09/06/2023 09:48 GMT+7

10-6, mốc quan trọng của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

Những rắc rối về nguồn vốn chưa được giải quyết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành không biết khi nào thi công trở lại và hoàn thành. Dự án này cũng vướng vào kiện tụng do thi công chậm tiến độ nhiều năm.

Công trường phía tây của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. TP.HCM) đã bị hoang hóa

Công trường phía tây của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. TP.HCM) đã bị hoang hóa

Sau gần ba tháng từ lúc Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các bộ ngành liên quan thị sát hiện trạng cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án này vẫn chưa có tiến triển gì hơn, công trường vẫn vắng bóng công nhân, không máy móc thi công.

Sốt ruột lắm nhưng phải chờ có nghị quyết cho phép VEC dùng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành các hạng mục còn lại.

Ông Đặng Hữu Vị (giám đốc Ban Quản lý các đường cao tốc phía Nam)

Đứt "mạch máu" lưu thông

Ngày 8-6, phóng viên Tuổi Trẻ trở lại công trường dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn phía tây dự án). Công trường hiện tại vẫn vắng hoe như cách đây hơn ba tháng. Vì vào mùa mưa nên nhiều khu vực bị đọng nước sình lầy, cỏ dại um tùm.

Tại nút giao với quốc lộ 50, huyện Bình Chánh (nơi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thị sát) nhiều máy móc, thiết bị xây dựng nằm trên công trường bị cây cỏ mọc bao phủ.

Dọc theo trục đường chính trở thành nơi để người dân chăn trâu, bò và đổ rác. Một số đoạn đường bị khóa, trên dải phân cách đường đi có vẽ các chữ "cấm xe chạy" nhưng người dân vẫn cho xe máy, xe tải đi lại bình thường.

Những đoạn đã hoàn thành, đất đá bị nước mưa cuốn đi, cây cối mọc xâm lấn hai bên. Trong khi đó, các đoạn giáp ranh với một số tuyến đường lớn (quốc lộ 50, quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương) vẫn đang bị chia cắt.

Là một tài xế lái xe tải lâu năm (chạy tuyến miền Tây đi Đồng Nai), ông Nguyễn Quang Thịnh chia sẻ:

"Nếu cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, tôi sẽ không còn phải chật vật lái xe vòng vèo qua những con đường chật hẹp, thường xuyên kẹt xe. Hàng hóa đi nhanh chóng và an toàn.

Thời gian và chi phí vận chuyển giảm, năng suất và hiệu quả công việc cao hơn đồng thời giảm bớt sự mệt mỏi khi đường đi quá xa".

Ở góc độ quản lý hiệp hội về vận tải, ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM - nói về nhiều thuận lợi cho ngành vận tải khi tuyến đường này hoàn thành. Xe đi nhanh, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm nhiên liệu và phục vụ khách tốt hơn.

"Khi hay tin Bộ Giao thông vận tải đầu tư cho cao tốc Bến Lức - Long Thành, ai nấy cũng phấn khởi. Cao tốc này là tuyến đường kết nối từ địa bàn các tỉnh miền Tây đến tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và các cảng biển lớn như Cát Lái, Phú Mỹ.

Gần đây, có thêm các tuyến cao tốc lần lượt đưa vào khai thác, như vậy chúng ta có thể đi xuyên suốt trên cao tốc từ Cái Bè (điểm cuối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) tới Nha Trang nếu tuyến này hoàn thiện. Tuy nhiên hiện nay nó lại bị đứt quãng rất đáng tiếc", ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, tuyến đường còn nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải. Do đó, việc hoàn thành tuyến đường này mang ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp này, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao.

Dự án vẫn "đứng im như tượng"

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-6 về cao tốc Bến Lức - Long Thành, ông Đặng Hữu Vị, giám đốc Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), nói đang "rất sốt ruột".

Đây cũng là tâm trạng ông Vị bày tỏ cách đây hơn ba tháng khi dự án cao tốc hàng chục ngàn tỉ đồng nhiều năm ngưng trệ, công trường bỏ hoang, máy móc hoen gỉ.

Theo ông Vị, hiện tại nhánh phía đông qua địa bàn tỉnh Đồng Nai các đơn vị đang huy động để làm. Còn nhánh phía tây đoạn qua TP.HCM, Long An vẫn chưa có tiến triển gì thêm.

Đoạn phía tây dài hơn 21km đã cơ bản hoàn thành, nếu có vốn hoàn thiện có thể đưa vào khai thác trước giúp một phần giảm áp lực cho các tuyến đường lân cận...

Trước đó, VEC đã xin sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành những công việc còn lại.

Số tiền này bao gồm 758 tỉ đồng vốn đối ứng, 4.358 tỉ đồng còn lại để hoàn thành các hạng mục gồm: đoạn tuyến phía tây (1.778 tỉ đồng), phía đông (800 tỉ đồng), đầu tư các nhà trạm thu phí (230 tỉ đồng), đầu tư hoàn thiện nút giao quốc lộ 51 (1.100 tỉ đồng) và các hạng mục bổ sung khác...

Ngày 13-3, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thị sát thực tế dự án sau phản ánh của báo chí. Đến ngày 30-3 Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc bố trí vốn đối ứng của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên nghị quyết này chỉ cho phép sử dụng 758 tỉ đồng vốn đối ứng cho dự án (số tiền này VEC đã xin tự bố trí từ nguồn thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý đang tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa đến kỳ trả nợ vay làm đường cao tốc cho Nhà nước). Còn 4.348 tỉ còn lại mà VEC xin sử dụng sau thì vẫn chưa được phê duyệt.

Với việc toàn dự án đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, chỉ có chờ cấp vốn để đấu thầu nhưng chưa giải quyết được dẫn tới dự án vẫn "đứng im như tượng".

Một đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua huyện Bình Chánh, TP.HCM) trở thành nơi để người dân chăn bò - Ảnh: CHÂU TUẤN

Một đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (qua huyện Bình Chánh, TP.HCM) trở thành nơi để người dân chăn bò - Ảnh: CHÂU TUẤN

Thúc đẩy dự án sớm nhất có thể

Tại phiên chất vấn của Quốc hội vào sáng 8-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết muốn triển khai dự án phải có vốn. Dự án sử dụng vốn ODA, hình thức BOT, do đó ngân sách nhà nước theo quy định không được bố trí.

Vì vậy phải sử dụng nguồn hợp pháp khác trong bối cảnh đàm phán ODA khó. Nếu dùng tiền thu phí của VEC thì phải có cơ chế riêng. Nhưng tiền này để đáp ứng cho việc trả nợ cho những dự án vay vốn của VEC.

"Vừa rồi lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và tôi nghĩ phải tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói với tôi có thể là tháng 7 nhưng tôi không dám hứa. Chính phủ sẽ cố gắng nỗ lực có nguồn vốn để thúc đẩy dự án sớm nhất có thể", ông Khái nói.

Các bộ ngành phải báo cáo, trình Thủ tướng trước 10-6

Ngày 1-6, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, Văn phòng Chính phủ dẫn theo chỉ đạo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản đã gửi vào ngày 22-5.

Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10-6.

Trước đó ngày 22-5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hỏa tốc gửi Văn phòng Chính phủ về ý kiến hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Bộ này đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC rà soát cập nhật chính xác các số liệu đầu vào để tính toán phương án tài chính hòa chung dòng tiền của năm dự án đường bộ cao tốc do VEC quản lý.

Việc này đảm bảo khả năng trả nợ, chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và tính khả thi của phương án tài chính.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Xây dựng làm rõ sự phù hợp của các nội dung chi phí tăng giảm trong tổng mức đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đối với việc hủy vốn dư Hiệp định ADB, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với nhà tài trợ, Bộ Tài chính rà soát tính toán giá trị vốn dư thực tế và thực hiện thủ tục hủy số vốn vay này theo quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo việc sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm áp lực nợ công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bến Lức - Long ThànhBộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm trễ do khó khăn về nguồn vốn đối ứng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên