11/10/2021 10:24 GMT+7

Xuyên đêm giúp người hồi hương

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 1h sáng, thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT Mộ Đức 2 (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), lọ mọ đi xe máy dẫn gia đình anh Trần Văn Thạch (31 tuổi, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) về khu nghỉ tạm ở xã Nghĩa Chánh với đầy đủ chăn màn.

Xuyên đêm giúp người hồi hương - Ảnh 1.

Anh Phước (trái) và thầy Vũ nở nụ cười hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác - Ảnh: TRẦN MAI

Rồi thầy lại tiếp tục rọi đèn, đưa chiếc xe máy hỏng "banh chành" của anh Thạch đến tiệm sửa xe 0 đồng.

Giữa khuya, tiệm sửa xe của anh Huỳnh Văn Phước (33 tuổi, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) vẫn sáng đèn, đội thợ vẫn miệt mài sửa chữa 6 chiếc xe của những người từ các tỉnh phía Nam về quê. 

Anh Phước bảo toàn "bệnh nặng" bởi xe để lâu ngày không đi, rồi đi một đoạn đường quá dài dẫn đến nhiều sự cố. "Có xe bung cả lò xo bố phanh, chẳng hiểu sao bà con vẫn đi được một đoạn đường dài như vậy", anh Phước nói.

Đi tìm người lỡ chuyến

Chiếc xe máy rà chầm chậm, đèn pin cầm trên tay, đôi mắt thầy Vũ đảo liên tục trong đêm khuya, căng mắt nhìn vào lề đường. 

Thầy Vũ bảo chừng 22h đổ lại thì anh không cần đi, bà con quanh đây chỉ cần thấy ai tá túc bên hiên nhà sẽ gọi cho thầy ngay. 

Quá khuya thầy phải đi "dạo dạo" xem có ai hồi hương lỡ chuyến thì mời về điểm nghỉ qua đêm ở quán cơm Bà Chín (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) nghỉ ngơi. "Ở đó an toàn, có công an và dân quân bảo vệ. Bà con an tâm ngủ, chúng tôi cũng bố trí chăn màn phục vụ bà con", thầy Vũ chia sẻ.

Thầy Vũ phát hiện vợ chồng anh Thạch cùng 3 con đang dừng lại bên đường, vợ con ngồi bên vỉa hè, còn anh bật đèn pin từ chiếc điện thoại cũ lúi húi dưới lốc máy. Chiếc xe máy cũ chảy nhớt đen ngòm, động cơ quá nóng khiến chiếc xe dừng hẳn. 

Thầy Vũ thăm hỏi rồi đưa cả nhà anh Thạch về điểm nghỉ qua đêm. Ba đứa con anh Thạch lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất gần 2 tuổi vừa có hành trình cùng bố mẹ từ Đồng Nai về. 

Chiếc xe máy bắt đầu hư hỏng từ Bình Định, đi chục kilômet thì đứng động cơ, cả nhà lại ngồi bên vỉa hè, xin nước tưới vào cho "hạ hỏa" rồi tiếp tục đi. Cứ thế, cả nhà lầm lũi giữa đêm hun hút.

Đến điểm nghỉ ngơi, thầy Vũ lấy chiếc giường xếp cho 3 con anh Thạch ngủ, vợ chồng anh trải chiếc chiếu ngủ tạm trên nền nhà. Từ khi các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách, dòng người về quê nhiều, thầy Vũ liên tục hỗ trợ bà con. 

Có những cuộc giải cứu khiến anh không thể nào quên. Đêm 7-10, thầy Vũ nhận được thông tin từ người dân có một gia đình vừa tấp vào hiên nhà, cháu bé sức khỏe rất yếu. 

Thầy Vũ vội chạy đến, lúc này người dân pha sữa nóng và nước đường cho cháu uống. Hỏi qua thì biết gia đình từ Đồng Nai về Thanh Hóa, người mẹ tên Nguyễn Thị Yến nói sức khỏe của con rất yếu, trên đường về quê cháu liên tục quấy khóc. Ra đến Quảng Ngãi gặp mưa quá lớn, cháu bé không đủ sức chịu đựng nên gia đình đành dừng xe tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nghe hoàn cảnh, thầy Vũ liên hệ với nhóm thiện nguyện của chị Phước Huyền (Đà Nẵng) nhờ sự giúp sức, đưa xe ôtô vào chở cả gia đình ra cửa ngõ tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Phía chị Phước Huyền nhận lời, cho xe vào Quảng Ngãi ngay trong đêm. Thầy Vũ bảo rằng nếu cháu bé khỏe sẽ để lại ngủ qua đêm. Nhưng với tình hình này, có ngủ qua đêm thì sáng mai cũng không thể đi tiếp được, cháu bé cần đi ôtô để khỏi mưa gió và sớm về nhà. 

Khi nhóm chị Phước Huyền vào Quảng Ngãi không chỉ chở gia đình chị Yến mà còn giúp đỡ 3 gia đình có con nhỏ khác. 

"Với những trường hợp có trẻ em, người già nhiều, tôi liên hệ với những chuyến xe thiện nguyện giúp chở nối chuyến. Họ cần về nhà bằng phương tiện an toàn thay vì xe máy", thầy Vũ nói.

Xuyên đêm giúp người hồi hương - Ảnh 2.

Chiếc xe máy của anh Linh bị bung lò xo bố thắng không còn khả năng dừng xe và rất nguy hiểm khi lưu thông đã được anh Phước phát hiện - Ảnh: T.MAI

Tiệm sửa xe 0 đồng

Dịch bệnh có thể làm đảo lộn tất cả, nhưng tình người thì không. Đâu đó trong chuyến hành trình hồi hương, bà con nhận được sự giúp đỡ mà lời cảm ơn không thể nào đủ. 

Ở trạm nghỉ ngơi quán cơm Bà Chín, khi bà con ngủ, nhóm thợ sửa xe của anh Huỳnh Văn Phước sẽ đến thay nhớt, tăng xích và xem lại phanh... Những trường hợp "bệnh nặng", xe sẽ được chuyển đến tiệm của anh để "tổng sửa chữa". 

Nhiều ngày rồi, đội thợ sửa xe của anh Phước làm việc liên tục. Ngày nào cũng sửa cả trăm chiếc xe. "Có chiếc riêng tiền thay phụ kiện đã 2 triệu đồng, lốc máy nát như tương", anh Phước nói.

Tiệm sửa xe của anh Phước khá nhỏ nhưng lại rất lớn về tình người. Ở đó, anh bố trí ghế ngồi cho bà con ở hiên nhà bên cạnh, bất kỳ giờ nào anh cũng sửa cho bà con và hoàn toàn miễn phí. 

Như hôm nay, đã 2h sáng nhưng tiệm vẫn sáng đèn, 6 chiếc xe máy xếp hàng với đủ loại bệnh. Trong đó, chiếc xe của anh Mai Công Linh (huyện Vân Hồ, Sơn La) bị thủng lốp, nhông xích hỏng. Nguy hiểm nhất là bố thắng bị bung lò xo, phát hiện sự cố này anh Phước tá hỏa hỏi anh Linh: "Sao mà đi được đến đây giỏi vậy!". 

Anh Linh đáp lại rằng: "Đi chậm và dùng phanh trước là chính. Chắc trời thương, hư phanh mà cho xe lủng lốp nên tôi chạy rất chậm".

Anh Phước "vật lộn" với những chiếc xe của người hồi hương kể lại những câu chuyện mình gặp phải bằng tất cả yêu thương. Ai về quê ghé tiệm anh cũng đều rất "mệt nhoài" vì dịch bệnh, họ trở về quê để nương náu cuộc đời mình qua đận lênh đênh. 

Chuyện anh nhớ nhất là một người đàn ông chở lỉnh kỉnh đồ, đến tiệm khi vành xe cong quẹo. Ông ấy đã nhích 2 ngày mới từ Nha Trang về đến Quảng Ngãi, trên đường ông cũng nhận được nhiều sự tiếp sức nhưng sửa lại vành thì không có. 

Vừa làm vừa chuyện trò, anh Phước biết được ông ấy phải bán đi chiếc điện thoại của mình để làm lộ phí hồi hương. Chuyến đi này để về quê nhìn mặt cha lần cuối. 

"Tôi thay vành mới và biếu ông 200.000 đồng để ông ấy về quê. Chẳng biết thế nào ông ấy lại biết Facebook của tôi, sau khi về đến quê đã nhắn tin cảm ơn. Tôi cũng cảm thấy rất vui", anh Phước tâm sự.

hoi huong

Thầy Vũ là người dẫn bà con hồi hương hỏng xe đến, còn anh Phước và đội thợ sẽ sửa chữa, cần thay phụ kiện gì thầy Vũ sẽ hỗ trợ - Ảnh: T.MAI

Chiếc vành xe ấy anh Phước để trong góc tiệm, thầy Vũ nghe câu chuyện đã "mua" lại với giá 5 triệu đồng.

Nhóm thợ cười lớn và đồng ý bán và hỏi: "Đồ giá trị vậy, nâng thêm giá đi thầy". Thầy Vũ bật cười nói "OK, ra giá đi". Giữa đêm, những lời trêu chọc nhau xua đi mệt mỏi. Anh Phước đã nợ tiền thuê nhà 4 tháng rồi và anh cũng "đuối" khi tiền mua phụ tùng quá nhiều.

Thầy Vũ đã đến hỗ trợ, thay phụ tùng gì chỉ cần nói là thầy Vũ sẽ hỗ trợ. "Nói mua là cho vui thôi, chứ thật tình tôi hỗ trợ Phước và anh em. Thật sự tôi may mắn khi được nhà hảo tâm tin tưởng gửi tiền để hỗ trợ bà con về quê. Tôi trích ra hỗ trợ lại cho Phước sửa xe cho bà con. Chứ anh em làm miễn phí lại bỏ tiền túi mua phụ tùng thay sao chịu nổi", thầy Vũ nói.

Hơn 2h sáng, tôi tạm biệt anh Phước rời khỏi tiệm sửa xe đầy nghĩa tình ấy. Anh Phước vẫn cặm cụi với những chiếc xe. Anh phải cố làm cho xong để sáng mai bà con ngủ dậy có xe tiếp tục hành trình.

Còn thầy Vũ cũng trở về điểm dừng chân quán cơm Bà Chín đi đến từng chỗ ngủ, gia đình nào có con nhỏ, thầy hỗ trợ 200.000 đồng/cháu.

Có những gia đình ngủ quá ngon, thầy Vũ gửi cho những người còn thức nhờ sáng mai gửi giúp. Bởi sáng mai họ sẽ xuất phát từ tờ mờ sáng, khi hành trình về nhà còn rất dài...

Giảng viên, sinh viên sửa xe cho người hồi hương Giảng viên, sinh viên sửa xe cho người hồi hương

TTO - Những ngày dòng người hồi hương từ phía Nam ùn ùn kéo qua TP Đà Nẵng, dưới chân đèo và khu vực hầm Hải Vân có một đội thợ sửa xe rất đặc biệt gồm một thầy giáo và chừng 15 sinh viên các trường đại học.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên