16/11/2022 10:02 GMT+7

Đồng lòng vượt 'bão' cắt giảm lao động

CÔNG TRIỆU - VŨ THỦY
CÔNG TRIỆU - VŨ THỦY

TTO - COVID-19 dần xa nhưng 'cơn bão' khác lại đến khiến hàng ngàn người lao động đứng trước tình cảnh giảm thu nhập, thậm chí mất việc khi những ngày cuối năm cận kề.

Đồng lòng vượt bão cắt giảm lao động - Ảnh 1.

Linh hoạt thay đổi, Công ty TNHH may mặc Dony cố gắng vượt khó và dám nghĩ đến chuyện thưởng tết cho nhân viên sắp tới - Ảnh: C.TRIỆU

Len lỏi trong bức tranh xám màu của "cơn bão" cắt giảm, đã có những cái nắm tay, sẻ chia giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Trừ khi công ty buộc mình phải nghỉ còn không khó mấy cũng sẽ ở lại. Ít lương thì bớt chi tiêu, giảm ăn uống chứ mới khó đã rủ nhau nghỉ thì đẩy cái khó cho công ty à.

Chị TRẦN QUỲNH PHƯƠNG (công nhân)

Giảm lương, vui vẻ giảm chi tiêu

17h30 chiều một ngày đầu tháng 11, cô công nhân trẻ Trần Quỳnh Phương rảo bước đi về phía căn trọ nhỏ nằm trên đường Cống Lở (quận Tân Bình, TP.HCM). 26 tuổi, Phương có gần tám năm làm công nhân cho một công ty linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Tân Bình.

Không được tăng ca đã hơn ba tháng nay, một số đồng nghiệp thân quen với Phương đã nghỉ việc đi tìm nơi làm mới. Nhưng cô chọn cách ở lại, phần vì nghĩa tình với công ty, phần vì cũng lo nếu rời đi lúc này chắc gì kiếm được công việc mới ổn định ngay. "Trừ khi công ty buộc mình phải nghỉ còn không khó mấy cũng sẽ ở lại. Ít lương thì bớt chi tiêu, giảm ăn uống chứ mới khó đã rủ nhau nghỉ thì đẩy cái khó cho công ty à", Phương trăn trở.

Việc ít chi tiêu, giảm ăn uống mà Phương nhắc tới chính là sẵn sàng đi bộ 2,5km để tới công ty, tự đi chợ nấu ăn thay vì ăn ngoài, bớt mua sắm không cần thiết. Chưa hết, Phương còn nhận nấu cơm tối luôn cho cả ba phòng trọ chung dãy. Bảy người đi chợ nấu ăn chung nên bữa tối chi khoảng 100.000 đồng, chia ra mỗi người chưa đến 15.000 đồng.

"Trước toàn tăng ca, về đến nhà là tối mù, mệt quá nên ai về phòng đó nghỉ. Giờ tốn chỉ 15.000 đồng nhưng ai cũng được ăn no, ăn ngon, nhà trọ tối nào cũng đông đúc nên kể ra cũng vui", anh Đồng - công nhân gia công đồ gỗ nội thất cùng trong nhóm nhà trọ - chia sẻ.

Không được tăng ca kéo theo thu nhập giảm mạnh buộc lòng chị Hồng Liên (38 tuổi, quê An Giang) phải chọn cách nghỉ việc để tìm nơi làm mới. Nhưng từ lúc xin nghỉ ở công ty linh kiện điện tử đến nay đã gần ba tháng mà vẫn chưa tìm được công việc mới. "Tui cũng tính toán trước, nhắm xin vô công ty kia có nhỏ em làm ở đó nhưng quen làm công nhân điện tử nay nhảy qua may mặc khó quá, trái tay vướng víu, cứ làm lại hư nên đành phải nghỉ tìm cách khác", chị Liên cười.

Cách khác của chị Liên là thức từ 4h30 mỗi sáng, chạy xe đến chợ đầu mối Bình Điền, lân la xin làm thuê cho các vựa rau củ. Bất kể việc gì, từ nhặt rau, đóng gói, bốc vác, giao hàng... chị đều cố gắng làm thật tốt. Chợ tan, chị cũng xong việc.

Tùy tình hình bán buôn để trả lương, trung bình mỗi ngày (sáu giờ làm việc) chị được trả khoảng 250.000 đồng, có khi thấp hơn. "Gốc con nhà nông nên cũng thuần việc chân tay, gắng tí cũng tiết kiệm được cả tiền đi chợ, vẫn ngon hơn làm công nhân ngày tám tiếng", chị vừa nói vừa thoăn thoắt đôi tay.

Làm mọi cách tìm đơn hàng mới

Trong đợt dịch bệnh vừa qua, Dony - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực may mặc - không những không đình trệ sản xuất, nhân viên không phải nghỉ việc mà trái lại còn tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí có thưởng. Kết quả này do lãnh đạo dám thay đổi từ may đồng phục, quần áo thời trang sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn.

Anh Phạm Quang Anh - CEO Công ty TNHH may mặc Dony - chia sẻ chính sự thay đổi khi đó mang lại cho Dony quyền được lựa chọn khách hàng, đơn hàng. Còn ở thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế khó khăn chung, đơn vị này cũng không ngoại lệ. "Làm kinh doanh, tôi biết thời điểm khó khăn lên xuống của thị trường nhưng riêng năm nay sự lên xuống rất bất ngờ. Từ tháng 8 đến nay đơn hàng giảm trên 50%, các đơn hàng dự kiến ký đều bị hủy", anh Quang Anh thông tin.

Dẫu vậy, anh cho biết vẫn cố "chạy đông chạy tây", làm mọi cách để kiếm đơn hàng và may mắn mọi việc vẫn đang thuận lợi, "hóa giải" khó khăn trước mắt. Công ty phải tiếp tục thay đổi mặt hàng sản xuất, cụ thể với khách hàng cũ vẫn tập trung vào áo quần nhưng mở rộng tối đa các mặt hàng đồng phục, khẩu trang, mũ, găng tay, đồ bảo hộ... Liên tục kết nối tìm khách hàng mới thông qua công ty trung gian, hội chợ, triển lãm và marketing.

Nếu trước đó chỉ lo tập trung các đơn hàng, sản phẩm giá trị cao thì nay Dony bắt đầu quan tâm các đơn hàng, sản phẩm "bình dân" hơn. "Vật giá leo thang mà phải hạ giá đơn hàng thực sự rất khó cho doanh nghiệp nhưng phải tính toán lại để đồng hành với người lao động. Trước đây có thể tính chuyện lời lãi thì nay ưu tiên có việc cho công nhân để duy trì lương, lời nhẹ hoặc hòa vốn cũng được", anh Quang Anh cười.

Doanh nghiệp cắt giảm lao động, thất nghiệp tại Đà Nẵng cao nhất 10 năm qua Doanh nghiệp cắt giảm lao động, thất nghiệp tại Đà Nẵng cao nhất 10 năm qua

TTO - Ông Trần Văn Vũ, cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng, vừa cho biết tỉ lệ thất nghiệp tại TP Đà Nẵng năm 2020 là 8,78%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.

CÔNG TRIỆU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên