11/04/2014 06:00 GMT+7

Nước mình thì mình phải giữ

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Họ là những người phụ nữ rất bình dị, lặng lẽ góp từng viên đá trong hàng triệu viên đá đã xây dựng nên hai công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A và Đá Tây C.

Trường Sa xanh, công trình mới của “Góp đá xây Trường Sa”Góp 1 tỉ đồng xây dựng biển đảo quê hươngPhát động chương trình Góp đá xây Trường Sa

PF5s6QTT.jpg
Bà Phạm Thị Hương vẫn đọc báo Tuổi Trẻ hằng ngày và rất quan tâm đến tình hình bạn đọc “Góp đá xây Trường Sa” - Ảnh: My Lăng

Lý giải cho việc làm âm thầm của mình, có người chỉ nói đơn giản: “Đất nước mình thì mình phải giữ. Góp đá từng chút, từng chút sẽ thành bức tường lớn”.

Đều đặn trích lương hưu “góp đá”

Bạn đọc “góp đá” 55 tỉ đồng

Sau gần ba năm kể từ ngày phát động (16-5-2011), tính đến ngày 31-3-2014, chương trình “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được hơn 55 tỉ đồng từ 2.246 lượt cá nhân, tập thể bạn đọc đóng góp từ khắp mọi miền đất nước và cả kiều bào nước ngoài. Riêng ba tháng đầu năm 2014, Tuổi Trẻ đã tiếp nhận 317.130.000 đồng từ bạn đọc và doanh nghiệp đóng góp cho chương trình.

Từ số tiền này của bạn đọc, hai công trình “Góp đá xây Trường Sa” tại đảo Đá Tây A và đảo Đá Tây C ba tầng vững chãi đã được khánh thành. Bộ đội Trường Sa đã có thêm nhà mới, cao ráo, khang trang và rộng rãi hơn. Đây cũng là nơi cho ngư dân sinh hoạt khi vào tránh bão. Hai xuồng CQ cũng được Tuổi Trẻ trao cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa để thuận tiện và an toàn hơn trong đi lại, phục vụ công tác cứu hộ. Ngoài ra, quỹ “Góp đá xây Trường Sa” đã thực hiện chương trình “Tủ thuốc cho ngư dân”, mua trang thiết bị y tế hiện đại và cần thiết cho Trường Sa, thực hiện chương trình “Quà xuân biển đảo”, trùng tu hai cột mốc chủ quyền...

Trưa 8-4, chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà thuộc đường Hưng Phú (Q.8, TP.HCM). Trái ngược với suy nghĩ của chúng tôi về gia cảnh chắc là khá giả của một phụ nữ đã âm thầm nhiều lần gửi tiền cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” của Tuổi Trẻ, hình ảnh trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4, mái tôn khá tuềnh toàng, cửa rất đơn sơ, nhìn thấy rõ gác gỗ phía trong. Một phụ nữ đi ra cho biết bà Sự (Tô Thị Sự - PV) không có nhà mà đang ở bên nhà em gái tại Q.5.

Gặp bà Sự mới hay căn nhà ấy là tài sản ba mẹ bà để lại. Vì nhà khá chật và để lấy không gian cho gia đình em trai ở và làm nghề tiện, bà về Q.5 ở với gia đình em gái trong căn nhà cũ kỹ xây từ trước ngày thống nhất đất nước.

Vốn là điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nghỉ hưu năm 2008, năm nay bà Sự đã 66 tuổi. Không lập gia đình, người phụ nữ ấy lấy niềm vui cho cuộc sống của mình từ những việc có ý nghĩa cho cộng đồng, cho đất nước. Liên tục trong hai năm 2012 và 2013, cứ ba tháng bà Sự lại trích ra 2 triệu đồng từ lương hưu gửi cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. “Ba tôi trước từng nằm vùng, vô bưng biền sửa máy móc. Tôi tìm hiểu bạn bè cũ của ba mới hay ông nằm trong ban kinh tài ở miệt Cần Giuộc, Cần Đước, Long An. Ông mất năm 1967. Không ra chiến trường nhưng ba tôi cũng đã góp sức cho cách mạng theo cách của mình. Đến thế hệ chúng tôi thì đóng góp theo cách mà chúng tôi có thể. Tôi nghĩ nếu ba biết việc tôi đang làm hiện giờ, ông sẽ rất vui” - bà Sự chia sẻ.

7 lần giấu tên

Nhân viên phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ khi nhắc đến một bạn đọc giấu tên lúc đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” chỉ ghi “cà phê Hương Uyển” là nhớ ngay một người chạy xe ôm, lần nào mang tiền đến “góp đá” cũng nói: “Tiền này của một cô lớn tuổi và các con, nhờ tui mang tới”. “Cô lớn tuổi” ấy là bà Phạm Thị Hương, năm nay đã 82 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Trung Trực (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Bà Hương và các con đã lặng lẽ đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” bảy lần.

Con gái lớn của bà Hương - chị Phan Mộc Lan - kể: “Khi biết Tuổi Trẻ phát động “Góp đá xây Trường Sa”, mẹ tôi nói các con cùng mẹ tham gia “góp đá”. Chúng tôi đồng ý ngay vì đó là việc rất nên làm”. Từ đó, số tiền “góp đá” được trích ra từ một phần lương hưu của bà Hương và một phần từ lợi nhuận của quán cà phê do các con bà mở ra. Bà Hương lớn tuổi lại bệnh, các con thì bận rộn, nên việc trao gửi tấm lòng của cả gia đình trông cậy vào người xe ôm quen trước nhà. “Anh xe ôm mang tiền đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi rồi mang giấy cảm ơn của Tuổi Trẻ về. Anh ấy cũng lấy giá bình dân, coi như đóng góp một phần cho đất nước” - chị Lan cho hay.

Bà Hương trước đây là nhân viên nấu ăn cho trường mầm non ở Q.Bình Thạnh. Bà chia sẻ: “Tôi vui vì tham gia một chương trình có ý nghĩa như vậy. Tôi hoàn toàn tin tưởng báo Tuổi Trẻ, tin rằng số tiền đó sẽ được dùng đúng việc, đúng nơi. Giữ nước là nhiệm vụ của quân đội và cả nhân dân. Không có quân đội giữ đảo, giữ biển thì sao mình được sống yên bình như vầy! Gánh nặng cơm áo gạo tiền ai cũng có, nên sức mình tới đâu “góp đá” tới đó. Đất nước mình thì mình phải giữ. Góp đá từng chút, từng chút sẽ thành bức tường lớn”.

Bị tai biến mạch máu não, chữa bệnh gần nửa năm nay, bà Hương vẫn giữ thói quen đọc báo Tuổi Trẻ hằng ngày và đặc biệt quan tâm đến trang phụ lục có đăng danh sách bạn đọc tham gia “Góp đá xây Trường Sa”. Bà tâm sự: “Biết số tiền góp đá của bạn đọc Tuổi Trẻ đã xây được hai công trình “Góp đá xây Trường Sa” cho bộ đội và ngư dân, tôi mừng ghê lắm. Lúc bệnh dữ quá, con cái thì lu bu công việc rồi phải đưa tôi đi khám bệnh, tôi phải tạm dừng góp đá, tiếc lắm, buồn lắm. Tôi trông cho mau hết bệnh để đóng góp dài dài. Tôi già rồi, không cần xài tiền gì hết. Tôi bỏ đi chơi luôn. Con tôi trước cũng ưa đi du lịch lắm nhưng giờ ít đi để dành tiền làm việc thiện. Tôi tính một tháng nhín ra một ít góp đá đâu có khó gì. Chừng nào tôi còn thở thì còn góp đá. Toàn dân ai cũng chung lòng, chung sức thì quý biết mấy. Góp gió thì mới thành bão”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên