02/04/2024 10:31 GMT+7

100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 2: Thành phố mới tuyệt vời

Nha Trang là một thành phố mới, bởi được thành lập khá muộn so với các đô thị miền Trung như Đà Nẵng năm 1889; Thanh Hóa, Vinh, Huế, Faifo (Hội An), Quy Nhơn, Phan Thiết năm 1899; Đà Lạt năm 1916...

Khách sạn Beau Rivage hoạt động từ năm 1926 ở Nha Trang - Ảnh: TL

Khách sạn Beau Rivage hoạt động từ năm 1926 ở Nha Trang - Ảnh: TL

Tuy nhiên, Nha Trang nhanh chóng được nhiều người biết đến bởi sức hút của một thành phố biển xinh đẹp.

Nơi nghỉ mát tuyệt đẹp

"Ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang, được toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 30-8-1924. Đến nghị định ngày 7-5-1937 của toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành thị xã" - sách Địa chí Khánh Hòa đã ghi như vậy về lịch sử phát triển thuở ban đầu.

Theo dòng thời gian, đô thị Nha Trang được hình thành từ các làng Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải.

Đây là vùng đất ven vịnh biển tuyệt đẹp có khí hậu mát mẻ và giao thương thuận lợi, mà cảm nhận trước đó của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã nói lên tất cả trong hồi ký Xứ Đông Dương của mình: "Nha Trang với những ngọn núi, đảo và vịnh của mình trông như một hồ lớn, hiện ra trong màu trắng tinh như tuyết.

Đó là vẻ đẹp vừa thanh thoát, yên bình, vừa siêu tưởng, như vượt lên vũ trụ; sự sống thanh bình ấy làm ta cảm thấy như đó là một thế giới khác. Hiếm khi nào cảnh tượng thiên nhiên đem lại cho tôi một ấn tượng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt lại vừa bâng khuâng với nhiều cảm xúc đến thế".

Thành phố mới đã trở thành điểm đến của những người đi nghỉ mát. "Nha Trang rất thoáng mát nhờ vào gió biển lẫn các ngọn gió từ các ngọn núi lân cận thổi vào và được hút về phía mũi tàu bởi một dãy thung lũng nhô cao phía trên vịnh.

Với một nguồn nước thật tinh khiết lấy từ các giếng, Nha Trang trở thành nơi nghỉ ngơi và nghỉ mát của những người châu Âu sống tại Đông Dương. Thế là kéo theo sự xây dựng nhiều khách sạn, villa và tất cả sự đô thị hóa cần thiết cho những gia đình đi nghỉ hè" - Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossollet thuật lại như vậy trong sách Alexandre Yersin, người chiến thắng bệnh dịch hạch.

Ga đường sắt Nha Trang nhìn về trung tâm thành phố - Ảnh: TL

Ga đường sắt Nha Trang nhìn về trung tâm thành phố - Ảnh: TL

Phố Tây và phố ta

Nha Trang buổi ban đầu hình thành hai khu phố Tây - ta cách biệt. Tác giả Nguyễn Nam Huân đã "phục dựng" hai khu phố này khá rõ ràng từ những tư liệu sinh động: "Người Tây và ta sống cách xa nhau.

Khu Tây bắt đầu từ lầu ông Tư (tức bác sĩ Yersin) ở xóm Cồn chạy tít đến tận Chụt - Cầu Đá. Đó là những ngôi nhà biệt lập, mang tên mỹ miều như Villa Colette, nằm phía dưới đường Biệt Thự cũ. Khu người Việt, tập trung phía trước đồi Tháp Bà, tức xóm Bóng ngày nay".

Còn trong cuốn Xứ Trầm hương, nhà thơ Quách Tấn cũng mô tả: "Thành phố Nha Trang thời Pháp thuộc chỉ bằng một phần ba thành phố hiện thời (tức năm 1969 - NV).

Phố xá và gia cư người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm (tức chợ cũ Nha Trang). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức tòa Hành Chính hiện nay) cho đến đại khách sạn Grand Hotel".

Cảng Cầu Đá và Sở Thủy sản Hải dương học Đông Dương - Ảnh: TL

Cảng Cầu Đá và Sở Thủy sản Hải dương học Đông Dương - Ảnh: TL

Đường sá và dân cư

Chính quyền Paul Doumer không hổ danh với tên gọi "chính quyền đường sắt" khi phát triển đường sắt mạnh mẽ ở Đông Dương, mà Nha Trang đã được hưởng lợi rất lớn.

Cùng với đường thuộc địa số 1 được xây dựng xuyên qua thành phố, hệ thống đường sắt - đường bộ không chỉ phá thế gần như độc nhất của đường hàng hải mà còn tạo ra hạ tầng mới cho đô thị Nha Trang.

"Đến khi người Pháp bắt tay thực hiện đoạn đường sắt cuối cùng của tuyến xe lửa xuyên Đông Dương, nối liền Sài Gòn - Huế, và khi phân đoạn chót Sài Gòn - Nha Trang hoàn thành, thì công cuộc phát triển Nha Trang mới thực sự bắt đầu" - dựa trên nhiều nguồn sử liệu, tác giả Nguyễn Nam Huân trong Nha Trang cái nhìn hoài cổ, đã trình bày tường tận việc xây dựng đường sá và biến đổi dân cư, ở giai đoạn trước và sau khi thành lập thành phố mới.

Ông Huân ghi: "Trên bản đồ, Nha Trang từ hướng đông lan dần sang tây. Việc thiết lập đường sắt nối liền Nha Trang với Tourane (Đà Nẵng) đưa lại một đợt người mới tới.

Đầm Xương Huân (còn gọi là đầm Én) hiện nay là khu vực chợ Đầm sầm uất ở Nha Trang - Ảnh TL

Đầm Xương Huân (còn gọi là đầm Én) hiện nay là khu vực chợ Đầm sầm uất ở Nha Trang - Ảnh TL

Họ là những viên chức có giọng nói "trọ trẹ" từ kinh đô Huế, làm việc trong các ty, sở tòa sứ Pháp; những thương nhân Hoa kiều mấy đời buôn bán ở các làng xung quanh huyện Vĩnh Xương; những người phiêu bạt từ các vùng quê như Ninh Hòa, Tu Bông, Vạn Giã... Việc bán buôn ngày càng phát đạt, nhất là sau khi mấy cây cầu được bắc qua sông Cái như cầu xóm Bóng, cầu Hà Ra và con đường cái quan chạy xuyên qua thành phố".

Việc xây dựng và quản lý đô thị ở giai đoạn này cũng có nhiều sơ sẩy khá thú vị được Nguyễn Nam Huân ghi lại trong cuốn Nha Trang cái nhìn hoài cổ của mình: "Công cuộc thiết kế đô thị được thực hiện theo tính toán của công sứ Pháp thời bấy giờ là ông Henri Bréda.

Ông cho san bằng các ao hồ, gò đống, di chuyển những khu nhà tranh lộn xộn, tìm chỗ mới cho nghĩa trang người bản xứ... Rồi trên mặt bằng mới toàn cát đó, ông cho đắp một số thông lộ chật hẹp khiến sau này nhiều người kêu ca...

Một trong những bất tiện là tình trạng một số đoạn đường thường bị ngập nước trong mùa mưa, vì hệ thống thoát nước kém cỏi của thành phố. Người ta nói rằng công sứ Bréda chắc mẩm nền cát dưới chân Nha Trang dư sức hút khô các trận mưa vào tháng 9, tháng 10 hằng năm, nhưng ông không ngờ có lúc sự việc lại đi ngược lại hoạch định.

Cũng trong thời gian này, nhằm khuyến khích việc phát triển, nhà đương quyền cho phép người dân được "cắm cọc" làm nhà thoải mái trên con đường sau này trở thành thông lộ chính của thị xã, rồi thành phố Nha Trang.

Cụ Mai Văn Diệm, tục gọi là thầy Bảy Diệm, là một trong những người đáp lại lời mời gọi ấy. Cụ chiếm một vạt đất khá dài, chạy đụng ranh rạp Alhambra. Đất nhiều, tiền ít, chỉ đủ xây cất lên một căn phố nhỏ đặt làm tiệm thuốc Bắc tên gọi Nam Sanh Đường, chuyên chữa trị bệnh thời khí cho dân miệt xóm Cồn.

Phần đất dư đành phải bán lại cho người khác. Nhờ vậy, hai bên đường các hàng phố mở cửa buôn bán ngày càng đông. Đa số tiệm là do Hoa kiều làm chủ".

Nha Trang buổi ban đầu

1895: Thành lập Viện Pasteur Nha Trang. Bác sĩ A. Yersin sửa chữa nâng cấp xong lầu ông Tư.

1908: Làm đường thuộc địa số 1 đoạn Diên Khánh - Nha Trang.

1920: Xây dựng bến Cầu Đá, bến tàu đầu tiên ở Nha Trang.

1922: Thành lập Sở nghề cá Đông Dương.

1926: Xây dựng cầu xóm Bóng. Xây dựng xong Nhà máy điện diesel. Khách sạn Grand Hôtel Beau Rivage đi vào hoạt động.

1927: Xây dựng thương cảng Cầu Đá.

1928: Xây dựng các xưởng: sửa chữa ô tô garage charner của hãng xe Renaul; sửa chữa ô tô garage mon freid của hãng xe Citroen. Xưởng sửa chữa đường sắt. Xưởng sửa chữa của Sở Lục lộ.

1933: Khánh thành nhà thờ Đá.

1935: Hoàn thành sân bay Nha Trang.

1936: Khánh thành ga Nha Trang được coi là ga đẹp thứ nhì sau ga Đà Lạt ở Đông Dương.

*******************

Hơn cả toàn quyền Đông Dương ký quyết định khai sinh đô thị biển ở vùng Nam Trung Bộ, hơn cả công sứ Khánh Hòa thời đó vạch ra kế hoạch kiến thiết cho thành phố mới, bác sĩ Yersin là người có công lớn nhất tạo nên tên tuổi của Nha Trang.

Kỳ tới: Vị công dân đặc biệt của Nha Trang

100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 1: Từ những xóm chài bình yên ven biển100 năm Nha Trang - hòn ngọc xinh đẹp trước biển - Kỳ 1: Từ những xóm chài bình yên ven biển

"Nha Trang được chờ đợi sẽ là nơi nổi tiếng..." - trong hồi ký Xứ Đông Dương của mình, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã dự báo như vậy từ năm 1897.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên