Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.T.D.
Sáng 19-11, báo cáo tại hội nghị về kinh tế, xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết đến nay TP có 27 doanh nghiệp thông báo cắt giảm lao động vì lý do cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị máy móc, ảnh hưởng về kinh tế.
"Đừng say sưa rồi trở tay không kịp"
"So với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp giảm lao động là tương đồng, có tăng nhưng không đáng kể. Nhưng so với năm 2019 (74 doanh nghiệp) và năm 2020 (86 doanh nghiệp), số doanh nghiệp cắt giảm lao động đang ở số rất thấp", ông Thinh nói và cho hay sở đã phối hợp các đơn vị liên quan để kết nối cung - cầu từ nơi cắt giảm đến nơi có nhu cầu tuyển dụng mới.
Ông Thinh cho biết, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã phối hợp với Phòng Lao động huyện Củ Chi giới thiệu việc làm cho 770 người bị Công ty TNHH Việt Nam Samho cắt giảm đến sáu công ty khác. Người lao động sau đó cũng an tâm, cơ bản đảm bảo được tình hình lao động ở Samho.
Trường hợp khác ở Công ty TNHH Tỷ Hùng (Bình Tân), cắt giảm 1.185 lao động, sở đang phối hợp với quận Bình Tân và Liên đoàn Lao động để kết nối cung, cầu.
Theo ông Thinh, từ giờ đến cuối năm, sở đặc biệt quan tâm đến tình hình trả lương, thưởng của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm xã hội TP nhằm phân tích, đánh giá số liệu, tham mưu giải pháp cho UBND TP.
"Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nhiều nhà máy, xí nghiệp, người lao động để giám sát các doanh nghiệp có trên 50 lao động nhằm nắm chắc tình hình sức khỏe, sản xuất, phương án trả lương. Từ đó, chủ động giải pháp để ứng phó", ông Thinh nói.
Ông Lê Văn Thinh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở LĐ-TB&XH bám sát tình hình sản xuất liên quan lao động, an sinh xã hội.
"Ta không muốn tình hình xấu hơn nhưng đừng say sưa với tình hình tốt rồi trở tay không kịp, nhất là với thành phố đông dân như chúng ta", ông Mãi nói và lưu ý không chỉ công nhân mất việc tại TP.HCM, mà ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng sẽ là "gánh nặng" vì họ có xu hướng về thành phố.
Nhiều ngành đang gặp khó
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân - phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết ngành dệt may hiện gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, EU giảm rõ rệt. Cụ thể, châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.
Theo ông Nhân, từ quý 4-2022 và dự báo quý 1-2023, khách hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nhân kiến nghị ngành thuế cần nhanh chóng hoàn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là ngành gỗ, chế biến gỗ. Ông cho biết hiện quy trình hoàn thuế VAT rất phức tạp, kéo dài khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong bối cảnh đang cạn kiệt nguồn tiền. Theo quy định, quy trình hoàn thuế không quá 40 ngày, nhưng việc xác minh nguồn gốc để đánh giá doanh nghiệp được hoàn thuế hay không rất phức tạp.
"Tính đến nay lượng thuế VAT ở các doanh nghiệp sử dụng gỗ trồng rừng chưa được hoàn là hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, mức thuế chưa được hoàn phổ biến là 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn 40-50%. Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu một số mặt hàng", ông Nhân nêu.
HUBA cũng kiến nghị nới room tín dụng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp tục giảm 2% lãi vay ngân hàng. Đồng thời, "xả" vốn đầu tư công để hỗ trợ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và dự trữ vốn cho hàng Tết năm 2023 để có kênh tạo vốn cho doanh nghiệp bình ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận