Trường Sa xanh, công trình mới của “Góp đá xây Trường Sa”Nước mình thì mình phải giữGóp 1 tỉ đồng xây dựng biển đảo quê hương
Phóng to |
Đại diện Hội đồng Đội Q.Tân Bình, TP.HCM trao 42 triệu đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” - Ảnh: Thanh Đạm |
Bởi như lời ông Võ Văn Đực, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Tây Ninh): “Yêu nước không phải cứ đợi đến 18 tuổi”.
Lễ phát động ý nghĩa
Trong danh sách dài gần 2.300 lượt cá nhân, tập thể bạn đọc đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Tuổi Trẻ phát động, có rất nhiều “viên đá” được góp từ những em học sinh tiểu học, trung học và các bạn sinh viên từ nhiều trường trên cả nước. Cụ thể: Trường ĐH dân lập Duy Tân (Đà Nẵng) gửi 109.980.000 đồng, Đoàn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Q.5, TP.HCM): 40 triệu đồng, Quận đoàn 9 (TP.HCM): 50 triệu đồng, Trường Kim Đồng (Bà Rịa - Vũng Tàu): 8.936.000 đồng, Đoàn Trường THPT Sơn Động số 1 (Bắc Giang): 7.200.000 đồng... |
6.610.000 đồng là số tiền giáo viên, phụ huynh và các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Tây Ninh) gửi chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Ông Võ Văn Đực cho biết: “Tôi đọc báo, rồi xem tivi thấy nói rất nhiều về chương trình này của Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ đó là ý tưởng rất có tầm và có tâm. Ban giám hiệu trường đã quyết định tham gia và muốn học sinh của mình cùng đóng góp vào, dù là bao nhiêu đi nữa không quan trọng bằng việc giáo dục ý thức về chủ quyền hiện nay của đất nước”.
Ban giám hiệu Trường Nguyễn Bá Ngọc đã bàn bạc kế hoạch “góp đá” sao cho thật ý nghĩa. Một mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa đã được hoàn thành. Trước khi làm lễ phát động hưởng ứng chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, các thầy cô lên mạng tìm thông tin hình ảnh để chiếu cho học sinh, phụ huynh và chính quyền xem trong lễ phát động “Góp đá xây Trường Sa” - thật ra là buổi liên hoan văn nghệ.
“Hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện với các em về Hoàng Sa và Trường Sa, về chuyện chủ quyền biển đảo đang có nhiều tranh chấp và ý nghĩa của đợt phát động “Góp đá xây Trường Sa” của báo Tuổi Trẻ, rồi các em tự đóng góp. Trước đó, các em đã có một tuần để chuẩn bị. Học trò miền quê quần áo lấm lem, tóc cháy nắng, đi bộ, đi xe đạp đến trường. Các em để dành 500 đồng, 1.000 đồng... háo hức bỏ vào thùng “góp đá”. Chúng tôi công khai ngay số tiền thu được trong đêm diễn đó luôn” - hiệu trưởng Võ Văn Đực kể. Rồi ông tâm sự thêm: “Nhiều người hỏi tôi sao trường tiểu học mà làm được chương trình “góp đá” hay vậy, vì các em còn nhỏ, còn vô tư hồn nhiên lắm, sao nhận thức được chuyện chính trị, chuyện lãnh thổ biên cương? Tôi cho rằng nếu cứ nghĩ như thế rồi không tuyên truyền cho các em biết là có tội với tiền nhân. Yêu nước không phải cứ đợi đến 18 tuổi. Đất nước là tài sản vô giá, thiêng liêng của cha ông để lại. Không biết về lãnh thổ, chủ quyền của đất nước mình, không giữ được là có tội. Trong những tiết dạy ngoại khóa, giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi luôn lồng vô những kiến thức về tình hình biển đảo một cách nhẹ nhàng, phù hợp để giáo dục trẻ. Các em rất quan tâm. Có em học lớp 5 nói rằng muốn trở thành chú bộ đội hải quân. Kiến thức chúng tôi nói chỉ là hạt cát, có thể bây giờ các em nghe rồi bỏ qua. Nhưng sau này khi lớn lên, những kiến thức đó là tiềm thức, sẽ khơi dậy trong các em. Tôi vẫn không quên câu chuyện mà thầy cô mình ngày trước đã kể về người thuyền trưởng đã vẫy tay chào vĩnh biệt đồng đội khi chấp nhận ở lại hi sinh cùng con tàu đang chìm dần xuống biển... Mỗi khi nhớ lại hình ảnh đó, tôi vẫn thấy xúc động...”.
Mỗi em là một “viên đá nhỏ”
42 triệu đồng là số tiền mà Hội đồng Đội Q.Tân Bình (TP.HCM) đã gửi đến Tuổi Trẻ, ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Số tiền ấy là tấm lòng của thiếu nhi toàn quận góp được trong một năm. Các em đã nhín trích 1.000 đồng, có em góp 2.000 đồng, 5.000 đồng từ tiền ăn sáng, từ chương trình kế hoạch nhỏ... để góp những “viên đá nhỏ” vào “bức tường lớn” gửi ra nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
Anh Phan Ngọc Tâm, phó chủ tịch Hội, cho biết: “Đây là công trình măng non rất ấn tượng của chúng tôi. Khi biết chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, tôi đã nhờ các cô chú cựu chiến binh, nhất là những chú từng là lính hải quân, nói về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo cho các em thiếu nhi nghe. Sau đó, chúng tôi giới thiệu về chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của Tuổi Trẻ. Rồi chúng tôi đưa các em đến Lữ đoàn 125 Hải quân (Q.2, TP.HCM) giao lưu, để các em nghe chính các chú bộ đội hải quân kể nhằm hiểu rõ hơn về cuộc sống của bộ đội ngoài đảo. Các em được coi phim tư liệu, được tham quan tàu chiến. Các em tỏ ra rất thích và nhận thức đến tự nhiên mà sâu sắc hơn. Những hành động tham gia “góp đá” của các em vì thế mà tự nhiên và chân thành”.
Trong chuỗi hoạt động tham gia “Góp đá xây Trường Sa” do Hội đồng Đội quận tổ chức, các em thiếu nhi Q.Tân Bình đã gấp 23.000 ngôi sao, ghép lại làm bức tranh chú bộ đội bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền. Một bức tranh bản đồ Tổ quốc có Hoàng Sa, Trường Sa được ghép từ 1.000 miếng ghép cũng được hoàn thành trong sự say mê của các em. “Giờ chúng tôi đang làm cây bàng vuông, cho các em viết thông điệp lên đó, rồi quyên góp”, anh Tâm cho hay. Anh khẳng định: “Điều quan trọng không phải là kêu gọi các em góp tiền, mà là cho các em có những nhận thức nhất định về biển đảo, bồi đắp cho các em tinh thần dân tộc, ý thức về chủ quyền, lãnh thổ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận