Ông Vương Văn Thanh và hai chiếc xe cứu thương của mình - Ảnh: V.M.P.
"Tôi làm công việc này không phải để được khen thưởng, mà chỉ muốn báo ân cuộc đời. Bây giờ có quá nhiều vụ tai nạn thảm khốc mà đáng buồn thay, không phải nạn nhân nào cũng được phát hiện hoặc cấp cứu kịp thời. Tôi quyết tâm phải làm một điều gì đó, chí ít cũng giúp lòng mình thanh thản" - ông Vương Văn Thanh (71 tuổi, số nhà 30A, tổ 8, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tâm sự.
Chúng tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với một số người tử tế, tốt bụng trong xã hội, tuy nhiên không ai trong số họ đem lại cho chúng tôi sự khâm phục như ông Vương Văn Thanh.
25 năm nay, ông làm một công việc đáng trọng là cứu thương những người bị nạn trên các tuyến đường quốc lộ. Không cứ vào ngày hay đêm, lễ hay tết, hễ có cuộc gọi đến là ông Thanh tức tốc lên đường trợ giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Ông Thanh từng là lái xe cứu thương, trực tiếp tham gia đoàn 44, đội xung kích của Bộ GTVT. Năm 1990, ông phải nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Ông mua xe khách chạy tuyến Xuân Mai - Hà Đông (Hà Nội).
Mấy chục năm làm nghề, đi khắp đó đây, ông từng chứng kiến quá nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà cả thị trấn không có lấy một xe cấp cứu. Vì vậy năm 1994, ông quyết định đăng ký chuyển hẳn sang hoạt động cứu thương, phối hợp với các bệnh viện và lực lượng công an địa phương cùng cứu người bị nạn.
Ông sắm hai chiếc xe cứu thương, một dùng chở nạn nhân tử vong, một dùng chở người bị tai nạn tới các bệnh viện.
"Tôi sơ cấp cứu rồi chở họ đến bệnh viện. Nhiều trường hợp tôi không biết họ là ai, làm nghề gì và có khi cũng không có cơ hội được gặp lại họ lần thứ hai trong đời. Những người được tôi cứu sống phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nên dù họ có trả công tôi cũng không lấy".
Đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi mình đã chở giúp bao nhiêu người đi cấp cứu, chỉ biết ngày nào cũng như ngày nào không tai nạn thì cũng ốm đau, bệnh tật gọi đến. Thậm chí cả công an địa phương khi phát hiện tai nạn, việc đầu tiên là họ gọi cho ông.
Ông cho biết: "Nhà tôi lúc nào cũng có người túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng chạy xe khi có người cần giúp đỡ. Tôi nghĩ trong lúc khó khăn họ cần đến mình nên tôi không dám đi đâu, dù chỉ là một chuyến du lịch đầm ấm cùng gia đình".
Vợ ông Thanh, bà Nguyễn Lê Hằng, nói: "Tôi thương nhà tôi lắm, có tuổi rồi mà phải đi cứu người đêm hôm như thế. Nhưng tôi chỉ biết động viên ông ấy vượt qua khó khăn, tiếp tục gắng sức vì công việc hữu ích này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận