14/04/2021 15:00 GMT+7

Vụ Gang thép Thái Nguyên: 'Vì văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương chúng tôi mới phải hầu tòa'

DANH TRỌNG - THÂN HOÀNG
DANH TRỌNG - THÂN HOÀNG

TTO - Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đặng Văn Tập cho rằng chính vì văn bản của Bộ Công thương chỉ đạo tiếp tục dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, nên hôm nay các bị cáo phải đứng trước tòa.

Vụ Gang thép Thái Nguyên: Vì văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương chúng tôi mới phải hầu tòa - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: GIANG LONG

Sáng 14-4, phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong đại án tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị liên quan tiếp tục phần thẩm vấn.

Nguyên cớ nào các bị cáo phải hầu tòa?

Theo tài liệu truy tố, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp, xây dựng) trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy luyện phôi thép thuộc dự án mở rộng sản xuất.

EPC là hợp đồng không đổi giá trị. Tuy nhiên, sau đó MCC yêu cầu tăng giá và được các bị cáo tại TISCO cũng như Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) chấp thuận.

Ngoài ra, các lãnh đạo, cán bộ tại TISCO cũng như VNS còn giới thiệu Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC.

Đáng chú ý, bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu tổng giám đốc TISCO, cho biết việc TISCO chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ vì được một thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp giới thiệu.

Trong phần thẩm vấn sáng nay, trả lời câu hỏi của luật sư về vấn đề liên quan đến việc giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ, đại diện Bộ Công thương cho rằng văn bản của bộ không chỉ là giới thiệu, mà còn là thúc ép tiến độ.

"Bộ Công thương có thấy trách nhiệm gì khi gián tiếp giới thiệu VINAINCON?", luật sư hỏi. "Đó chỉ là văn bản giới thiệu, còn quyết định hay không là ở TISCO, VNS", đại diện Bộ Công thương đáp.

Bị cáo Đặng Văn Tập, cựu phó giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO, khai rằng có nhận được thông báo của thứ trưởng Bộ Công thương từ chủ đầu tư và không nói đến việc dừng dự án.

"Chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này, chúng tôi mới phải đứng trước tòa ngày hôm nay", ông Tập trình bày.

Theo đó, TISCO phải ký với nhà thầu VINAINCON. Một thời gian sau VINAINCON thực hiện yếu kém nên đã có văn bản gửi nhiều nơi, trong đó có Bộ Công thương. Tuy nhiên, VINAINCON cũng chỉ thi công một số hạng mục rồi dừng.

Cũng theo ông Tập, khi VINAINCON không thực hiện hợp đồng, từ tháng 3-2010, TISCO đã có văn bản gửi lên Bộ Công thương và sau 12 tháng mới có thêm nhà thầu phụ.

"Việc lựa chọn các nhà thầu phụ là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công", bị cáo Tập cho hay.

"Bộ Công thương trách nhiệm đến đâu phải chịu đến đó"

Trả lời câu hỏi của luật sư về việc Bộ Công thương ký công văn cho ý kiến đồng ý giao cho HĐQT VNS xem xét và điều chỉnh giá của gói thầu EPC số 01 tại công văn số 7355 ngày 20-8-2008 có đúng các quy định của pháp luật hay không, đại diện theo ủy quyền của Bộ Công thương cho biết những văn bản của bộ đều được ký đúng pháp luật.

Đại diện Bộ Công thương cho rằng tại thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất là do những biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…

"Ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng, đó là quan hệ kinh tế, chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh hợp đồng EPC", thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Thẩm phán Toàn nhắc lại việc đại diện Bộ Công thương trả lời là ký các văn bản "đều đúng pháp luật". Ông lưu ý: "Nếu Bộ Công thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng ở tòa đâu".

Thẩm phán cũng lưu ý người đại diện Bộ Công thương rằng nên trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận đến đấy, đừng đổ hết cho các bị cáo.

"Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng, Bộ Công thương có tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ, tại sao lại khẳng định nhà thầu phụ đủ năng lực?", thẩm phán Toàn nói.

Vụ Gang thép Thái Nguyên: lựa chọn nhà thầu phụ vì thứ trưởng Bộ Công thương giới thiệu Vụ Gang thép Thái Nguyên: lựa chọn nhà thầu phụ vì thứ trưởng Bộ Công thương giới thiệu

TTO - Bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, khai lựa chọn nhà thầu phụ là Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam vì do một thứ trưởng Bộ Công thương trực tiếp giới thiệu.

DANH TRỌNG - THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên