Sáng 28-2, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức tọa đàm "Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM" (chương trình VNU350).
Các tiêu chí nhà khoa học trẻ xuất sắc, đầu ngành cần đáp ứng
Theo TS Lê Thị Anh Trâm - trưởng ban tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia TP.HCM, chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam (gọi tắt là chương trình VNU350).
Trong đợt đầu tiên của năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển dụng 65 chỉ tiêu, làm việc tại các đơn vị thành viên và trực thuộc.
Để tham gia ứng tuyển chương trình VNU350, ứng viên cần đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung như: có trình độ tiến sĩ; có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước và của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng ít nhất 1 trong 4 tiêu chí sau: (1) có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; (2) có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công; (3) có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; (4) có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: (1) đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; (2) chủ trì đề tài, dự án khoa học - công nghệ; (3) có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; (4) có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; (5) có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế.
3 nhân tố quan trọng thu hút các nhà khoa học
Tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - đã nêu 3 nhân tố quan trọng để thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM.
Thứ nhất, là không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền. Nhà khoa học về công tác tại Đại học Quốc gia TP.HCM có cơ hội đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trưởng ngành đào tạo mới, được hỗ trợ nguồn lực tài chính để chủ động thực hiện kế hoạch nghiên cứu.
Thứ hai, là không gian đóng góp, cống hiến. Khi các nhà khoa học về làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM, họ sẽ có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, đó là không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học sẽ xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, trở thành nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước.
"Đại học Quốc gia TP.HCM cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong lộ trình phát triển nghề nghiệp", ông Quân nhấn mạnh.
Giao tiền tỉ làm đề tài
Về chính sách đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ Đại học Quốc gia TP.HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.
Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian 2 năm đầu: được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba: được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỉ đồng). Năm thứ tư: được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỉ đồng. Năm thứ năm: được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư cấp nhà nước.
Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian 2 năm đầu: được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỉ đồng. Các năm tiếp theo: được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỉ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
Nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…
Chỉ tiêu tuyển dụng của các đơn vị thành viên và trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2024
Trường đại học Bách khoa tuyển: 9 chỉ tiêu.
Trường đại học Khoa học tự nhiên: 8 chỉ tiêu.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn: 5 chỉ tiêu.
Trường đại học Quốc tế: 5 chỉ tiêu.
Trường đại học Công nghệ thông tin: 13 chỉ tiêu.
Trường đại học Kinh tế - Luật: 5 chỉ tiêu.
Trường đại học An Giang: 5 chỉ tiêu.
Viện Môi trường và Tài nguyên: 5 chỉ tiêu.
Khoa Y tuyển: 5 chỉ tiêu.
Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR): 3 chỉ tiêu.
Viện Công nghệ nano: 2 chỉ tiêu.
Ứng viên chuẩn bị một bộ hồ sơ năng lực theo yêu cầu: thư trình bày nguyện vọng, lý lịch khoa học, kế hoạch phát triển của cá nhân trong 5 năm nếu trúng tuyển, thuyết minh đề tài theo mẫu của Đại học Quốc gia TP.HCM, các tài liệu minh chứng năng lực, kinh nghiệm công tác, thành tích phù hợp với yêu cầu vị trí thu hút.
Ứng viên ứng tuyển chuẩn bị hồ sơ và gửi về Đại học Quốc gia TP.HCM trước ngày 30-3 thông qua một trong hai phương thức: trực tiếp tại trang web: vnu350.vnuhcm.edu.vn hoặc thư điện tử vnu350@vnuhcm.edu.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận