22/10/2022 13:40 GMT+7

4 đề xuất nâng cấp thu phí tự động cho metro số 1 TP.HCM: 'Phương án nào cũng vướng'

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Đánh giá các phương án nâng cấp hệ thống thu phí tự động của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong bối cảnh hệ thống hiện hữu đã lạc hậu, có nhiều hạn chế vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM báo cáo UBND TP.

4 đề xuất nâng cấp thu phí tự động cho metro số 1 TP.HCM: Phương án nào cũng vướng - Ảnh 1.

Dự án nâng cấp hệ thống thu phí tự động được đề xuất vốn từ 110 đến 280 tỉ đồng tùy từng phương án - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hệ thống thu phí tự động hiện hữu tuyến metro số 1 là một hạng mục yêu cầu chính của gói thầu CP3 được tư vấn chung lập năm 2010, nhà thầu thiết kế kỹ thuật chi tiết năm 2015. Dù metro số 1 chưa khai thác nhưng hệ thống thu phí tự động hiện hữu đang có bất cập so với yêu cầu công nghệ hiện nay.

Bất cập thể hiện ở chỗ khách đi tàu chỉ nạp tiền mua vé tại máy hoặc quầy tại nhà ga, chưa kết nối với hệ thống thu phí của tuyến metro khác và hệ thống công cộng như xe buýt, BRT. Chưa thể áp dụng các chính sách giảm giá cho học sinh, sinh viên, người già, người khuyết tật…

Bởi thế từ năm 2021, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã nghiên cứu đầu tư bổ sung thêm chức năng hệ thống thu phí tự động cho metro số 1. Có 4 phương án vốn được đề xuất gồm đầu tư bằng vốn của dự án metro số 1, vốn ngân sách TP, vốn vay ODA và xã hội hóa. 

Các phương án đều có thời gian thực hiện tới 24 tháng, trong khi metro số 1 đang dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tại thời điểm hiện nay, các phương án đề xuất của chủ đầu tư hiện vẫn còn vướng mắc.

Cụ thể, đối với phương án nâng cấp bằng nguồn vốn của dự án metro số 1 (vốn ODA) sẽ không phù hợp do phát sinh thủ tục điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế. Thủ tục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến tiến độ metro số 1, không đảm bảo hoàn thành năm 2023, đưa vào khai thác năm 2024.

Phương án sử dụng vốn ODA lại có chi phí đầu tư cao do phải sử dụng công nghệ, thiết bị của các nhà thầu nước ngoài. Trong khi các nhà thầu trong nước hiện nay đều có thể cung cấp, lắp đặt.

Đối với phương án đầu tư công lại phải xem xét khả năng cân đối vốn trung hạn và tốn thời gian để thực hiện thủ tục đầu tư. Ngoài việc không đảm bảo tiến độ, phương án còn dẫn đến sự chồng chéo trong thực hiện, dễ xảy ra tranh chấp về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng và trách nhiệm bảo hành trong quá trình khai thác.

Phương án cuối cùng là sử dụng nguồn vốn xã hội hóa lại chưa có cơ sở để xem xét. Bởi đề xuất của nhà đầu tư mới chỉ có tính chất sơ bộ, chưa nêu rõ nội dung trong phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) 

Để đảm bảo tiến độ dự án metro số 1 theo kế hoạch đã đề ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận không phát sinh hạng mục đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí tự động vào dự án.

Dự án nâng cấp sẽ được các sở ngành TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất (có thể nghiên cứu theo hướng xã hội hóa hoặc thuê dịch vụ) phù hợp, liên thông với hệ thống thanh toán của hệ thống giao thông công cộng của TP. Dự án sẽ đảm bảo hoàn thành trong năm 2025.

Tham khảo các metro trên thế giới (Nhật Bản, Singapore, Indonesia...), Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận thấy giai đoạn đầu khi chưa có hệ thống thu soát vé tự động chung cho hệ thống công cộng, các tuyến metro đều sử dụng công nghệ, phương thức thanh toán vé tương tự metro số 1 đang triển khai.

Hệ thống thu phí tự động được đầu tư nâng cấp trong giai đoạn khai thác vận hành.

Nâng cấp tính năng hệ thống thu phí cho metro số 1 Nâng cấp tính năng hệ thống thu phí cho metro số 1

TTO - Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa gửi Sở Giao thông vận tải TP phương án xây dựng dự án nâng cấp hệ thống thu phí tự động (AFC) của metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên