Zoom phát triển nhanh chóng khi nhu cầu làm việc từ xa gia tăng trong mùa dịch - Ảnh: REUTERS
Trong vụ kiện này, bên nguyên cáo buộc Zoom chia sẻ dữ liệu cá nhân người dùng cho Facebook, Google và LinkedIn là vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người.
Zoom phủ nhận hành vi sai trái nhưng đồng ý cải thiện các phương pháp bảo mật của họ.
Theo Hãng tin AFP, vụ dàn xếp cần được thẩm phán Lucy Koh ở thành phố San Jose, bang California chấp thuận.
"Quyền riêng tư và bảo mật của người dùng là ưu tiên hàng đầu của Zoom, chúng tôi rất coi trọng niềm tin người dùng dành cho chúng tôi", người phát ngôn của Zoom nói với Hãng tin AFP.
"Chúng tôi tự hào về những tiến bộ đã đạt được với nền tảng của mình và mong muốn tiếp tục đổi mới về quyền riêng tư và vấn đề bảo mật được đặt lên hàng đầu", người này tiếp.
Thỏa thuận dàn xếp sẽ lập ra quỹ tiền mặt để thanh toán các chi phí liên quan, cũng như bất kỳ khoản phí luật sư nào theo yêu cầu tòa án. Tất cả người tham gia vụ kiện tập thể đều đủ điều kiện được bồi thường.
Những người đã bỏ tiền mua tài khoản Zoom có thể nhận được 15% số tiền đã bỏ ra mua gói đăng ký chính, hoặc 25 USD (tùy theo mức nào lớn hơn). Những người chưa trả tiền mua tài khoản cũng có thể yêu cầu đền bù 15 USD.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều công ty chuyển sang làm việc trực tuyến, việc sử dụng các nền tảng họp video như Zoom, Slack, Microsoft Teams hay Google Meet đã tăng vọt.
Sự phát triển nhanh chóng của Zoom cũng đặt ra áp lực với công ty này phải giải quyết vấn đề bảo mật và quyền riêng tư vì ngày càng nhiều người dùng quan tâm tới điều này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận