Các bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền từng mắc COVID-19 được xuất viện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 - Ảnh: Bộ Y tế
BS CKII Trần Thanh Linh - phó giám đốc Bệnh viện hồi sức COVID-19 - cho biết hiện bệnh viện đã có gần 800/1.000 giường đi vào hoạt động. Trong đó có gần 200 bệnh nhân phải thở máy. Thiết bị y tế, bao gồm những máy móc hiện đại nhất, cũng như lực lượng tinh nhuệ được Bộ Y tế và nhiều cơ sở liên tục đưa vào, để xuyên ngày đêm cứu chữa các bệnh nhân nặng.
Nhiều ca bệnh khó đã được hồi sinh một cách ngoạn mục. Điển hình như một số bệnh nhân cao tuổi, hay sản phụ có nhiều bệnh nền, đa số người bệnh được chuyển đến đều trong tình trạng diễn biến xấu.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thuộc tuyến điều trị cao nhất, nên số bệnh nhân trên 50 tuổi có chuyển biến nặng rất nhiều. Đây là đối tượng đòi hỏi kết hợp nhiều biện pháp vừa điều trị, vừa chăm sóc nâng cao thể trạng.
Một tín hiệu tích cực là số ca tử vong ngày càng giảm mạnh. Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã có gần 2.000 bệnh nhân chuyển nhẹ và xuất viện.
"Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có các bệnh nhân được điều trị khỏi và làm thủ tục xuất viện. Những người khỏi bệnh được xe đưa về tận nhà. Những người cao tuổi hay có khó khăn trong đi lại được nhân viên y tế dìu đỡ, túc trực bên cạnh, đưa về tận tình.
Chúng tôi cũng dặn dò bệnh nhân về nhà theo dõi thêm sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể lực để dần trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước kia", bác sĩ Linh chia sẻ.
Để sàng lọc và tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 kết nối trực tuyến để hội chẩn thường xuyên với các bệnh viện tuyến dưới nhằm nắm chắc tình hình các ca bệnh nặng trước khi họ được chuyển lên.
Ngược lại, khi một số ca bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm mà tầng dưới có thể chăm sóc, điều trị được thì Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM lại chuyển xuống, để nhường giường cho bệnh nhân nguy kịch khác.
Những người khỏi bệnh được xe đưa về tận nhà - Ảnh: Bộ Y tế
Ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - đánh giá việc phân loại bệnh nhân là rất quan trọng.
Các bệnh nhân bệnh nền nhiều, tuổi quá lớn, nguy cơ cao thì giữ lại, các bệnh nhân trẻ, chuyển độ nhẹ thì phối hợp nhịp nhàng chuyển về tuyến dưới là rất hợp lý.
Điều này không những giúp giảm áp lực cho tuyến trên mà còn cứu được nhiều bệnh nhân nguy kịch khác.
"Có ca bệnh đưa lên đây phổi đã xơ cứng. Quét siêu âm vào thấy xơ hóa hết. Có bệnh nhân đến bên 'cửa tử' khi mới ngoài 20 tuổi. Thế nên từng y bác sĩ tại đây phải chạy đua để giành giật sự sống. Cũng may ngoài lực lượng y tế thì các tình nguyện viên tôn giáo đã hỗ trợ chăm sóc người bệnh rất nhiều", bác sĩ Linh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận