22/10/2023 11:28 GMT+7

4 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương còn tồn đọng, xử lý ra sao?

Đã có 8/12 dự án yếu kém ngành công thương có phương án xử lý cụ thể, trong khi 4 dự án còn lại vừa được trình phương án. Vậy hướng xử lý sẽ ra sao để giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc?

Dự án gang thép Thái Nguyên là dự án khó xử lý trong nhóm 12 dự án nhưng đã thống nhất phương án với nhà thầu MCC - Ảnh: NAM TRẦN

Dự án gang thép Thái Nguyên là dự án khó xử lý trong nhóm 12 dự án nhưng đã thống nhất phương án với nhà thầu MCC - Ảnh: NAM TRẦN

Phương án xử lý với 4 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương vừa được trình Chính phủ. Bao gồm dự án gang thép Thái Nguyên - TISCO giai đoạn 2; dự án thép Việt Trung (VTM) của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel); dự án đóng tàu Dung Quất (DSQ) và dự án bột giấy Phương Nam.

Hé lộ hướng xử lý

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, các phương án được trình Chính phủ đều tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. Trong đó dự án TISCO 2 đề xuất chấm dứt hợp đồng với MCC - nhà thầu Trung Quốc để thanh lý hợp đồng.

Một lãnh đạo của VNSteel cho hay hiện dự án gang thép Thái Nguyên đã không còn hiệu quả tài chính. Vì vậy phải cơ cấu lại vốn chủ sở hữu. Nhà nước thoái vốn, tạo cơ chế cho các thành phần kinh tế khác tham gia sẽ hiệu quả hơn.

Dự án thép Việt Trung có tài chính khó khăn, nhà máy dừng hoạt động suốt gần 2 năm. Việc đầu tư cũng chưa hoàn thiện, lại ở khu vực miền núi nên càng khó khăn.

Vấn đề quan trọng là vốn chủ sở hữu của VNSteel chỉ chiếm 46%, không có quyền chi phối. Vì vậy, doanh nghiệp đề xuất xử lý dự án theo cơ chế thị trường, rút vốn khi dự án không còn hiệu quả và đưa ra khỏi danh mục 12 dự án.

Tình hình của nhà máy đóng tàu Dung Quất "triển vọng" hơn. Ông Nguyễn Anh Minh - tổng giám đốc DQS - thông tin, hai năm trở lại đây nhà máy có doanh thu khoảng 800 tỉ đồng/năm, gấp đôi so với trước nên dòng tiền tương đối tốt, trang trải được các chi phí.

Tuy vậy khó khăn lớn nhất là do dự án thuộc danh mục thua lỗ, yếu kém, nhiều hạng mục đầu tư dang dở nên chưa quyết toán. Việc đầu tư dàn trải khiến cho DQS trở thành con nợ của ngân hàng, thuộc nhóm nợ xấu, phải gánh nặng lãi vay. Nếu hạch toán các khoản này thì công ty sẽ thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, không thể tham gia đấu thầu.

"Để tham gia các đơn hàng doanh nghiệp phải sử dụng 100% vốn để bảo lãnh, nguy cơ âm dòng tiền rất lớn. Hiện chúng tôi vẫn gánh vác được, nhưng nếu có được dự án lớn từ 50-70 triệu USD thì không đủ vốn lưu động thực hiện dự án" - ông Minh nói.

Do vậy, phương án đề xuất là cho DQS tái cơ cấu, khoanh nợ, không hạch toán lãi vay vào bảng cân đối kế toán và đưa dự án ra khỏi nhóm 12 dự án thua lỗ, yếu kém.

Với dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, doanh nghiệp đề xuất chấm dứt dự án để tiến hành xử lý tài sản nhằm chấm dứt càng sớm càng tốt để giảm gánh nặng.

Từ đàm phán bất thành đến mở hướng tháo gỡ

Cùng với các đề xuất từ doanh nghiệp, quá trình xây dựng phương án xử lý, trực tiếp các lãnh đạo Chính phủ đã khảo sát dự án. Như với dự án TISCO 2 vốn "khó xử lý nhất", sau cuộc làm việc và khảo sát dự án vào tháng 7-2022 của Thủ tướng, Ủy ban quản lý vốn đã trực tiếp sang làm việc với MCC để tìm hướng xử lý.

Kết quả tháng 10-2022 nhà thầu này cử đoàn công tác đến Việt Nam. Lần đầu tiên sau 7 năm, hai bên tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc và thống nhất nguyên tắc xử lý, trong khi giai đoạn 2012-2016 trước đã có 12 cuộc đàm phán nhưng bất thành.

Đối với các dự án khác như VTM, DQS và bột giấy Phương Nam, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - trưởng ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém - cũng đã đến các nhà máy. Trên cơ sở phương án được Ủy ban quản lý vốn trình Chính phủ, trong tháng 10 vừa qua, ông Khái đã chủ trì ba cuộc họp để thống nhất phương án xử lý.

Trong đó, dự án TISCO 2 thống nhất giải quyết theo hướng thỏa thuận với đối tác để thanh lý hợp đồng EPC, đảm bảo việc công khai, minh bạch và hài hòa giữa các bên; dự án VTM sẽ giao cho VNSteel cơ cấu lại. Dự án DQS cũng sẽ thực hiện cơ cấu lại, thanh lý các tài sản không khai thác được hoặc tạm thời khoanh lại; hoàn thiện phương án xử lý dự án bột giấy Phương Nam để triển khai…

Theo các doanh nghiệp trên, các phương án đưa ra đã được đánh giá kỹ lưỡng từ thực tế. Với các dự án không có triển vọng, việc sớm chấm dứt hoặc thanh lý hợp đồng là phương án tối ưu để không tiếp tục gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; còn với dự án có triển vọng thị trường, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc để có cơ hội hồi sinh.

8/12 dự án thua lỗ, yếu kém được giao cho doanh nghiệp xử lý8/12 dự án thua lỗ, yếu kém được giao cho doanh nghiệp xử lý

Dự án thua lỗ, yếu kém được giao cho doanh nghiệp xử lý là thông tin được đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra tại tọa đàm quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 26-9.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên