Sinh viên tự thiết kế và lập trình robot
Đáng chú ý, thành viên những đội thi tham gia tranh tài đều là sinh viên năm nhất, có niềm đam mê, sự yêu thích với robot và AI. Các đội được chia làm 6 bảng thi đấu, tự thiết kế phần cứng và lập trình phần mềm cho robot.
Sinh viên mang đến những tạo hình robot đa dạng kiểu dáng khác nhau như robot diện áo dài, đội nón lá, đồ thể thao, siêu nhân... cùng thể hiện điệu nhảy trong vòng 3 phút trên nền nhạc tự do.
Robot được kết nối với nguồn điện và thiết bị lập trình do sinh viên tự tạo. Sau đó, sinh viên sẽ điều khiển để robot trình diễn những điệu nhảy uyển chuyển cả phần tay và chân.
Ban giám khảo sẽ đánh giá dựa trên các tiêu chí robot hoạt động độc lập, di chuyển trên hai chân, không giới hạn kích thước và khối lượng.
Bạn Giang Quang Vinh (Đại học Kinh tế TP.HCM, phân hiệu Vĩnh Long) cho biết nhóm có một tháng để chuẩn bị.
"Nhóm chúng tôi phải lên ý tưởng, làm khung thủ công, sau đó làm phần mềm để điều khiển robot tạo nên những động tác nhảy thật sống động. Nhóm đã mô phỏng robot dựa trên mô hình con người để có thể tạo động tác dễ hơn.
Cuộc thi rất bổ ích, chúng tôi được trải nghiệm, được tiếp xúc nhiều công nghệ mới, thêm nhiều kiến thức hỗ trợ cho tương lai" - Vinh nói.
Giúp sinh viên làm chủ công nghệ
Bạn Cao Thị Minh Tâm chia sẻ: "Nhóm đặt nhiều tâm huyết vào dự án, robot được chú trọng vào động tác. Nhóm phải học cách điều khiển và di chuyển robot mượt mà không bị ngã. Thông qua cuộc thi giúp sinh viên năm nhất chúng tôi dạn dĩ hơn, giao lưu nhiều bạn bè và học được nhiều kiến thức mới".
Giáo sư Nguyễn Trường Thịnh - viện trưởng Viện công nghệ thông minh và tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM - đánh giá cao khả năng của các bạn sinh viên năm nhất khi tự lập trình robot, thiết kế giai điệu, âm thanh.
"Các bạn sinh viên năm nhất mới học thời gian ngắn nhưng đã có nhiều cố gắng để làm ra sản phẩm tốt, đủ sức thuyết phục ban giám khảo. Sinh viên đã tiếp cận và sử dụng cảm biến để thực hiện chuyển động phức tạp cho robot. Tôi đánh giá cao khi các bạn ứng dụng nhiều kiến thức trong học tập để robot có thể nhảy được", giáo sư Thịnh nói.
Thầy Thịnh cũng cho rằng thông qua cuộc thi giúp sinh viên hiểu được bản thân và khả năng của các bạn.
"Cuộc thi đã khơi gợi sự đam mê trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức vào thực tế trong sinh viên. Qua đó giúp các em hiểu được công nghệ, làm chủ công nghệ và triển khai trong tương lai. Dự định năm sau cuộc thi sẽ mở rộng ra không chỉ sinh viên khu vực TP.HCM", giáo sư Thịnh thông tin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận