Có thể nói 2017 là năm nhộp nhịp nhất của làng điện ảnh Việt trong vài năm qua, khi không chỉ phim ngoại ra rạp Việt liên tục phá vỡ kỉ lục doanh thu mà "choáng" nhất là lần đầu tiên phim Việt cũng tự phá vỡ kỉ lục doanh thu của chính mình với Em chưa 18.
Bộ phim này nhanh chóng trở thành đòn bẩy, cổ vũ cho các nhà làm phim mạnh dạn đầu tư, "chơi lớn" với điện ảnh (không ít nhà sản xuất đã bán đất, bán nhà để có tiền làm phim).
Thế nhưng phim ra rạp càng ồ ạt, đủ thể loại thì xác suất phim dở... càng cao.
Có nhiều lí do để một bộ phim bị xếp vào hàng "đáng quên"!
Phim làm ra không rõ mục đích, ý nghĩa là gì?
Phim có kịch bản quá tệ.
Phim có ê-kip quá nghiệp dư.
Phim có doanh thu thảm bại.
Dưới đây là 10 bộ phim theo đánh giá của Tuổi Trẻ Online là thất bại trong năm 2017.
Giấc mơ Mỹ - Đạo diễn Davina Hồng Ngân
Nội dung phim được quảng bá là bộ phim điện ảnh Việt đầu tiên khai thác đề tài ngành y, nhưng phim không hề đi vào đề tài y khoa mà chỉ hời hợt chạy quanh mối quan hệ lằng nhằng, vô lý của ba nhân vật Linh (Mai Thu Huyền) - Vinh (Bình Minh) và Peter Hackman (Kyo York).
Việc được ghi hình ở Mỹ những tưởng sẽ làm tăng thêm vẻ "sang trọng" cho bộ phim này, thực chất lại càng làm cho bộ phim lạc lõng, buồn cười vì sự nghiệp dư và ngây thơ của người thực hiện.
Mai Thu Huyền (vai Linh) và Kyo York (vai Peter Hackman) trong Giấc mơ Mỹ
Hiếm có một bộ phim nào, trước khi ra rạp đã tự gọi mình là "một tuyệt tác nhân văn" như Giấc mơ Mỹ, khi in hẳn câu slogan này lên poster chính của phim.
Thế nhưng, "đời không như mơ", bộ phim được ê-kip gọi là tuyệt tác này thực chất chỉ là một bộ phim nhạt nhẽo, quá coi thường khán giả về tầm nhìn và sự tuỳ tiện của những người thực hiện.
Xem trailer của Giấc mơ Mỹ
Điều khó hiểu hơn của bộ phim này là sau khi phim ra rạp và hứng đủ "gạch đá" để…xây nhà lầu, ê-kip làm phim thay vì tiếp thu phản hồi để cố gắng hơn trong những dự án sau thì lại liên tục gọi những góp ý chân thành của khán giả là lời góp ý của những anti-fans, và liên tiếp thanh minh, trình bày về những ý tưởng cao cả của bộ phim này.
Có lẽ đạo diễn của phim Davina Hồng Ngân và nhà sản xuất - kiêm diễn viên chính Mai Thu Huyền rất tâm đắc với đề tài người Việt xa xứ, và quả thực đây là một đề tài rất thú vị, nếu được làm đến nơi đến chốn và có nghề.
Chỉ tiếc rằng, Giấc mơ Mỹ đã không giúp họ truyền tải được giấc mơ ấy đến với số đông người xem.
S.O.S Sói Trắng - Đạo diễn Lê Hoàng
Ra rạp vào tháng 6-2017, S.O.S Sói Trắng đánh dấu sự trở lại của đạo diễn từng làm chao đảo rạp Việt những năm đầu của dòng phim thị trường với series Gái nhảy - Lê Hoàng.
Nhưng rõ ràng sự trở lại với bộ phim này như ngầm thông báo: Lê Hoàng đã quá lỗi thời với dòng phim điện ảnh ở thời điểm hiện tại.
S.O.S Sói trắng chính là thất vọng lớn nhất của phim Việt trong năm 2017
Chọn một vấn đề khai thác khá nhạy cảm là nạn xâm hại tình dục trẻ em, nhưng bộ phim lại được thực hiện quá vụng về, kịch bản khiên cưỡng.
Nhân vật người chị trong phim ngờ nghệch đến mức… cạn lời khi em trai của mình bị bạn trai cô xâm hại tình dục nhiều lần nhưng vẫn sẵn sàng tha thứ bỏ qua sau vài lời đường mật!
Xem trailer S.O.S Sói Trắng
Có những bộ phim dở khiến người ta chỉ khó chịu, thở dài, nhưng có những bộ phim xem xong cảm giác đọng lại với người xem là cả sự phẫn nộ và ức chế thì S.O.S Sói Trắng chính xác là một bộ phim đã làm rất tốt điều này!
Lời nguyền gia tộc - Đạo diễn Đặng Thái Huyền
Đây là bộ phim kinh dị đánh dấu sự trở lại của nữ đạo diễn luôn được đánh giá là chỉn chu, kĩ tính Đặng Thái Huyền, và cũng là bộ phim thương mại đầu tay của chị sau những bộ phim làm về đề tài người lính, hậu chiến hay thân phận của những người phụ nữ gây được tiếng vang.
Cảnh nóng cũng không cứu vãn được Lời nguyền gia tộc
Tuy vậy Lời nguyền gia tộc đã mất điểm ngay từ lùm xùm truyền thông về nữ diễn viên tham gia ban đầu là Diệp Bảo Ngọc đã bỏ vai vì những cảnh nóng không có trong kịch bản.
Có lẽ đó là một "điềm báo" cho thấy bộ phim sẽ ra rạp không mấy suôn sẻ.
Xem trailer chính thức của Lời nguyền gia tộc
Với nội dung khá đơn giản, Lời nguyền gia tộc nói về một chàng trai họ Đoàn tên là Đoàn Nam (Tuấn Trần đóng) đã bị một bóng ma hãm hại nhiều lần.
Bóng ma đó chính là cô gái (Phi Huyền Trang đóng) đã bị dòng tộc họ Đoàn giết chết cả mẹ lẫn con chỉ vì một lời nguyền độc ác…
Câu chuyện từ đó được kể đan xen giữa hiện thực và quá khứ qua nhiều thời kỳ.
Tuy được chăm chút về mặt hình ảnh, nhưng cách kể chuyện lê thê, kịch bản rối rắm, nhịp phim đều đều đã từ từ đưa khán giả vào…giấc ngủ!
Với một phim kinh dị giật gân mà nói, thì đây là một sự thất bại.
Oán - Đạo diễn Huỳnh Đông
Được sản xuất với kinh phí thấp và cũng là bước mạo hiểm đầu tiên của diễn viên trẻ Huỳnh Đông trong vai trò đạo diễn, có phải vì thế nên Oán cũng không thoát khỏi...lời nguyền phim dở.
Xem trailer phim Oán
Vẫn chọn Đà Lạt làm bối cảnh "kể chuyện ma" nhưng có lẽ vì sự nhàm chán trong cảnh quay, những trò giật gân không đủ "nặng kí", và nhất là cốt truyện có thể đoán ra ngay từ đầu nên những cú twist dù rất cố gắng ở cuối phim cũng không đủ nặng để kéo khán giả đến rạp thưởng thức bộ phim này.
Bella Mai và Vân Trang trong phim Oán
Nắng 2 - Đạo diễn Đồng Đăng Giao
Một minh chứng rõ ràng nhất của việc: không phải cứ phim làm phần đầu ra ăn khách là sẽ tiếp tục có khách trong phần 2 chính là bộ phim Nắng 2 của đạo diễn Đồng Đăng Giao.
Nắng 2 không còn giữ được sự trong trẻo của phần 1
Thực tế, Nắng 1 ra mắt năm 2016 "bỗng dưng đông khách" cũng bởi nhiều lí do (trong đó ta bỏ qua ý kiến phim có tình tiết giống hệt bộ phim Hàn đình đám Điều kì diệu ở phòng giam số 7), mà quan trọng nhất là câu chuyện của phim khá dễ thương, diễn xuất của diễn viên tự nhiên, thoải mái.
Tuy nhiên sang đến phần 2, người xem có cảm giác cả một dàn diễn viên đang phải gồng mình lên để cố gắng chắt lấy nước mắt khán giả.
Trailer "Nắng" phần 2.
Dẫu có Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn nhảy nhót pha trò, hay có hotgirl đang được chuộng nhất nhì là Miu Lê thì cũng chẳng cứu nổi sự nhạt nhẽo, rời rạc, thiếu vắng cảm xúc của bộ phim này.
Lẽ ra Nắng chỉ nên dừng lại ở phần 1 thì ít nhất, khán giả vẫn sẽ còn giữ những tình cảm tốt đẹp cho bộ phim, hơn là việc cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng khi ra tiếp phần 2.
Sắc đẹp ngàn cân - Đạo diễn James Ngô
Dù có những cái tên bán được vé, và cũng đông đảo fan hâm mộ như Minh Hằng, Rocker Nguyễn, nhưng Sắc đẹp ngàn cân vẫn thua bởi cả bộ phim chỉ là sự sao chép thô vụng với phiên bản gốc đã quá nổi tiếng của Hàn.
Minh Hằng và Rocker Nguyễn trong Sắc đẹp ngàn cân phiên bản Việt hoá
Các nhà sản xuất luôn nói rằng: bản phim remake của họ sẽ luôn được thêm bớt, có những yếu tố mới để phù hợp với văn hoá bản địa, nhưng với Sắc đẹp ngàn cân, người xem hoàn toàn không thấy được điều này.
Mà phàm đã là bê nguyên si từ bản gốc vào thì làm sao qua nổi bản gốc?
Trailer phim Sắc đẹp ngàn cân
Đấy là chưa kể Minh Hằng còn chẳng hề biết hát.
Nhịp phim dồn dập như tua nhanh sợ hết giờ khiến người xem hụt hơi chạy theo mà rút cuộc vẫn không thể theo nổi!
Một bộ phim được đầu tư lớn, hình ảnh được chăm chút kĩ càng nhưng cuối cùng vẫn thua bởi sự rời rạc, non tay trong xử lí của đạo diễn.
Dạ cổ hoài lang - Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Đây có lẽ là một dự án phim được quan tâm nhất nhì ngay từ khi còn nằm trên bàn giấy bởi kịch bản sân khấu quá xuất sắc đã trở thành hiện tượng một thời.
Tuy nhiên, Dạ cổ hoài lang bản điện ảnh đã không làm được điều mà ở sân khấu, kịch bản này đã làm rất tốt: đó là lòng thương và sự nghẹn ngào của những người xa xứ ở cái tuổi gần đất xa trời.
Diễn xuất của nghệ sĩ Hoài Linh là một điểm sáng của Dạ cổ hoài lang
Câu chuyện trong phim giữ lại hầu hết chi tiết trong kịch bản sân khấu, nói về những mâu thuẫn thế hệ trong một gia đình ở nơi đất khách quê người.
NSƯT Hoài Linh vào vai ông Tư Lành - người bán ruộng đất, nhà cửa để sang New York (Mỹ) sống cùng con trai và đứa cháu gái.
Ở nơi đất khách, ông cùng Năm Triều (Chí Tài) - người bạn từ thuở niên thiếu - tìm về khung cảnh làng quê qua những dòng hồi tưởng.
Lòng ông vẫn chôn chặt mối tình dành cho người vợ quá cố. Trong khi đó, cô cháu Tammy - người sống ở Mỹ từ nhỏ - ngày càng xung khắc với ông nội về lối sống, tư tưởng.
Xem trailer chính thức của Dạ cổ hoài lang
Phim có mở đầu khá tốt, nhưng càng về sau, Dạ cổ hoài lang càng trở nên kịch hơn khi mọi thứ đều gần như chỉ xử lý qua thoại, khiến cách kể của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mất hẳn đi tính điện ảnh.
Phim sử dụng tới ba dàn diễn viên thể hiện cho ba thời kỳ của nhân vật. Thế nhưng mọi hình ảnh quá khứ đều rời rạc, chỉ như minh họa cho các câu thoại của nhân vật.
Không lạ khi bộ phim bị mổ xẻ khá nhiều và chính khán giả của kịch Dạ cổ hoài lang là những người phản ứng mạnh mẽ nhất.
Đời cho ta bao lần đôi mươi - Đạo diễn Văn Anh
Là một bộ phim dành cho tuổi trẻ, lại khai thác chủ đề tình bạn, nên việc đầu tiên Đời cho ta bao lần đôi mươi cố gắng đầu tiên là ráng hết sức trau chuốt cho phần nhìn của phim: từ dàn diễn viên hotgirl cho đến những cảnh quay chỉnh màu… quá lố đã tạo sự khó chịu vô cùng khi phải ngồi xem.
Dàn diễn viên của Đời cho ta bao lần đôi mươi
Câu chuyện vừa drama vừa hài hước nhưng không có cái nào được đẩy đến tận cùng khiến người xem rời rạp với một cảm giác bồng bềnh khó tả.
Tất nhiên, phim cũng không trụ rạp đủ lâu để chứng minh đây là bộ phim được khán giả đón nhận.
Xem trailer phim Đời cho ta bao lần đôi mươi
Kẻ trộm chó - Đạo diễn Ngụy Minh Khang
Dù chọn đề tài khá thú vị về tâm tư tình cảm của những kẻ làm nghề cả xã hội đều căm ghét: nghề trộm chó.
Nhưng vẫn là sự non tay của một lính mới, đạo diễn đã không đủ tầm để nâng những đoạn phim đắt giá lên làm điểm nhấn.
Đạo diễn Nguỵ Minh Khang và chú chó của anh trên phim trường Kẻ trộm chó
Phim đã có lúc "hơi chạm" vào cảm xúc của người xem với những nhân vật đầy đất diễn như ông lão mù và con chó nhỏ, hay cô bán bắp bị câm nhưng giàu tình yêu thương... nhưng điểm yếu lớn nhất của bộ phim này là cấu trúc lỏng lẻo, rời rạc.
Xem trailer Kẻ trộm chó
Đạo diễn đã để cảm xúc riêng tư làm lấn át sự chắc chắn trong việc điều khiển cảm xúc của khán giả. Phim vì thế không khác một bài tập của sinh viên trường điện ảnh là bao.
Nguỵ Minh Khang cũng thừa nhận: kịch bản này ban đầu chỉ là kịch bản phim ngắn, nhưng sau này có thêm tiền đầu tư nên buộc phải nâng lên thành một kịch bản phim dài. Do vậy anh cũng gặp rất nhiều khó khăn để có thể làm hay được bộ phim này.
Chơi thì chịu và Vali tình yêu
Cả hai bộ phim này đều vướng phải một lỗi rất lớn là kể một câu chuyện vanh vách không chấm không phẩy, không lên không xuống, và hoàn toàn không có một chút màu sắc hay âm hưởng nào của điện ảnh.
Xem trailer phim Chơi thì chịu
Cũng dễ hiểu khi nhìn vào dàn diễn viên trong phim đa phần đều là những diễn viên truyền hình đã quen với lối làm phim dài tập.
Thế nên biểu cảm, gương mặt, khóc cười của họ không thể làm cho khán giả của rạp chiếu rung động dù chỉ là một giây!
Xem trailer phim Vali tình yêu
Danh sách này còn có thể nối dài hơn nữa với những bộ phim ở lưng chừng cảm xúc như Vú em tập sự (đạo diễn Bùi Văn Hải), Tao không xa mày (đạo diễn Thái Minh Nhiên - Rony Nguyễn)...
Cũng cần nhớ thêm rằng, để đánh giá chất lượng một bộ phim, doanh thu chưa bao giờ là tất cả.
Quan trọng là cách kể chuyện, cấu trúc phim và sự tài ba của đạo diễn trong việc lèo lái, điều tiết con thuyền cảm xúc từ từ đi vào lòng khán giả.
Phim dở nhất không hoàn toàn là phim có doanh thụ tệ nhất, mà là phim có cách xây dựng câu chuyện hời hợt, chán ngán nhất.
Hi vọng với 2018, sự trưởng thành, tươi mới của lớp đạo diễn trẻ và sự trở lại của những tên tuổi lành nghề sẽ giúp cho danh sách phim Việt dở cuối năm bớt dài hơn một chút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận