20/03/2013 07:51 GMT+7

10 năm, một tương lai chưa mở cửa...

CAM LY (từ Mỹ)
CAM LY (từ Mỹ)

TT - 10 năm, với Aldaeni và hàng triệu người dân Iraq tị nạn khác ở Trung Đông và Mỹ, có một cuộc sống đã trở thành ngày xưa, mà một cuộc sống khác vẫn còn chưa mở cửa...

eIQaxPcf.jpgPhóng to
Ngôi nhà của một gia đình Iraq tan hoang sau vụ đánh bom bằng ôtô gài bom ở quận Al-Mashtal, thủ đô Baghdad ngày 19-3, làm thiệt mạng ít nhất 25 người - Ảnh: Reuters

Một ngày mùa đông tuyết dày ngập đầu gối, tôi đón Aldaeni tại nhà để đưa ông đến một cuộc hẹn với bác sĩ chuyên khoa. Tay chống nạng thép, tay cầm tập hồ sơ bệnh, Aldaeni từ chối khi tôi ngỏ lời giúp ông bước vào xe. “As-salam-Alaykum, tôi ổn mà” - ông nói. Nhưng tôi biết ông không ổn chút nào.

Từ hiện tại...

Ở ngưỡng tuổi 50, người đàn ông Iraq độc thân này đã trải qua sáu năm ngủ lều trong trại tị nạn ở nước láng giềng Jordan, trước khi đặt chân vào nước Mỹ tháng 7-2012 theo chương trình tái định cư dành cho người tị nạn Iraq. Một chân bị cưa cụt 10 năm trước, giờ vết thương bung ra nhức nhối, Aldaeni không đủ sức khỏe để đi xin việc. Tiền trợ cấp tái định cư từ Chính phủ Mỹ chỉ còn rót vào tài khoản của ông thêm hai tháng nữa, mà khả năng phẫu thuật phục hồi cho bên chân bị thương trong thời hạn bảo hiểm y tế còn hiệu lực lại rất mong manh.

10 năm trước, đúng vào ngày 20-3-2003, khi Mỹ mở cuộc tấn công vào Iraq, báo Tuổi Trẻ đã cử hai phóng viên trẻ là Cam Ly và Nhất Sơn bay vào vùng bom đạn này.

Vậy mà Aldaeni nói trong mắt gia đình ông - hiện còn sống tại quê hương, ông vẫn là người may mắn vì đã đến được một quốc gia giàu có.

Cũng như Aldaeni, 2,2 triệu người dân Iraq khác (gần 7% dân số) đã đào thoát khỏi nước mình bằng nhiều ngả đường khác nhau, sống bấp bênh trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng như Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... Đến 40% tầng lớp trung lưu của Iraq đã di tản, trong đó rất nhiều người làm việc cho các chương trình của quân đội Mỹ từ sau năm 2003, và rơi vào tình trạng thất nghiệp khi Mỹ liên tục cắt giảm các chi phí tái thiết sau chiến tranh.

Tại các trại tị nạn, cuộc sống vẫn bi đát. Thống kê năm 2007 của Tổ chức phi chính phủ “Sức mạnh nữ giới” cho biết có đến 50.000 phụ nữ và thiếu nữ Iraq tại các trại tị nạn phải chấp nhận bán mình để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt, thậm chí trốn trại vào ban đêm để phục vụ các đường dây sex trong khu vực Trung Đông.

Tháng 2-2007, Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu chương trình tái định cư dành cho người tị nạn Iraq khi tình trạng y tế và an ninh tại các trại tị nạn đã lên đến mức báo động. Tuy nhiên, chỉ một tỉ lệ rất thấp người tị nạn Iraq đến được các nước phát triển. Hàng trăm ngàn người khác đã phải quyết định hồi hương hoặc di chuyển sang các trại khác, đặc biệt là khi Syria - một trong hai nước tiếp nhận người tị nạn Iraq đông đảo nhất - rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị, và chính người dân Syria cũng bắt đầu di tản khỏi nước mình, thậm chí còn vượt biên giới vào “tị nạn ngược” tại Iraq.

Riêng ở Mỹ, đến nay chính phủ chỉ mới tiếp nhận và tổ chức tái định cư cho gần 65.000 người tị nạn Iraq.

Người tị nạn Iraq như Aldaeni, khi bước vào cuộc sống mới ở Mỹ, chỉ được trợ cấp ở mức tối thiểu trong vòng tối đa tám tháng. Sau thời hạn đó, họ sẽ phải tự lo hoàn toàn.

Một nghiên cứu về cộng đồng người tị nạn Iraq tái định cư ở Mỹ năm 2012 cho thấy 67% người Iraq không tìm được việc làm sau thời hạn trợ cấp.

... Đến quá khứ

Trên đường đến cuộc hẹn bác sĩ, Aldaeni nói vết thương của ông ngày càng tệ đi, mà lấy được một cuộc hẹn tái khám thật là gian nan. “Tôi gọi (điện thoại), chờ nhiều tuần (mới lấy hẹn được) - mà bảo hiểm thì sắp hết hạn rồi” - Aldaeni nói. Nhưng rồi mắt ông lóe lên chút niềm vui nhỏ nhoi khi tôi nói mình từng đến Baghdad năm 2003, từng ăn cá nướng sông Tigris và chụp ảnh vòi phun nước có tượng Alibaba. Bằng vốn tiếng Anh ít ỏi, Aldaeni góp chuyện: “Ừ, cá sông ngon lắm. Baghdad đẹp, ngày xưa, cô có thấy thế không?”. Khi chia tay, ông cảm ơn tôi hai ba lần, trước khi xuống xe còn bảo: “Nếu tôi gặp lại cô, đem hình Baghdad cho tôi xem nhé”.

Câu “Baghdad đẹp, ngày xưa” của Aldaeni ám ảnh tôi suốt nhiều ngày sau đó, đặc biệt là khi tôi ngồi làm giấy tờ đóng lại hồ sơ tái định cư của ông khi thời hạn tám tháng đã hết.

CAM LY (từ Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên