tóm lại thế này: (1) Về mặt thực tế: Mueller không tìm thấy bằng chứng đủ thuyết phục để nói ông Trump hay đồng sự cấu kết với Nga, nhưng khẳng định người Nga có can thiệp bầu cử Mỹ; (2) Từ góc nhìn của ý kiến chống lại ông Trump: không có dấu hiệu đủ mạnh nói ông Trump cản trở thực thi công lý, nhưng có dấu hiệu cho thấy ý định này.
Báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller sau hai năm điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ - Ảnh: REUTERS
Vì sao bức tranh toàn cảnh về báo cáo gây tranh cãi này lại như vậy? Hãy cùng điểm qua những điểm đáng chú ý nhất rút ra trong báo cáo từ cuộc điều tra của Mueller - một cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI):
Ông Trump nói: "Tôi bị chơi rồi"
Theo điều tra của Mueller, Tổng thống Trump đã phản ứng "tuyệt vọng" khi cựu tổng chưởng lý (tức Bộ trưởng tư pháp) Jeff Sessions thông báo với người đứng đầu Nhà Trắng về việc ông Mueller được chỉ định dẫn đầu cuộc điều tra này vào năm 2017.
Khi ấy ông Trump nói với ông Sessions rằng: "Đây là dấu chấm hết cho công việc tổng thống của tôi. Tôi bị chơi rồi".
Ông Trump ra lệnh sa thải Mueller
Ba ngày sau khi báo đài ở Mỹ đưa tin về việc ông Mueller sẽ điều tra ông Trump về cáo buộc cản trở công lý, tổng thống yêu cầu ông Don McGahn sa thải ông Mueller.
McGahn là một cựu luật sư của Nhà Trắng, và người này đã từ chối làm công việc tổng thống giao phó.
Dữ liệu ghi âm cuộc gọi do Mueller thu thập được cho thấy ông Trump đã gọi điện cho ông McGahn tại nhà riêng của McGahn vào ngày 17-6-2017, trong đó yêu cầu McGahn gọi cho quyền tổng chưởng lý Rod Rosenstein và bảo với ông Rosenstein rằng Mueller đang bị xung đột lợi ích, từ đó nên bị sa thải.
Theo lời khai của McGahn với điều tra viên, vị này cảm thấy không lo lắng gì về việc Mueller xung đột lợi ích cả.
Ông Trump không thích bị luật sư ghi chú
Cũng theo McGahn, sau đó ông này có nói với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Pribus rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu ông ta làm "một điều nhảm nhí".
Sau khi thông tin về việc Trump ra lệnh McGahn sa thải Mueller rộ lên đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ yêu cầu nhân viên Rob Porter bảo McGahn nói với báo chí rằng ông ta chưa bao giờ nhận được chỉ đạo ấy. McGahn tiếp tục từ chối, đáp lại Porter rằng thông tin của báo chí là đúng.
Luật sư Don McGahn (trái) và Tổng thống Trump - Ảnh: REUTERS
Tiếp sau đó, ông Trump gặp ông McGahn và bảo ông này từ chối xác nhận việc đã nghe chỉ đạo về việc sa thải Mueller.
Ông Trump nói với McGahn như sau (theo lời McGahn và cựu chánh văn phòng John Kelly thuật lại): "Tôi chưa bao giờ nói rằng sẽ sa thải Mueller. Tôi chưa bao giờ nói chữ ‘sa thải’. Câu chuyện này nghe chẳng hay ho gì đâu. Ông cần sửa lại cho chuẩn đi. Ông là một nhân viên Nhà Trắng đấy".
Thêm vào đó, ông Trump cũng hỏi ông McGahn tại sao ông lại kể lể với Mueller về chuyện sa thải Mueller, và tại sao lại quyết định ghi chú lại cuộc hội thoại của hai người (Trump và McGahn).
"Còn mấy chỗ ghi chú này là cái gì vậy? Tại sao ông lại ghi chép? Các luật sư không ai ghi chép cả. Tôi chưa từng có luật sư nào đi ghi chép như vậy", ông Trump nói.
Phát ngôn viên Nhà Trắng thừa nhận bao che tổng thống
Trong một cuộc họp báo ngày 10-5-2017, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders đã bảo vệ quyết định của ông Trump về việc sa thải giám đốc FBI James Comey. Trong đó bà Sanders bảo rằng FBI đã "mất niềm tin" vào Comey.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders - Ảnh: REUTERS
Một phóng viên sau đó lưu ý một số nhân viên FBI không đồng ý với nhận định của bà Sanders, nhưng phát ngôn viên này đáp rằng chuyện nhiều thành viên FBI khác nhau nói những điều khác nhau cũng bình thường thôi.
Tuy nhiên trong lần tuyên thệ trước các điều tra viên do Mueller dẫn đầu, bà Sanders thừa nhận chẳng nghe thành viên FBI nào nói về chuyện họ không tin ông Comey cả.
Ông Trump nói chỉ đùa về chuyện yêu cầu Nga tìm email của bà Clinton
Báo cáo của Mueller lưu ý lời ông Trump nói ra trong một cuộc họp báo tổ chức ngày 27-7-2016 về việc bà Hillary Clinton (ứng viên tranh cử tổng thống 2016 của Đảng Dân chủ - đối thủ của ông Trump) sử dụng email cá nhân trong thời gian làm ngoại trưởng Mỹ (dưới thời tổng thống Barack Obama).
Ông Trump nói khi ấy: "Nước Nga ơi, nếu các ông đang nghe điều này thì tôi hi vọng các ông có thể tìm ra 30.000 email đang mất tích. Tôi nghĩ các ông có lẽ được báo chí nhà tôi tưởng thưởng lắm đây".
Bà Clinton bị cho đã vi phạm trong quy cách sử dụng email. Vì thay vì sử dụng hòm thư công vụ của một ngoại trưởng (email của nhà nước), thì bà bị tố dùng email riêng để trao đổi công việc.
Trong khi đó, ông Trump lâu nay bị nghi câu kết với người Nga để giúp ông thắng bà Clinton. Còn người Nga bị nghi đứng sau vụ các tin tặc tấn công máy chủ của Đảng Dân chủ bên phía bà Clinton. Vì vậy một phát biểu như trên thuộc diện rất nhạy cảm.
Sau khi ông Mueller điều tra câu nói ấy, ông Trump đáp rằng ông đưa ra tuyên bố ấy theo kiểu "giễu cợt và hài hước, và điều này bất kỳ nhà quan sát trung lập nào nhìn vào cũng thấy cả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận