05/10/2020 14:45 GMT+7

Xuân Trình trở lại, kịch phản biện xã hội thắng thế

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Kịch của cố tác giả Xuân Trình sau nửa thế kỷ nằm trong bóng tối bỗng trở về rực rỡ trong Liên hoan sân khấu thủ đô năm nay như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho nhà viết kịch dũng cảm.

Xuân Trình trở lại, kịch phản biện xã hội thắng thế - Ảnh 1.

Từ trái qua: nghệ sĩ Hoàng Tùng (huy chương vàng), NSND Trung Anh (huy chương vàng), nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa (huy chương bạc) trong vở Bạch đàn liễu - Ảnh: THÚY HIỀN

Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 4 năm 2020 vừa khép lại tối 3-10 tại Hà Nội với nhiều niềm vui cho người làm nghề: không "mưa" huy chương, hai giải vàng đều được trao cho hai vở diễn xứng đáng.

Đó là hai vở về nạn tham nhũng, cường quyền, thỏa hiệp với cái xấu của hai cố tác giả có tiếng nói phản biện xã hội mạnh mẽ: vở Bạch đàn liễu của tác giả Xuân Trình (do LucTeam dựng, NSƯT Trần Lực đạo diễn) và vở Người tốt nhà số 5 của tác giả Lưu Quang Vũ (do Nhà hát Kịch Việt Nam dựng, NSƯT Tạ Tuấn Minh đạo diễn).

Kết quả này một lần nữa khẳng định vị trí chưa thể thay thế của Xuân Trình và Lưu Quang Vũ, đồng thời là nỗi buồn cho sân khấu hiện nay khi đời sống ngồn ngộn những dằn vặt, chất vấn nhưng lại chưa có tác giả nào cất lên được tiếng nói của thời đại mình.

Bạch đàn liễu: sự tha hóa của cán bộ

Bạch đàn liễu được Xuân Trình viết từ năm 1973, khi đất nước vẫn còn chìm trong bom đạn chiến tranh, nhưng ông đã mang đến một tiếng nói mạnh mẽ về sự mất dân chủ ở một làng quê, sự tha hóa của cán bộ và sự nhẫn nhịn chịu đựng của người dân đã dẫn đến bi kịch của một gia đình, của đôi lứa.

Ngay tại thời điểm chỉ có những ngợi ca một chiều, Xuân Trình đã dự báo về những ung nhọt trong bộ máy công quyền.

Trong khi vạch ra sự tha hóa của cán bộ, ông cũng cảnh báo nếu mỗi người không ý thức được đầy đủ về dân chủ thì "không ông Bao Công nào che chở được"; cam chịu, nhẫn nhịn sự ức hiếp chính là một thái độ tiêu cực và trong hoàn cảnh nhất định nó trở thành tội ác.

Vở kịch lập tức được hai đạo diễn tài năng lúc bấy giờ là Đình Quang và Đoàn Bá dàn dựng, nhưng sau buổi tổng duyệt đã không thể đến với công chúng cho tới khi LucTeam mang ra phủi bụi, gọt giũa.

Ngôn ngữ kịch ước lệ đặc trưng của LucTeam lại phù hợp kỳ lạ với phong cách kịch chính luận đầy chất suy tưởng của Xuân Trình, mang đến sự cuốn hút mang màu sắc đương đại cho vở diễn có tuổi đời gần nửa thế kỷ.

Đợi đến mùa xuân: đả phá các căn bệnh trong giáo dục

Xuân Trình không chỉ trở lại với công chúng đợt này bằng Bạch đàn liễu mà còn có vở Đợi đến mùa xuân - được Nhà hát Tuổi Trẻ mang đến liên hoan.

Vở diễn không được trao huy chương vàng, bạc hay giải cho đạo diễn, chỉ có huy chương vàng và bạc cho các diễn viên, nhưng đây vẫn là vở diễn rất đáng xem khi đưa ra câu chuyện về bệnh dối trá, thành tích đang phá hủy môi trường giáo dục.

Ở đó, cô giáo Nhung (Thu Quỳnh) một mình kiên gan, bền bỉ chống lại căn bệnh dối trá, thói ăn hối lộ đang làm mục ruỗng nhà trường, làm hỏng những thế hệ học trò.

Cô quyết tuyên chiến với những căn bệnh trầm kha trong nhà trường bởi "nếu thầy không ra thầy thì chắc chắn trò cũng không ra trò.

Nếu như học sinh không tin vào những điều chúng được giảng dạy thì nhà trường chỉ đang đào tạo ra cho tương lai những lớp người nói dối tinh vi hơn mà thôi… Nhất định phải sửa chữa những lỗi lầm này bằng chính phẩm chất của chúng ta...".

Người xem hôm nay giật mình và cảm phục, xen lẫn xót xa khi thấy tất cả những căn bệnh trong giáo dục mà Xuân Trình dũng cảm nói ra từ cái thời mà cả xã hội đều "đồng phục" một tư tưởng ngợi ca, khích lệ.

Một vở kịch chính luận dù rất sắc sảo nhưng sẽ khá mệt nếu thiếu đi những tiếng cười. Với vở đầu tay, đạo diễn Đào Duy Anh đã tận dụng thế mạnh được coi là "đặc sản" của Nhà hát Tuổi Trẻ là tiếng cười để cài cắm duyên dáng.

Hai vở kịch của Xuân Trình và vở của Lưu Quang Vũ đang được lên kế hoạch ra mắt công chúng trong tháng 10 và 11.

Hi vọng từ những gương mặt mới

Giải đạo diễn xuất sắc dành cho NSƯT Trần Lực (vở Bạch đàn liễu) và NSƯT Tạ Tuấn Minh (vở Người tốt nhà số 5) rất xứng đáng.

Trong khi Trần Lực đã có vài vở diễn gây tiếng vang, anh vẫn là gương mặt đạo diễn mới, còn NSƯT Tạ Tuấn Minh là gương mặt đạo diễn mới hoàn toàn. Những giải thưởng lớn nhất được dành cho những gương mặt đạo diễn mới khiến giới sân khấu phía Bắc hi vọng vào những hạt mầm mạnh mẽ mới.

Ba giải bạc của Liên hoan sân khấu thủ đô được trao cho: Tình sử Thăng Long (Nhà hát Chèo Hà Nội), Truyền tích Cổ Loa xưa (Hội Sân khấu TP.HCM), Trương Chi - Mỵ Nương (Nhà hát Kịch Hà Nội).

Biên đạo múa xuất sắc được trao cho nghệ sĩ Hoài Anh. Họa sĩ xuất sắc được trao cho NSƯT Doãn Bằng với thiết kế sân khấu cho vở Người tốt nhà số 5. Ngoài ra, ban tổ chức trao 21 huy chương vàng và 31 huy chương bạc cho các nghệ sĩ tham gia liên hoan.

Kịch của Xuân Trình, Lưu Quang Vũ cùng giành giải vàng Kịch của Xuân Trình, Lưu Quang Vũ cùng giành giải vàng

TTO - Hai vở kịch giành giải vàng tại Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 4 đều là hai vở về nạn tham nhũng, cường quyền, mất dân chủ, thỏa hiệp với cái xấu của hai cố tác giả có tiếng nói phản biện xã hội mạnh mẽ: Xuân Trình và Lưu Quang Vũ.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên