01/12/2020 11:10 GMT+7

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 3: Lỡ làng cho cầu soi bóng Tiền Giang

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Rất nhiều hoạt động chuẩn bị xây cầu Mỹ Thuận đã diễn tiến trong các năm 1965-1968, nhưng vẫn chưa thể đi đến ngày khởi công.

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 3: Lỡ làng cho cầu soi bóng Tiền Giang - Ảnh 1.

Hãng Nippon Koei đã khoan thử móng cầu Mỹ Thuận năm 1965 - Ảnh tư liệu

“Hồi đó, việc xây dựng thành công cầu Mỹ Thuận còn là sự thể hiện của chính quyền Sài Gòn với người dân miền Nam, nhưng đã không thể thực hiện vì nhiều lý do như chiến sự, thiếu tiền, kể cả sự yếu kém của đội ngũ thực hiện.

Kỹ sư HOÀNG BÁ VINH

"Ba tôi hồi đó là công chức ngành giáo dục ở Sài Gòn, nhưng được biệt phái đi hỗ trợ Hà Tiên mấy năm 1967-1970, nên rất quan tâm chuyện xây cầu Mỹ Thuận. Thời sự báo chí có rục rịch gì là ổng ghi chép chi tiết vào tờ lịch để theo dõi tiến độ.

Tôi nhớ có lần ổng thở dài, nói chánh quyền hứa gì mà cứ lần lữa hoài, không chịu lẹ lẹ bắc cây cầu cho người dân nhờ" - bà Trần Thị Phượng, 75 tuổi, một người miền Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954 (sống ở đường Hiệp Nhất, quận Tân Bình, TP.HCM), kể kỷ niệm về cha mình.

Hơn chục năm không xây nổi

Cũng giống bà Phượng, nhiều người Sài Gòn và miền Tây trước năm 1975 đã theo dõi sát sao dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận nối liền đôi bờ sông Tiền. Và nói như bà Phượng thì thuở chiến sự triền miên, không phải ai cũng hay đi lại, chờ đợi phà Bắc Mỹ Thuận để mơ ước được thong dong qua cầu, mà họ chú ý lời hứa hẹn của chính quyền.

Ngày 16-4-1964, Thủ tướng Trần Văn Hương của Việt Nam Cộng hòa đã trực tiếp ký sắc lệnh 175-CC cho phép kiến tạo cầu Mỹ Thuận. Sau đó, Bộ Giao thông - công chánh cho "nâng cấp" Ty Công tác nghiên cứu lập đồ án cầu Mỹ Thuận lên thành Sở Cầu Mỹ Thuận do chánh sự vụ Nguyễn Thế Điển phụ trách.

Lý do phải thay ty bằng sở được giải thích "để cung ứng cho nhu cầu hoạt động công tác kiều lộ càng ngày càng mở rộng".

Rất nhiều hoạt động chuẩn bị xây cầu đã diễn tiến trong các năm 1965-1968, nhưng vẫn chưa thể đi đến ngày khởi công. Cụ thể, trong năm 1965, báo chí Sài Gòn rần rần loan tin nóng hổi: Nhà thầu Nippon Koei Nhật đã chính thức thực hiện khoan đáy sông để làm móng trụ cầu.

Đặc biệt, nhà thầu người Việt ở Sài Gòn cũng được chọn xây dựng đường dẫn dài 600m, rộng 20m và đắp nền cao hơn nửa mét phía Vĩnh Long để dẫn vào đầu cầu. Phía bờ Định Tường (Tiền Giang nay) cũng được thực hiện tương tự.

Ban đầu, các nhà thầu làm đường dẫn định gấp rút thực hiện cả ca đêm để đẩy nhanh tiến độ cho công trình thi công cầu chính, nhưng chỉ làm được ban ngày vì lý do an ninh thời điểm đó.

Và một lần nữa, dự định xây cầu Mỹ Thuận vào cuối năm 1965 lại "lỡ nhịp". Báo chí Sài Gòn và các dân biểu tiếp tục trách móc sự lỡ hẹn kéo dài.

Đến ngày 25-1-1968, trước phiên họp của các dân biểu nghị viện, ông Nguyễn Văn Thiệu đọc thông điệp, tái khẳng định sẽ sớm hoàn tất xây cất cầu Mỹ Thuận vào đầu thập niên 1970.

"Nếu tôi nhớ không lầm thì các ông bà dân biểu và báo chí Sài Gòn hồi đó lại có dịp chỉ trích chính quyền "chỉ giỏi hứa lèo".

Có một cây cầu dân mong đợi mà hơn chục năm làm không nổi trong khi người Pháp đã làm được những cây cầu rất lớn như Doumer (Long Biên) ở Hà Nội, Bình Lợi ở Sài Gòn, cầu Ghềnh ở Đồng Nai và cả những cây cầu dài bắc qua sông Vàm Cỏ, Long An... để về miền Tây từ hồi nảo hồi nào đầu thế kỷ 20.

Tôi nhớ ông Thiệu có trả lời các dân biểu rằng không biết chuyện hứa hẹn xây cầu Mỹ Thuận trước đó, còn nhiệm kỳ của ông ta chỉ mới ngắn ngủi nên không thể làm kịp" - kỹ sư Hoàng Bá Vinh, Bộ Giao thông - công chánh Việt Nam Cộng hòa, nhắc nhớ kỷ niệm khó quên.

Đến ngày 16-12-1968, ông Bửu Đôn, phụ tá công chánh của bộ này, lại làm một tờ trình, khẳng định: "Cầu Mỹ Thuận là một công tác trọng đại của Chánh phủ nói chung và của Bộ Công chánh nói riêng, vì Mỹ Thuận là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Cửu Long, một chiếc cầu có tiếng vang quốc tế.

Ở Đông Nam Á, nói đến cầu Mỹ Thuận là ai cũng biết đến. Ngoài ra, cũng đã có một số cơ quan hay hãng ngoại quốc xin theo dõi tiến triển xây cất. Có thể nói rằng ở ngoại quốc, nền kỹ thuật của Việt Nam sẽ được đánh giá theo chiếc cầu này, do đó triệt để cần tránh mọi sơ suất khi xây cầu.

Vì sự đặc biệt của cầu (tiếng vang quốc tế, lưu thông hàng hải, đất xấu), Bộ phải tận dụng phương tiện quốc tế để có thể áp dụng những kỹ thuật tân tiến nhất hầu bảo đảm công trình sẽ bền và rẻ... Cũng vì kỹ thuật xây cầu mới lạ với Việt Nam, cầu này sẽ được đấu thầu quốc tế và kiểm soát xây cất bởi một hãng kỹ sư cố vấn ngoại quốc...".

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 3: Lỡ làng cho cầu soi bóng Tiền Giang - Ảnh 3.

Một bản tham gia thiết kế cầu Mỹ Thuận trước năm 1975

Chọn lựa nhà thầu

Cuối năm 1968, các công việc chuẩn bị xây dựng cầu Mỹ Thuận có vẻ được đẩy nhanh. Chiều ngày 17-12, một cuộc họp liên bộ tại văn phòng ông Lương Thế Siêu, tổng trưởng công chánh - giao thông, với các đại diện Bộ Kinh tế, Bộ Tài chánh, Tổng Nha kế hoạch...

Mở đầu, ông Lương Thế Siêu cho biết: "Vì có sự can thiệp của các nước bạn và Ủy ban sông Mekong nên hiện nay chưa biết chắc sẽ làm cầu cao 25m hay 45m".

Trước đó, đầu thập niên 1960, kế hoạch của chính quyền Sài Gòn xây cầu có độ cao tĩnh không 25m đã bị Campuchia và Ủy ban sông Mekong đề nghị xây cao 45m để không ảnh hưởng đến lưu thông của tàu bè quốc tế.

Trong cuộc họp này, phụ tá công chánh Bửu Đôn cũng cho biết: "Những tháng trước đã phổ biến đi các nước lớn về dự án làm cầu Mỹ Thuận (cao 25m và 45m). Các hãng nào muốn dự thì gửi hồ sơ chứng minh khả năng tài chánh và khả năng kỹ thuật".

Kết quả, 26 nhà thầu đã ghi tên gồm Pháp, Nhật, Đại Hàn (Hàn Quốc), Mỹ, Hong Kong, Singapore... Đặc biệt, ngoài các nhà thầu quốc tế, một số nhà thầu Việt Nam hoặc Việt Nam liên doanh với nước ngoài cũng tham gia như Recchi, Transmar Vietnam, C.M. Finsider, Nhatico, Matelli.

Kết quả, chín nhà thầu bị bác (chỉ có hai nhà thầu Việt Nam) vì thiếu kinh nghiệm làm cầu, còn lại 17 nhà thầu. Trong đó, các hãng thầu từng kiên trì theo đuổi dự án cầu Mỹ Thuận suốt nhiều năm từ cuối thập niên 1950 là Nippon Koei (Nhật) và Dragages (Pháp), mà riêng hãng Dragages đã trúng phiên mở thầu từ năm 1961 tại Sài Gòn.

Ngày 3-5-1969, giữa tình hình chiến sự vẫn còn khốc liệt, chính quyền Sài Gòn đã mở thầu xây dựng cầu Mỹ Thuận. Với phương án cầu có độ cao tĩnh không 25m, các hãng đưa giá thầu ở mức thấp nhất 11.211.587 USD và cao nhất 17.193.698 USD tùy thiết kế cừ thép hay bêtông cốt thép.

Riêng dự án cầu có độ tĩnh không cao 45m mà chính quyền Sài Gòn đang ngả theo hướng này vì áp lực của Ủy ban sông Mekong và Campuchia, các mức giá thầu từ 17.204.219 USD đến 27.200.000 USD.

Hai hãng chào giá thầu thấp cuối bảng là Nichimen của Nhật và Dae Lim của Hàn Quốc. Các hãng chào giá cao đầu bảng là Mitsubishi và Mitsui Bussan với khoảng chênh lệch giá lên đến khoảng 30-40%...

Trong các cuộc họp chọn nhà thầu xây dựng cầu Mỹ Thuận sau đó, nhiều ý kiến giới chức trách Sài Gòn ngả theo hướng chọn nhà thầu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, với rất nhiều sự chuẩn bị kéo dài đến tận năm 1973, cuối cùng dự án cầu Mỹ Thuận vẫn chỉ dừng lại ở nghiên cứu và bàn thảo.

Sự mong mỏi của người dân về ngày cầu Mỹ Thuận soi bóng Tiền Giang vẫn còn phải đợi nhiều năm nữa sau bước ngoặt lịch sử 1975...

Nguồn tiền ở đâu để xây cầu?

Nếu như cuối thập niên 1950, chính quyền Sài Gòn từng dự tính làm cầu Mỹ Thuận bằng tiền của các ngân hàng trong nước và thu phí qua cầu để trả lại sau 10-12 năm, thì từ giữa thập niên 1960 đã chuyển hướng sang tìm nguồn viện trợ (hay vay) từ Nhật hoặc Mỹ thông qua USAID - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Bộ Giao thông - công chánh Việt Nam Cộng hòa đã cử phái đoàn đi Nhật để tìm nguồn tiền xây cầu với mức khởi điểm 9,1 triệu USD năm 1965. Trong chuyến đi này, các hãng Nippon Koei, Mitsubishi đã mời phái đoàn Sài Gòn tham quan những cây cầu lớn mà họ xây dựng ở Nhật.

****************

Sau khi đất nước thống nhất, những chuyến phà Mỹ Thuận đã đi vào ký ức nối liền đôi bờ cùng với niềm vui là bao bất tiện, đợi chờ mệt mỏi...

Kỳ tới: Những chuyến phà khó quên

20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông 20 năm cầu Mỹ Thuận - Những chuyện chưa kể - Kỳ 1: Một thời cách trở dòng sông

TTO - Có người đã nói rằng việc xây cầu Mỹ Thuận thập niên 1990 để rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ cũng khó như... bắc cầu lên trời.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên