09/04/2020 12:34 GMT+7

100 ngày COVID-19 làm chao đảo thế giới

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Hôm nay đánh dấu tròn 100 ngày kể từ ngày đầu năm mới, khi dịch bệnh do virus corona chủng mới bắt đầu thổi bùng sự sợ hãi tại Trung Quốc và giờ là toàn cầu. Báo Guardian của Anh đã tóm lược về bức tranh 100 ngày qua.

100 ngày COVID-19 làm chao đảo thế giới - Ảnh 1.

Khoảnh khắc một màn hình hiển thị có tới 118 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm. Tính đến ngày 9-4-2020, đã có khoảng 210 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận ca nhiễm - Ảnh: Getty

Giao thừa năm 2019... Đó là lúc một thập niên hỗn loạn bước sang ngày cuối cùng, khi nhiều nơi trên thế giới đang chuẩn bị ăn mừng.

Thập niên 2010 gắn với Brexit, cuộc nội chiến Syria, khủng hoảng tị nạn, sự phát triển của mạng xã hội, chủ nghĩa dân tộc... Tuy nhiên, trước lúc nâng ly rượu chúc mừng và đếm ngược đón năm mới, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thập niên đã xuất hiện, với hậu quả lan sang thập niên kế tiếp.

13h38 ngày 31-12, một trang web của chính phủ Trung Quốc thông báo phát hiện một ca "bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân" ở khu vực quanh chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, thành phố công nghiệp với 11 triệu dân.

Trong vòng 100 ngày kế tiếp, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã cản trở các hoạt động đi lại toàn cầu, dập tắt hoạt động kinh tế và khiến hơn một nửa dân số loài người phải ở nhà, lây nhiễm cho hơn 1 triệu người và con số đang tiếp tục tăng, trong đó có cả Thủ tướng Anh, Thái tử Anh, phó tổng thống Iran...

Đến hôm nay (9-4), hơn 88.400 người đã thiệt mạng vì con virus này.

Nhưng vào ngày cuối cùng của tháng 12-2019, lúc 23h59 phút, không ai có thể tưởng tượng ra bức tranh u ám này. Đúng thời khắc giao thừa, pháo hoa vẫn nổ và người dân khắp thế giới vẫn chào đón năm mới trên những con phố tấp nập.

Ngày 1 (1-1-2020): Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đóng cửa

Chợ hải sản này vốn nhộn nhịp, nhưng sáng hôm đó, người ta nhìn thấy cảnh sát đang dán băng dính nối các tấm chắn bằng kim loại lại với nhau, đồng thời giục những người buôn bán mau đóng cửa.

Các nhân viên mặc đồ bảo hộ cẩn thận lấy mẫu từ các bề mặt rồi bỏ vào túi nhựa kín.

Lúc bấy giờ, những thông tin gây hoang mang được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Nỗi lo tăng lên khi nhiều tài liệu y tế bị rò rỉ lên mạng, cảnh báo rằng bệnh nhân đang đến các bệnh viện ở Vũ Hán với những triệu chứng đáng lo ngại.

"Về cơ bản, chắc chắn là bệnh SARS, đừng để y tá ra ngoài" - một tin nhắn trên mạng viết. Một người khác khuyên: "Hãy rửa tay, đeo khẩu trang và găng tay".

Ngày 9 (9-1): Xác định virus corona chủng mới

Căn bệnh bí ẩn được xác định: Các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng những bệnh nhân ở Vũ Hán đã nhiễm "một con virus corona chưa từng được phát hiện" trước đây.

Hai con virus corona trước, gây ra dịch SARS và MERS, từng gây ra đại dịch và con virus mới cũng gieo sự chết chóc. Vào đêm trước đó, một người đàn ông 61 tuổi đã tử vong tại một bệnh viện ở Vũ Hán và được xem là bệnh nhân tử vong đầu tiên do virus mới.

Những hình ảnh cảm động trong cuộc chiến với virus corona ở Trung Quốc - Nguồn: Tân Hoa xã

Ngày 13 (13-1): Thái Lan ghi nhận ca nhiễm đầu tiên

Hơn một tuần trôi qua kể từ lúc giới chức y tế Vũ Hán lần cuối xác nhận về một trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, không có điều gì bất thường xảy ra. Thành phố bắt đầu tổ chức một cuộc họp thường niên quan trọng giữa các quan chức đảng địa phương và cấp trên.

Nhưng virus đã ra khỏi biên giới Trung Quốc. Thái Lan ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Một cư dân 61 tuổi đến từ Vũ Hán bị sốt cao được phát hiện bởi máy quét thân nhiệt tại sân bay ở thủ đô Bangkok.

Ngày 20 (20-1): Xác nhận lây từ người sang người

Ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, xuất hiện trên truyền hình và công bố tin xấu: Hai ca nhiễm mới được phát hiện ở tỉnh Quảng Đông nằm trong số những bệnh nhân không có mối liên hệ trực tiếp tới Vũ Hán.

Kết luận lúc đó đã rõ ràng. "Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng đây là hiện tượng lây nhiễm từ người sang người" - ông nói.

Đến ngày 23-1, Vũ Hán bị phong tỏa, nhưng lúc đó con virus đã "bay nhảy" khắp Trung Quốc và sang tận nước ngoài.

Ngày 24 (24-1): Virus đến châu Âu

Nhà chức trách Pháp phát hiện hai người đến từ Trung Quốc và một người họ hàng của họ bị nhiễm virus corona chủng mới.

Cả ba người có lịch sử tiếp xúc phức tạp với hàng chục người khác và chính quyền Pháp thông báo đang nỗ lực truy tìm dấu vết các trường hợp có khả năng đã nhiễm.

"Bạn phải đối phó với một dịch bệnh như xử lý một trận hỏa hoạn" - Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn nói.

Ngày 31 (31-1): Virus xuất hiện ở Anh đúng vào ngày Brexit, và sau đó Ý, Tây Ban Nha cũng phát hiện ca nhiễm đầu tiên.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza nhận định: "Tình hình nghiêm trọng nhưng không cần báo động. Mọi thứ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát".

Ngày 36 (4-2): Ca tử vong đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc

Lúc đó, tại Trung Quốc, có hơn 20.000 ca nhiễm và 425 ca tử vong.

Một người Vũ Hán bị viêm phổi nghiêm trọng đã tử vong tại một bệnh viện ở Manila, Philippines và đây là ca tử vong đầu tiên do virus corona chủng mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Philippines cấm người đến từ Trung Quốc nhập cảnh.

Tại bệnh viện trung tâm Vũ Hán, tình trạng của bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong những người đầu tiên cảnh báo về căn bệnh do virus mới - xấu đi. Ba ngày sau, bác sĩ này qua đời.

Cái chết của bác sĩ Lượng thổi bùng cơn thịnh nộ và đau buồn tại Vũ Hán cũng như trên khắp Trung Quốc.

Ngày 50 (19-2): Những lo ngại liên quan nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc

Một ngày trước đó, Hàn Quốc chỉ ghi nhận 30 ca nhiễm, nhưng ca nhiễm thứ 31 đã gây lo ngại cho nhà chức trách.

Bệnh nhân 61 tuổi đã tham dự nhiều buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu và có ít nhất 1.160 cuộc tiếp xúc có nguy cơ gây lây nhiễm.

"Sau đó, virus bùng nổ" - Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha nói. Bệnh nhân này được gọi là bệnh nhân "siêu lây nhiễm".

Ngày 56 (25-2): Virus đi khắp toàn cầu

Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 80.000.

Lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát, số ca nhiễm ở nước ngoài cao hơn Trung Quốc. Trung Quốc đã chạm đỉnh dịch vào 2 ngày trước đó, khi nước này ghi nhận thêm 150 ca tử vong.

Ngày 66 (6-3): Ý chìm vào khủng hoảng

Số ca tử vong ở Ý tăng gấp 6 lần chỉ trong 6 ngày: hơn 230 ca tử vong và hơn 1.200 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Rome đóng trường học, cấm khán giả xem các trận đấu giải Serie A và chuẩn bị phong tỏa vùng Lombardy.

"Hệ thống y tế có nguy cơ quá tải và chúng ta sẽ gặp vấn đề trong điều trị tích cực nếu cuộc khủng hoảng theo cấp số nhân này còn tiếp diễn" - Thủ tướng Ý Giuseppe Conte lúc đó cảnh báo.

Ngày 71 (11-3): WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch.

Tại Mỹ, số ca nhiễm đã qua 1.000, trong khi có hơn 116.000 ca nhiễm trên thế giới.

Tổng thống Trump cho biết chính quyền ông sẽ "nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối đầu một con virus nước ngoài trong lịch sử hiện đại".

100 ngày COVID-19 làm chao đảo thế giới - Ảnh 3.

Du khách băng qua cầu cổ Charles ở Prague, Cộng hòa Czech vào ngày 7-11-2019 và quang cảnh vắng tanh tại đây vào ngày 16-3-2020 - Ảnh: REUTERS

Ngày 77 (17-3): Cuộc sống thường ngày bị chậm lại khắp thế giới

Các quốc gia châu Âu tự cách ly với nhau và cách ly với thế giới bên ngoài.

"Chúng ta đang trong một cuộc chiến" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.

Ngày 83 (23-3): Anh ban lệnh phong tỏa, sau khi nhiều nước ở châu Âu như Ý, Tây Ban Nha đã mạnh tay từ trước.

Số ca nhiễm toàn cầu vượt 370.000.

Ngày 93 (2-4): Một cột mốc buồn khác

Đại học Johns Hopkins xác nhận số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 1 triệu và có hơn 50.000 ca tử vong.

Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, kế đến là Ý, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Ngày 99 (8-4): Sự mơ hồ và những câu hỏi bỏ ngỏ

Tại một số nước bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 ở châu Âu, số ca nhiễm và tử vong mới đang giảm.

Trung Quốc lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong mới và thận trọng dỡ bỏ phong tỏa thành phố Vũ Hán.

Trên toàn cầu có hơn 75.000 người đã tử vong và 1,3 triệu người đã nhiễm bệnh. Khoảng 270.000 người đã phục hồi. Thế giới vẫn chưa có chiến lược nào làm hài lòng để trả lời cho câu hỏi làm cách nào để cuộc sống trở lại bình thường.

Bác sĩ nổi tiếng Anthony Fauci, giám đốc Viện Bệnh dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nhận định văcxin sẽ là "nhân tố thay đổi cuộc chơi cuối cùng" trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ông cho biết các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đều đồng ý rằng dịch COVID-19 có thể quay lại trong tương lai và cách bảo vệ duy nhất cho con người là phát triển thành công văcxin. Tuy nhiên, từ bây giờ cho đến khi có văcxin hiệu quả có thể là một đoạn đường không ngắn.

Ngày 100 (9-4): Số ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 1,5 triệu

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 1,5 triệu, tăng hơn 76.800 ca so với ngày trước đó.

Mỹ tuyên bố siết chặt việc xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế, còn các nước tâm dịch COVID-19 ở châu Âu kéo dài biện pháp phong tỏa.

Con virus quái quỷ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tìm cách sống chung với COVID-19 Tìm cách sống chung với COVID-19

TTO - Nếu xem COVID-19 như một trận lũ quét qua khắp ngõ ngách thế giới, thì Trung Quốc và Hàn Quốc là những nơi đầu tiên hứng lũ dữ và đang tìm cách sống chung với lũ!

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên