Và thực tế đã đúng, Nha Trang phát triển nên thành phố ven biển xinh đẹp, sầm uất, hiện đại và đáng sống dù trải qua bao thăng trầm lịch sử.
Nha Trang thuở ban đầu khi những công trình đô thị đầu tiên được người Pháp xây dựng trên bờ biển hoang vắng, thì những xóm chài ở hai cửa sông Nha Trang là nơi tụ cư của ngư dân tứ xứ đã sớm xuất hiện đầu mối giao thương.
Hải cảng xóm Chụt
Trong Vè các lái được xem như bảng hướng dẫn hải trình bằng văn vần từ Huế đến Gia Định vốn rất phổ biến vào cuối thế kỷ 19, khi nghề buôn bằng ghe bầu thịnh hành nhất, có câu: "Nha Trang xuống Chụt bao xa/ Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng/ Anh em mừng rỡ lăng xăng/ Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra/ Anh em chè rượu hỉ ha...".
Đoạn vè trên cho thấy dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé xóm Chụt để chén thù chén tạc, trao đổi tin tức, mua lá buông để kết đệm buồm và song mây để chằng cột buồm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Man Nhiên, Chụt là tục danh của làng Trường Tây (thuộc xã Vĩnh Nguyên).
Sách Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, giải nghĩa: Chụt là vũng nhỏ dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió.
Lại còn ghi rõ địa danh "Chụt Nha Trang" là "Chỗ núp gió ở tại Nha Trang".
Sách Đại Nam nhất thống chí khi viết về "Tấn cửa Bé Cù Huân" cũng chép:
"Hòn Lam Nguyên có dân cư, phố xá liên tiếp nhau, gần đó là thôn Trường Tây, tục gọi là phố Đột, lưng tựa vào núi, mặt trông ra biển...".
Gần kề làng Trường Tây, ở mặt bên kia núi Chụt là làng Trường Đông, có bến cửa Bé.
Đến năm 1904, bà Gabrielle Maude Candler Vassal (người Anh) theo chồng đến Nha Trang, kể lại trong cuốn Three Years in Vietnam (bản tiếng Việt: Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước, do Nguyễn Nam Huân dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2015):
"Tàu chở chúng tôi về cửa Bé, cách nơi tàu lớn bỏ neo khoảng ba, bốn cây số. Cửa Bé không có nổi một bến tàu dù là thô sơ đi nữa như các làng chài nghèo dọc bờ biển xứ An Nam này. Buộc lòng chúng tôi phải để cho mấy người bản xứ cõng vào bờ".
"Cứ hai tuần một lần, tàu thơ liên tỉnh chạy đường Sài Gòn - Hải Phòng ghé lại, bỏ xuống những người Âu đến nhận nhiệm sở, những viên chức nhà Đoan hay Sở Lục lộ".
Bến cá xóm Cồn
Sông Nha Trang (còn gọi là sông Cù Huân) đổ ra biển qua hai cửa: cửa Lớn (Đại Cù Huân) và cửa Bé (Tiểu Cù Huân). Ở phía cửa Bé có làng Trường Đông và làng Trường Tây (xóm Chụt), thì phía cửa Lớn có xóm Cồn.
Quá trình hình thành xóm Cồn được nhà nghiên cứu Quách Giao kể lại: "Nơi cửa Đại Cù Huân, làng ban đầu được thành lập tại nơi Cù Lao với một xóm nhỏ gọi là xóm Bóng.
Dân làng vạn chài, song hằng năm các thiếu nữ địa phương phụ trách múa bóng, dâng lễ trong ngày hội Bà Thiên Y A Na tại tháp Bà. Nơi này cũng đã có trường dạy múa bóng. Địa phương vì có nghề đặc biệt nên được mang tên xóm Bóng.
Các thuyền buôn từ các tỉnh ngoài chở hàng hóa vào Nha Trang bán. Lớp ngược dòng sông Cái lên đến tận phủ Diên Khánh, lớp rẽ vào đầm Xương Huân.
Dân di cư nhận thấy đầm là nơi thuận tiện trong việc giao tiếp và sinh sống nên kéo nhau theo thuyền vào định cư.
Các xóm nhỏ được thành lập và lấy tên theo địa danh mà gọi như xóm Cồn, xóm Lách, xóm Hà Ra, xóm Giá, xóm Củi... Xóm Cồn là nơi tập họp dân sống bằng nghề chài lưới ở trong vùng. Phía đông là biển cả, phía tây là sông Cù.
Ghe thuyền thường neo về phía bờ sông, còn nhà cửa thì hướng mặt ra Biển Đông.
Tuy lập sau làng xóm Bóng song vì là một làng thuần làm nghề chài lưới nên xóm Cồn được coi như là một xóm chài với đầy đủ ý nghĩa".
Hiện trạng xóm Cồn ở những năm đầu thế kỷ 20, cũng được bà Gabrielle Maude Candler Vassal mô tả khá sinh động:
"Nhà người Âu được xây cất dọc theo bờ biển; người bản xứ thích ở ven sông hay trên vùng cát thường gọi là "Mũi Dân chài".
Mũi này là một cầu tàu thiên nhiên dùng làm nơi neo tàu và bán cá. Nó nằm ở chỗ cửa sông trở nên hẹp nhất. Ngay chỗ đó có một bến đò ngang. Người bản xứ, nhất là phụ nữ đi qua chợ, đi qua đi lại suốt ngày từ sáng sớm cho đến lúc mặt trời lặn.
Họ ngồi chồm hổm trong khoang đò. Người ta chỉ thấy lô nhô những chiếc nón lá và thúng rổ. Đến khi đò tới bến, họ chen nhau đứng lên, lấy hàng gánh rồi xắn quần cẩn thận bước chân xuống nước".
Chợ bên đầm
Kề bên cửa Lớn và xóm Cồn là đầm Xương Huân có một ngôi chợ. Vì chợ ở bên đầm nên hay ngập nước vào mùa mưa. "Nha Trang tự hào có một cái chợ xây bằng xi măng và lợp ngói tuyệt đẹp.
Nhưng vì bị bắt phải trả mấy xu tiền thuê chỗ nên mấy bạn hàng dọn hàng bên ngoài chợ, trên đất khô hay bùn sình. Tháng 11, lúc mưa gió nhiều nhất, đất xung quanh chợ biến thành một cái hồ nước rộng. Khi đó họ đành phải vô đụt mưa trong chợ.
Dù có mưa gió bão bùng hay lụt lội tơi bời, mấy chị đàn bà đi không sót một ngày chợ nào. Có thể nói lúc đó sao mà chợ đông đảo như vậy! Biết đâu họ thấy ngồi trên ghe nhỏ hay lội trên những con đường nước ngập tới ngực là điều thú vị chăng" - bà Gabrielle Maude Candler Vassal kể lại.
Chợ bên đầm này, lúc đầu được gọi là chợ Dài, mà theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, bên hông chợ Dài này có đến 12 bến chợ chở các loại hàng từ cửa Lớn vào đầm, cập sát bến trước khi nước triều lên.
12 bến chợ là bến Cá (nhận ghe chở cá), bến Đình (trước đình Xương Huân), bến Lồ Ô (nhận các mảng bè lồ ô), bến Gỗ (nơi cập các bè gỗ), bến Cỏ (còn có tên là bến xe ngựa), bến Dưa (nơi nhận ghe dưa hấu chở từ trong Nam ra), bến Mía (nơi nhận mía), bến Gốm (nơi nhận đồ đất nung như bếp lò, nồi, chum, vại...), bến Than (tập trung than củi), bến Củi (nhận các loại củi), bến Chiếu (tập trung các loại chiếu cói), bến Hà Ra (gần nơi giáp ranh giữa sông Cái và đầm Xương Huân).
Cư dân ở những xóm chài tiếp xúc với việc buôn bán của ghe thuyền vào cửa sông phần nào sớm hình thành đặc tính thị dân hơn người làm ruộng ở những làng mạc phía tây.
Nha Trang thuở ban đầu còn cách biệt với quan lộ (trạm dịch gần nhất được đặt ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, cách Nha Trang hơn 10km rồi đi vào thành Diên Khánh), nhưng đặc biệt có lợi thế đường hàng hải.
Điều này thuận lợi cho người Pháp xây dựng đô thị kiểu mới chú trọng giao thương hơn là kiểu đô thị thiên về hành chính - quân sự (phòng thủ khép kín) như thành Diên Khánh - cách Nha Trang hơn 10 cây số, là thủ phủ bấy giờ của Khánh Hòa.
Tên Nha Trang đã có từ xa xưa
Sách Địa chí Khánh Hòa (NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 2003) ghi: "Ngày 11-6-1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang, được toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y ngày 30-8-1924. Đến nghị định ngày 7-5-1937 của toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành thị xã...
Theo nhiều nhà nghiên cứu, người Pháp lấy tên Nha Trang gọi riêng cho vùng đất Nha Trang ngày nay nhưng tên này đã có từ rất lâu trước khi họ đến.
Nguyễn Siêu trong Phương Đình dư địa chí đã ghi: "Năm Quý Sửu (1793) đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Quy Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành". "Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia hạt gọi là tỉnh Nha Trang...".
Nha Trang, theo nhiều nhà nghiên cứu địa danh, là xuất phát từ tiếng Chăm gọi sông Cái là "Ea Trang" hay "Jya Trang" - có nghĩa là sông cỏ lau.
************
Cùng lợi thế đường hàng hải, Nha Trang có cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời và khí hậu mát mẻ đặc hữu để trở thành một thành phố đẹp ở Đông Dương.
Kỳ tới: Nha Trang, thành phố mới tuyệt vời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận