Đội Pha Hán (Thanh Thuỷ) là nơi đầu tiên lập lại làng ở Vị Xuyên sau 1979, hiện giờ phải đi qua sông mới tới nơi - Ảnh: P.MAI
Sau cuộc chiến năm 1979, nhiều làng bản bao đời của đồng bào các dân tộc trở nên tiêu điều. Người dân rút về tuyến dưới để tránh thương vong. Cho đến cuối những năm 1980, biên giới bắt đầu dần ổn định.
Những người rời đi trong cuộc chiến tranh lần lượt trở về. Và công cuộc giữ từng đường biên cột mốc, bắt đầu từ những làng bản nhỏ tít tắp xa xôi như thế.
Giữ được dân là giữ được chủ quyền.
Ông NGUYỄN HẢI LÝ (nguyên đồn trưởng đồn biên phòng địa đầu phía Bắc Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang)
Trắng đêm đi tìm dân
Nếu nói về công cuộc giữ đất, giữ biên cam go, Hà Giang là một trong những vùng đất nổi bật nhất. Đại tá Nguyễn Văn Hiền, nguyên đồn trưởng đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), mô tả tình hình khi ấy: "Các nơi khác tiếng súng im rồi nhưng Hà Giang mãi tới cuối năm 1989 vẫn còn tiếng súng".
Cho đến thời điểm 1989-1990, qua giai đoạn ác liệt, chính quyền tỉnh mới bắt đầu chủ trương đưa người dân trở lại sinh sống. Vậy là bộ đội biên phòng lần lượt tìm đến bản dân sơ tán ở Bắc Mê, Bắc Quang, Linh Ngọc, Linh Hồ... thuyết phục người dân quay về dựng làng trên đất cũ.
Suốt một năm, đại tá Hiền - lúc đó là trung úy đội trưởng đội vận động quần chúng và ông Nông Văn Quý - đồn trưởng đồn biên phòng Minh Tân - cùng đồng đội đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày đi tìm dân.
"Chỗ nào không đạp xe được thì đi bộ. Có chỗ chưa có đường đi, phải đi thuyền qua sông đến các bản. Tối phải ở lại bến sông là bình thường" - ông Hiền nhớ lại.
Ông Hiền nói cái khó nhất chỉ là tìm được nơi ở của những người dân cũ. Còn khi gặp, thậm chí có những cá nhân chỉ cần nói biên giới đã yên là họ sẵn sàng khăn gói trở về mà không cần đến chế độ hỗ trợ nào chỉ với lý lẽ "về nơi cha ông mà giữ làng, giữ bản".
Ở Bạch Ngọc, người chở ông Hiền qua sông mỗi bận là bà Mùng Thị Thảo cũng là một trong những người dân đầu tiên trở về Thanh Thủy. Năm 1989, từ những người đầu tiên đó, một chi bộ Đảng Thanh Thủy được thành lập. Dần dần người dân từ phía sau kéo về, dựng nhà ngay trên nền nhà cũ.
Sau Thanh Thủy đến Thanh Đức, Lao Chải, Sín Chải, những đêm trắng tìm dân được bù lại bằng những làng bản dần đông đủ trên nền của khu vực từng là nơi chiến sự ác liệt bậc nhất biên giới phía Bắc.
Bà Nông Thị Hợp, trưởng thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, người về từ năm 1987, bảo: "Lúc đánh nhau, Nhà nước bảo đi thì đi chứ không thì chúng tôi bám làng bám đất không đi đâu. Hồi sơ tán ở Bắc Mê tôi nhớ nhà lắm, cứ nhìn về hướng bắc. Tôi đã nghĩ chẳng bao giờ được về quê cũ".
Ở xã xa nhất Hà Giang - Xín Cái, huyện Mèo Vạc, bà Hoàng Thị Tương trở về ngay từ khi có lời kêu gọi từ năm 1987. Căn nhà cũ đã bị phá hủy, bà cùng gia đình dựng tạm một căn lều, tiếp tục sinh sống chờ ngày làm nhà mới. 13 hộ dân đi sơ tán cũng đều về đông đủ.
Ở xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, ông Lưu Văn Lèng sơ tán mãi tận Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Đến khi nghe tin yên ổn, năm 1988 ông lên nhà cũ một chuyến.
"Ban đầu lên thấy vắng quá tôi định không về. Nhưng rồi người Thượng Phùng chạy đến Đồng Văn, Mèo Vạc sau cũng trở lại hết, vậy là tôi theo. Đến năm 1995 thì tôi về ổn định hẳn".
Lý Thèn Séng - người đàn ông không sợ mìn ở Giang Nam (Hà Giang) - Ảnh: P.MAI
Thiêng liêng hơn nỗi sợ
Mìn là nỗi lo lớn nhất ở Hà Giang suốt 10 năm sau chiến tranh. Đại tá Hiền thống kê trong 20 năm gắn bó với Thanh Thủy, ông suýt chết bảy lần vì gặp mìn. Có 37 người lính công binh đã hi sinh để vùng đất ấy bớt đi tiếng nổ bất ngờ.
Nhưng ở đây có một người dân không biết sợ mìn khi trở về để làm nương rẫy, đó là ông Lý Thèn Séng.
Năm đó làm nương thi thoảng lại nghe tiếng mìn nổ. Mỗi lần như thế, ông Séng lại tự tìm lên chỗ vừa nổ, xem có ai bị nạn để cứu. Hỏi ông không sợ mìn à, ông trả lời: "Tao già rồi, có chết cũng không sao. Mấy đứa trẻ thì phải còn sống".
Thanh Thủy hơn chục năm sau chiến tranh chỉ còn là một vùng đất hoang bạt ngàn lau sậy.
"Chỗ xưa kia là xưởng chè to thì lúc về chỉ còn búi lau 3-4 người ôm. Nhà cửa tan tành hết, chỉ còn lại gạch vụn" - bà Nông Thị Hợp nhớ lại. Gia đình bà phát từng chút một đất làm nương, lấy cây chít dựng một gian nhà bé ở tạm.
Công binh dò mìn tới đâu, bà con làm nương tới đó.
Không chỉ Hà Giang, dọc biên giới từ Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai..., chỉ cần tiếng súng yên, những nếp nhà lại trở lại. Ngày 17-2-1979, bà Phàn Thị Phối (huyện Bát Xát, Lào Cai) nhận tin chồng, trung úy Lý A Tờ, đã hi sinh tại đồn biên phòng A Mú Sung trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.
Ôm con tránh nạn hết một tháng súng nổ, bà trở lại Bát Xát. Suốt 10 năm sau đó, bà Phối luồn rừng đi tuyên truyền cho chị em phụ nữ sản xuất, vận động thanh niên tiếp tục lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
"Có bận đến đồn biên phòng chỗ ông Tờ nằm xuống, chỉ cách vài trăm mét mà các anh đi cùng nói không an toàn, chỉ khóc mà không thăm ông ấy được" - bà Phối cho biết.
Không có mặt ở nhà vào tháng 2-1979 nhưng ông Giàng A Chu hiểu cái khốc liệt của cuộc chiến. Bởi lúc đó ông là bộ đội biên phòng đóng quân ở Dào San (Phong Thổ, Lai Châu).
Bản Pô Tô quê ông ở Phong Thổ sau khi phân giới là nơi có đường biên hẹp nhất Việt Nam, chỉ là một con suối nhỏ. Người bên này với tay là sang được bên kia. Năm 1979 Pô Tô có 40 hộ dân sơ tán xuống Sìn Hồ.
Năm 1990-1991, ông Chu xung phong về nơi ở cũ dù nhà cửa đã cháy hết từ trong cuộc chiến. "Nhiều người không dám về vì sợ bom mìn, mình xung phong làm gương. Bố mình ở đó, ông mình ở đó, mình làm sao đi đâu được".
Làm nhà, làm nương gần trạm biên phòng
Người dân làm nương vùng biên giới Hà Giang (Lũng Cú) - Ảnh: P.MAI
Ở những nơi yên ắng hơn, người dân trở về rất sớm như thôn Tả Kha, xã Phố Bảng, huyện Đồng Văn.
Ông Cử Pháy Phìn, trưởng thôn Tả Kha, kể nhà ông sáu đời đã ở quanh khu vực bây giờ là mốc 392. Năm 1979, Tả Kha phải đi sơ tán. Đến những năm 1980, cả bản lại trở về.
"Lúc đó chúng tôi phải lấy đất nương để đổ nền nhà. Thấy bộ đội biên phòng ở đây, dựng trạm thì bà con cứ chọn chỗ gần trạm mà làm nương, làm nhà thôi" - ông Phìn kể.
>> Kỳ tới: Biên giới là nhà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận