
Nhiều tỉ phú trên toàn cầu bị mất tài sản trong cuộc khủng hoảng thuế quan - Ảnh: AI tạo
Tài sản tỉ phú biến động ra sao khi chứng khoán mất gần 78 điểm?
Khép phiên ngày 8-4, VN-Index lại mất thêm 77,88 điểm (-6,43%). Chỉ số đại diện chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lùi sâu về mốc 1.132 điểm.
Sau 3 phiên chịu áp lực bán mạnh, chỉ số đã mất hơn 185 điểm, vốn hóa theo đó giảm hơn 770.000 tỉ đồng, còn khoảng 4,74 triệu tỉ đồng.
Thị trường chứng khoán biến động mạnh, tài sản nhiều nhà đầu tư hao hụt đáng kể. Trong đó tài sản 4 vị tỉ phú USD còn "bốc hơi" hàng trăm triệu USD so với cuối tuần trước.
Dữ liệu từ Forbes ngày 8-4, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup (VIC) - đã giảm 262 triệu USD so với phiên trước.
Tuy nhiên mức độ sụt giảm của ông Vượng cũng diễn ra đồng thời trong bối cảnh thị trường toàn cầu chao đảo, nên vị trí trên bảng xếp hạng của vị này thậm chí tăng lên so với cuối tuần trước (bậc 417).
Forbes cũng ghi nhận quy mô tài sản của tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - chủ tịch Vietjet (VJC) - giảm 100 triệu USD, còn 2,4 tỉ USD.
Tương tự, ông Hồ Hùng Anh - chủ tịch Techcombank (TCB) - "mất" 133 triệu USD, còn lại 1,6 tỉ USD. Vị này đang xếp thứ 2.102 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.
Đà giảm mạnh của cổ phiếu HPG hôm nay cũng làm tài sản "vua thép" Trần Đình Long - chủ tịch Hòa Phát - giảm 148 triệu USD.
Quy mô tài sản theo thống kê hôm nay của tỉ phú Long còn 1,9 tỉ USD.
Tính chung tài sản 4 tỉ phú USD của Việt Nam đã giảm khoảng 643 triệu USD so với phiên trước, tương đương hơn 16.800 tỉ đồng theo tỉ giá của Vietcombank. Trước đó kết phiên ngày 3-4, tài sản 4 tỉ phú USD của Việt Nam nêu trên cũng đã giảm khoảng 930 triệu USD.
Sự hao hụt tài sản của các tỉ phú là khó tránh khỏi, khi cổ phiếu liên tục bị điều chỉnh. Hôm nay các cổ phiếu VIC (Vingroup), VJC (Vietjet Air), TCB (Techcombank), HPG (Hòa Phát) tiếp tục bị bán ra mạnh trong bối cảnh biến động toàn thị trường. Trong đó TCB, HPG còn giảm sàn.
Lúc tương lai bất định cũng là thời điểm tốt để sở hữu cổ phiếu?
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, nhiều quỹ đầu tư lại nhận diện “trong nguy có cơ" đối với việc lựa chọn nhóm cổ phiếu tốt.
Đơn cử trong báo cáo vừa phát đi hôm nay, SGI Capital cho biết việc Mỹ bất ngờ áp thuế với hàng hóa Việt Nam ở mức 46% đã tạo nên cú sốc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước hoảng sợ và bán tháo.
“Quan điểm phổ biến hiện nay là lo ngại kinh tế Việt Nam sẽ đi vào suy thoái do tác động trực tiếp lên doanh nghiệp xuất khẩu và tác động gián tiếp lên việc làm và tiêu dùng do khối FDI sẽ thu hẹp quy mô”, chuyên gia SGI Capital cho hay.
Thậm chí có ý kiến cho rằng dù đàm phán thuế có thành công và giảm về 10% - 20%, thì động lực tăng trưởng từ xuất khẩu và tăng trưởng FDI của Việt Nam vẫn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên SGI Capital nêu quan điểm: Trong kịch bản xấu, thuế quan áp dụng cao hơn mức 20%, Chính phủ sẽ cần tung những biện pháp kích thích nội địa mạnh hơn (hạ lãi suất, hỗ trợ thuế phí, các gói chi tiêu công…) để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô, hấp thụ lực lượng lao động từ khối xuất khẩu và duy trì mục tiêu tăng trưởng cao.
"Một trong những điểm rất đáng chú ý trong lần suy giảm mạnh này của thị trường chứng khoán là sự ổn định đáng ngạc nhiên của tỉ giá và các mặt bằng lãi suất", SGI Capital nhấn mạnh. Sự điều hành chủ động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang phát huy tác dụng.
Đồng thời SGI Capital cũng cho rằng VN-Index giảm mạnh đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao.
Những lúc tương lai bất định, triển vọng tối tăm cũng đồng thời là thời điểm tốt để sở hữu cổ phiếu, bởi nhu cầu bán tháo chuyển qua phòng thủ sẽ khiến mặt bằng định giá của mọi cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả đầu tư trong dài hạn, theo SGI Capital.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận