10/09/2017 16:59 GMT+7

Có vai vế trong hội nhà văn thì làm giám đốc nhà xuất bản

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nền xuất bản như một tủ kính trưng bày sản phẩm, qua đó ta thấy đời sống tinh thần của đất nước đang như thế nào.

Có vai vế trong hội nhà văn thì làm giám đốc nhà xuất bản - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: "Xuất bản của ta hiện đang còn lạc hậu" - Ảnh: L.Điền

Trong khi sách từ thời tiền chiến đến nay vẫn liên tục được tái bản, thì xuất bản hiện nay có vẻ chạy theo nhu cầu trước mắt, sách ra 2-3 năm sau là không còn ai nhớ...

Ông Vương Trí Nhàn

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đưa ra cách ví von như trên để mở đầu buổi tọa đàm về tình hình xuất bản của Việt Nam hiện nay, diễn ra tại Đường sách TP.HCM sáng 10-9.

Với thâm niên 50 năm cầm bút và có ngót 30 năm làm công tác "bếp núc" tại các nhà xuất bản, ông Vương Trí Nhàn nhận định hiện tại xuất bản Việt Nam là ngành có thể làm công tác hội nhập tốt.

Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng, ông thẳng thắn cho rằng xuất bản Việt Nam vẫn còn nhiều lạc hậu. Lạc hậu ở đây không chỉ là so với các nước trong khu vực, mà còn lạc hậu với chính yêu cầu nội tại của ngành. 

Bên cạnh đó, số bản sách tính trên đầu người của ta hiện nay cũng thấp quá, do đó, số bản in phổ biến là 100 đến 2000 bản cho mỗi đầu sách với số dân hơn 90 triệu.

Nếu nhớ lại thời tiền chiến, quyển Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng in 14.000 bản lúc dân số cả nước chỉ khoảng 25 triệu người, thì thấy số ấn bản sách của chúng ta hiện nay lạc hậu.

Ông Vương Trí Nhàn

Ông Nhàn cũng đề cập đến nhu cầu cần phải có một nền xuất bản chuyên nghiệp. Sở dĩ đặt vấn đề này bởi theo ông, từ trước 1975, ở Hà Nội chưa có nhà xuất bản chuyên nghiệp.

Cứ những ai viết văn hay và có vai vế trong hội nhà văn thì điều sang làm giám đốc xuất bản.

Ông Vương Trí Nhàn

Trong khi đó, trên thế giới và khu vực đã hình thành những "ông trùm" xuất bản có tiềm lực tài chính mạnh và có nghề, hoạt động rất chuyên nghiệp.

Ông Nhàn dẫn ra trường hợp là nhà xuất bản Thương vụ ấn thư quán của Trung Quốc, có từ trước thời Dân Quốc tồn tại đến sau 1949 và có đại diện ở cả Đài Loan, Hồng Kông... 

Ông gọi đó là "đại gia" trong ngành xuất bản, và nêu câu hỏi: Liệu bao giờ ở ta có những đại gia xuất bản như vậy?

Trả lời câu hỏi tại sao ta chưa có xuất bản chuyên nghiệp, ông Vương Trí Nhàn cho rằng là bởi ta chưa có "con người nghề nghiệp" trong xuất bản. 

Hiện tại, giới xuất bản ít có nghiên cứu sâu, những biên tập viên cũng chưa chuyên nghiệp và lại còn gặp tình trạng một số biên tập viên đang hoạt động tốt, tích lũy nghề nghiệp đang tiến triển, thì bị điều đi làm việc khác.

Xuất bản Việt Nam đang thiếu “Con người nghề nghiệp’ - Ảnh 2.

Bà Quách Thu Nguyệt cho rằng thị trường sách Việt Nam đã xuất hiện các "ông trùm" tích cực - Ảnh: L.Điền

Tham gia đối thoại với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, bà Quách Thu Nguyệt - phó giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM - đồng ý việc tìm kiếm những "ông trùm" trong xuất bản ở ta là chính đáng.

Tuy nhiên bà Nguyệt cho rằng hiện ta đã có một số "ông trùm" trong thị trường sách, đó là hàng trăm công ty sách tư nhân đang làm ra sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong ngành sách.

Đặc biệt tại thị trường phía Nam còn có một số "ông trùm" theo bà là tuy không xuất hiện ồn ào nhưng năng lực không thua kém ông Khai Trí của Sài Gòn hồi trước năm 1975.

Bà Nguyệt còn lưu ý về sự đóng góp đáng kể của mạng xã hội và các cộng đồng đọc sách, trao đổi sách và chia sẻ sách cả online và offline hiện đang hỗ trợ và thúc đẩy ngành xuất bản sách phát triển.

Đồng ý với nhận định của bà Nguyệt "tin ngành xuất bản và nghề làm sách ở ta sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa", ông Vương Trí Nhàn cho rằng có lẽ trong tương lai gần nên tổ chức các kênh thông tin về sách mới, một cách đầy đủ và cụ thể để khi có sách chuyên ngành nào vừa xuất bản thì cũng có địa chỉ để bạn đọc cần là tìm thấy được.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên