20/05/2024 09:28 GMT+7

15 năm đưa sáng tạo trẻ ra cộng đồng

Ước lượng đã có khoảng 10.000 lượt người đến với các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo và Ngày sinh viên TP.HCM sáng tạo năm 2024 trong hai ngày 18 và 19-5.

Nhiều mô hình mới, sản phẩm sáng tạo, công nghệ mới được các đơn vị mang đến Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2024 - Ảnh: C.TRIỆU

Nhiều mô hình mới, sản phẩm sáng tạo, công nghệ mới được các đơn vị mang đến Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo 2024 - Ảnh: C.TRIỆU

Hoạt động do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Hai chương trình sáng tạo của tuổi trẻ TP mang tên Bác diễn ra đúng dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5) và Ngày khoa học công nghệ Việt Nam (18-5).

Các hoạt động sáng tạo được tổ chức thường niên đã tạo sân chơi giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức về học thuật, nghiên cứu khoa học, sáng tạo giữa các cơ sở Đoàn - Hội, câu lạc bộ, đội nhóm và rộng ra là tuổi trẻ TP.
Chị TRẦN THU HÀ (phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM)

Nhất định phải đến điểm hẹn sáng tạo

6h ngày 18-5, trong cái nắng sớm ngày cuối tuần, dòng người đổ về khoảng sân rộng của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (TP Thủ Đức) mỗi lúc một đông. 30 gian hàng với hơn 300 mô hình, sản phẩm tham gia triển lãm cùng 30 hoạt động sáng tạo diễn ra liên tục làm không khí liên hoan mỗi lúc càng thêm sôi nổi.

Kha khá kỹ thuật, công nghệ hiện đại được mang đến liên hoan. Từ công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói, khuôn mặt đến robot, lập trình, tự động hóa, năng lượng xanh. Đó còn là những ý tưởng sáng tạo tạo ra một số sản phẩm công nghệ sinh hóa cùng các ứng dụng, phần mềm công nghệ thông tin, kỹ thuật, điện - điện tử, cả ngành vi mạch bán dẫn rất "nóng" hiện nay.

Sinh viên Phạm Ngọc Quỳnh Giao (Trường ĐH Tài chính - Marketing) hào hứng khoe lần thứ hai có mặt tại liên hoan sáng tạo dù mới là sinh viên năm thứ nhất. Lần đầu tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) ở quận 10 hồi cuối năm ngoái và lần này tại TP Thủ Đức.

Quỳnh Giao khoe cực kỳ đam mê công nghệ, các sản phẩm sáng tạo dù từng bị mẹ quở "mê gì mấy trò của con trai". Bạn nói mình như "phát cuồng" trước không gian, mô hình, công nghệ sáng tạo trình làng tại liên hoan này. "Đây là điểm hẹn sáng tạo nhất định phải đến, không thể bỏ lỡ! Mình rất thích khu vực ngắm kính thiên văn vì lần đầu trải nghiệm nhưng thích nhất là khu vực trải nghiệm về trí tuệ nhân tạo" - Quỳnh Giao chia sẻ.

Tại không gian khác, hai bạn Đức Thiện và Thùy Giang (quận Gò Vấp) trầm trồ khi nghe nhóm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giới thiệu chi tiết về sản phẩm mặt nạ vi tảo lục. Thùy Giang tự nhận mình là tín đồ của mỹ phẩm nên khi biết từ tảo chlorella, chùm ngây, lá nem... mà lại có thể chế tạo ra một loại mặt nạ "xịn xò" như thế thì quá bất ngờ. Còn Đức Thiện nói đến liên hoan mong học hỏi, cũng là tiếp thêm động lực cho đam mê nghiên cứu khoa học vốn sục sôi trong cậu.

Sinh viên Quỳnh Giao (Trường ĐH Tài chính - Marketing) lần đầu tiên trải nghiệm dùng kính thiên văn - Ảnh: C.TRIỆU

Sinh viên Quỳnh Giao (Trường ĐH Tài chính - Marketing) lần đầu tiên trải nghiệm dùng kính thiên văn - Ảnh: C.TRIỆU

Hướng đến sân chơi khoa học hàng đầu

Lấy mốc từ năm 2010, sau 15 lần tổ chức, Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP.HCM đã trở thành điểm hẹn sáng tạo của tuổi trẻ TP mang tên Bác. Với tên gọi Triển lãm Tuổi trẻ sáng tạo ngay từ đầu được Thành Đoàn TP.HCM ra mắt chỉ đơn thuần triển lãm, giới thiệu những công trình, mô hình sáng tạo tiêu biểu của thanh niên TP tới cộng đồng, sau đó đổi thành Tuần lễ Tuổi trẻ sáng tạo.

Đầu năm 2013, Thành Đoàn TP.HCM thấy mỗi năm cần tổng kết, giới thiệu, triển lãm những sản phẩm, ý tưởng sáng tạo để kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân nhiều thành tích, đóng góp trong phong trào học tập, nghiên cứu khoa học. Đó là lý do hoạt động này được đổi thành liên hoan và được tổ chức hằng năm cho đến nay.

Liên hoan không ngừng mở rộng quy mô mỗi năm, ngày càng có nhiều hoạt động học thuật, sáng tạo mới, đa dạng sân chơi cho thanh thiếu nhi TP.HCM. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, liên hoan phải kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến trên không gian triển lãm thực tế ảo, để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

PGS.TS Lê Hiếu Giang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - đánh giá liên hoan đem tới cơ hội để tuổi trẻ TP.HCM được giới thiệu về mô hình, ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Qua đó khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển cho TP. "Qua liên hoan này, chúng ta có thể tìm ra nhiều ý tưởng, sản phẩm khoa học công nghệ xuất sắc, giúp ích cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội" - ông Giang phát biểu.

Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trần Thu Hà nói cùng với vai trò trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của khu vực phía Nam và cả nước, TP.HCM còn có lực lượng đông đảo thanh niên, sinh viên, học sinh. Cộng với phẩm chất đặc trưng năng động, sáng tạo đã tạo điều kiện, môi trường giúp hình thành phong trào sáng tạo của TP khá sớm và lan tỏa mạnh mẽ.

Nhiều chương trình, hoạt động, sân chơi học thuật sáng tạo từ cấp thành đến cơ sở đã góp phần lan tỏa, đưa phong trào sáng tạo của tuổi trẻ TP ngày một phát triển mạnh mẽ. Thực tế đã có những mô hình, chương trình liên quan hoạt động sáng tạo từ TP.HCM đã lan tỏa, được nhân rộng cách làm đến nhiều tỉnh thành và quy mô cả nước.

"Qua các sân chơi học thuật, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, nhiều bạn trẻ TP.HCM đã ghi tên mình vào bảng vàng các đấu trường học thuật, nghiên cứu khoa học ở phạm vi quốc gia, quốc tế. Nhiều nhân tố trưởng thành từ các sân chơi này đã và đang đóng góp cho sự phát triển chung của TP, đất nước" - chị Hà nói.

Thi thiết kế vi mạch lần 2 "nền kinh tế xanh và bền vững"

Tại liên hoan, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cùng Thành Đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phát động cuộc thi Thiết kế vi mạch TP.HCM lần 2 với chủ đề gắn với tiến trình phát triển khoa học - công nghệ quốc gia theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững.

Tổng kết cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1, quán quân thuộc về sinh viên Phạm Thế Hùng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) với dự án "Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm".

Ngoài ra còn có một giải nhì cho Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và một giải ba của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Khi thực tế cuộc sống trở thành chất liệu và động lực cho những sáng tạo trẻKhi thực tế cuộc sống trở thành chất liệu và động lực cho những sáng tạo trẻ

Lấy thực tế cuộc sống làm động lực và chất liệu để sáng tạo, nhiều dự án từ sân chơi công nghệ Solve for Tomorrow 2022 cho thấy trách nhiệm lớn của giới trẻ trước quyết tâm chung tay đem lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên