14/08/2014 09:06 GMT+7

​Tuổi 20 trăn trở và... huyền ảo

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Danh sách 18 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 5 làm phát lộ một mảng văn chương mang dấu ấn huyền ảo (fantasy).

Một số tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 đã ra mắt bạn đọc - Ảnh: Tiến Long
Một số tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 đã ra mắt bạn đọc - Ảnh: Tiến Long

Danh sách 18 tác phẩm vào chung khảo cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 5 làm phát lộ một mảng văn chương mang dấu ấn huyền ảo (fantasy), bên cạnh đó là mảng truyện theo bút pháp hiện thực chuyển tải nhiều trăn trở của giới trẻ...

Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 24-3-2012 đến 24-3-2014, thu hút từ tác giả mới ở tuổi 12 đến tác giả 63 tuổi, với 328 tác phẩm dự thi, trong đó có 149 truyện dài, 179 tập truyện ngắn. 24 tác phẩm được chọn in (đến nay đã ra mắt 19 tác phẩm).

Những thử nghiệm chững chạc

Tác phẩm Urem - người đang mơ một lần nữa thuyết phục hội đồng giám khảo để vào chung khảo. Với tác phẩm lên đến 500 trang này, có giám khảo đã nhận xét: “Ðây là tác phẩm fantasy được viết chắc tay, theo khá sát các kỹ thuật mà thể loại văn học này đòi hỏi”.

Ðiều này cũng cho thấy tác giả Phạm Bá Diệp (sinh viên Trường ÐH Khoa học xã hội và nhân văn) đã đầu tư nghiêm túc cho hành trình theo đuổi kỹ thuật huyền ảo với Urem - người đang mơ. Hơn thế nữa, không gian truyện đòi hỏi người viết phải có kiến thức liên ngành cho nhiều lĩnh vực, và chàng trai tuổi 9X đã mày mò nhiều ngày tháng để truyện có đường dây phát triển chặt chẽ và thuyết phục.

Một thử nghiệm “vượt tầm tuổi” khác là cây bút nữ Minh Moon (phóng viên, biên tập viên tạp chí Golf Và Cuộc Sống) với tác phẩm Hạt hòa bình. Ðây không phải là tác phẩm huyền ảo, nhưng tác giả đã vận dụng bút pháp huyền ảo để thiết lập một “cuộc chạm mặt” giữa nhân vật là một thanh niên thời nay với cuộc chiến ở Campuchia hồi thế kỷ trước.

Ðẩy một thanh niên đang chạy trốn vì phạm tội lọt vào không gian chiến trường K năm 1978, kỹ thuật huyền ảo chỉ là khởi đầu, còn lại là những kiến thức về lịch sử, chiến tranh, kể cả binh bị khí tài cũng được tác giả 8X này chuẩn bị rất chắc chắn cho trang viết.

Trong xu hướng sử dụng thủ pháp huyền ảo như một cách chuyển tải, Trần Ðức Tĩnh (sinh năm 1976, biên tập viên NXB Quân Ðội Nhân Dân) trong truyện dài Ðối cực cũng đã xây dựng nhân vật chính bắt đầu từ thời điểm anh ta rơi vào địa ngục.

Hai tuyến không gian cõi âm - cõi dương trong truyện chính là sự sáng tạo để chuyển tải một bên là thế giới tội phạm thực, một bên là thế giới siêu thực, cả hai đều dữ dội khốc liệt và cần hướng đến cái thiện như một giá trị có tính giáo hóa. Chất triết lý Phật giáo trong tác phẩm cũng là một tích lũy công phu của tác giả.

Lại có những thử nghiệm nhẹ nhàng hơn, như kiểu tiếng vọng vô hình bám sát nhân vật chính trong Ê đen xa vời của tác giả 8X La Nguyễn Quốc Vinh cũng mang dáng dấp huyền ảo, có tác dụng lôi cuốn để người đọc theo dõi mạch truyện.

Tương tự là cách viết nhân hóa những kỷ vật, đồ vật đậm tính người trong sự tương phản với nhân vật người đầy tính xấu ác trong Ðuôi trắng của Hồ Thúy An - tác giả sinh năm 1982, hiện là giáo viên tại Vĩnh Long.

Và trong Người ngủ thuê, Nhật Phi (Hà Nội) - một trong ba tác giả 9X vào chung khảo - đã sáng tạo ra tình huống truyện đặc biệt, với ý tưởng sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi của người này để ngủ thay cho người khác, thông qua một thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Tình huống truyện phát sinh hợp lý khi người ngủ thuê mơ nhiều hơn, gặp người trong mơ, gặp nhiều khách hàng thuê ngủ và biết thêm nhiều góc khuất cuộc đời. Cái kỳ ảo trong truyện trộn lẫn với hiện thực sinh động cho thấy bản lĩnh của tác giả khi xử lý và tổ chức câu chuyện sống động, mạch lạc.

Giới trẻ đầy ắp tâm sự

Phần lớn tác phẩm vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần này chuyển tải tâm trạng của những người trẻ. Và, có vẻ hơi thở của thời kỳ đất nước hội nhập sau ngần ấy năm mở cửa đã bắt đầu hiện diện trong văn học tuổi 20.

Chộn rộn xứ người của Mai Thanh Nga (sinh năm 1985, hiện làm nghiên cứu sinh tại Télécom Paristech ở Paris, Pháp) là không gian sống hiện đại của những người trẻ Việt Nam ở châu Âu, là những va chạm giữa nhiều người trẻ với ngôn ngữ và truyền thống văn hóa khác, được cấu trúc theo các mảng: đi, mơ và yêu, sống với nhiều lớp truyện đan xen.

Trong khi đó, thế giới sinh viên du học và cộng đồng người Việt ở Canada được phản ánh sâu đậm trong tập Những đêm không ngủ ở Toronto của Nguyễn Thu Hoài (Hà Nội, hiện sống tại Canada), với hành trình của nhân vật nữ chính từ khi lên đường đến lúc ra trường.

Một giám khảo nhận xét về nội dung và kỹ thuật viết: “Ðề tài sinh viên du học và cộng đồng người Việt ở Canada được tác giả kể lại bằng giọng văn điềm tĩnh và chất chứa”.

Bên cạnh đó, Những người bạn của Mặt trời của tác giả 7X Lanka lại là hành trình của đôi bạn người Việt và người nước ngoài đi dọc chiều dài Việt Nam. Không gian truyện là một hành trình, lại được lồng trong một hành trình khác: nhân vật chính bị bệnh suy tim và chỉ còn sống được vài năm, đã đối diện với tâm trạng của chính mình suốt chuyến đi.

“Tác giả đã đan xen khá nhuần nhuyễn những triết lý về võ thuật, về cuộc đời, về tâm thế sống... Ở đó có cái nhìn bình đẳng, biết ơn muôn loài, muôn vật cùng có mặt trên Trái đất, có tình yêu dịu dàng xa xót với sự trong lành của thiên nhiên đang chết dần chết mòn...” - một giám khảo nhận xét.

Và như một cực bên kia của mảng truyện mang hơi hướng thị dân, hội nhập, những cảnh đời ở nông thôn với hàng loạt câu chuyện day dứt khốc liệt cũng là mảng quan trọng trong số các tác phẩm Văn học tuổi 20 lần này.

Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt (sinh năm 1981, phóng viên tạp chí Văn Nghệ Cà Mau) là cụm truyện của cuộc đời những nông dân miền Tây Nam bộ. Với cảm thức đơn nhất là “đất”, tác giả chạm vào những mạch ngầm của cuộc sống nông thôn tưởng bình lặng mà khốc liệt, có những câu chuyện truyền đời về đất, có xung đột gia đình dòng tộc xoay quanh chuyện sinh sống với đất, lại có cách nhìn tích cực của người trẻ về một cuộc chuyển mình đa đoan nhiều hệ lụy của đất trong thời hiện đại: quy hoạch.

Lại có những vấn đề mang chiều sâu tế nhị như cô gái mang hai dòng máu Kinh và Raglai lớn lên giữa vùng nông thôn ấp ủ giấc mơ trở thành cô giáo giữa vùng quê nghèo (Charao mùa trăng của một tác giả cũng thuộc thế hệ 8X Nguyễn Thị Khánh Liên - giáo viên mỹ thuật ở Ninh Thuận).

Hay cuộc sống của những dân chài ở vùng biển Tây Nam được tả chân với những tình tiết sống động trong tác phẩm Lý hàng khơi của Phương Nam (Quảng Trị) cho thấy tác giả sinh năm 1980 này không những am hiểu rất mực mà còn cảm thông sâu sắc những cảnh đời được đề cập mới để làm nên một “hiện thực đặc biệt” trong truyện như nhận xét của giám khảo.

Và còn nhiều không gian truyện thú vị với nhiều kỹ thuật viết đa dạng của các tác giả 8X khác như Sống (của tác giả Ðường) viết về cuộc sống của những người trẻ hiện đại mang nhiều bi kịch nên bị cái chết cám dỗ; Cát nổi khói vẫn bay (của Phạm Tử Văn) với thông điệp “Sống trên đời mà không yêu thương đùm bọc lẫn nhau thì cuộc đời này ngắn đến nhường nào”; hay triết lý “mọi vật sẽ trở nên đáng yêu khi không bị người đời định danh gọi tên hay tìm bằng chứng để cho nó rõ ràng” của D. trong truyện Mất hút bên kia đồi...

18 tác phẩm của 18 tác giả vào chung khảo

1. Cơ bản là buồn - Nguyễn Ngọc Thuần
2. Urem - người đang mơ - Phạm Bá Diệp
3. Hạt hòa bình - Minh Moon 
4. Sống - Ðường
5. Chộn rộn xứ người - Mai Thanh Nga
6. Ê đen xa vời - La Nguyễn Quốc Vinh
7. Những đêm không ngủ ở Toronto - Nguyễn Thu Hoài
8. Ðối cực - Trần Ðức Tĩnh
9. Người ngủ thuê - Nhật Phi
10. Gia tộc ăn đất - Lê Minh Nhựt
11. Những người bạn của Mặt trời - Lanka
12. Ðuôi trắng - Hồ Thúy An
13. Cát nổi khói vẫn bay - Phạm Tử Văn
14. Charao mùa trăng - Nguyễn Thị Khánh Liên
15. Mất hút bên kia đồi - D.
16. Nhiệt đới buồn - Phương Rong
17. Lý hàng khơi - Phương Nam
18. Thị trấn của chúng ta - Nguyễn Dương Quỳnh

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên