Học sinh trường Bình Phú (Q. 6, TP.HCM) chụp ảnh với các diễn viên trong vở Vụ án cậu trời sau buổi diễn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mấy năm gần đây, nhà hát Thế giới trẻ giới thiệu đến các liên hoan nhiều vở kịch gây dấu ấn như: Âm binh, Cát trắng như gạo, Mê Đê..., gần nhất là vở Yêu là thoát tội (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Xuân Hồng, cố vấn dàn dựng: NSND Trần Ngọc Giàu).
Tất cả những vở diễn này đều do NSND Hoàng Yến - giám đốc nhà hát - tự bỏ tiền đầu tư.
“Khi công diễn, chúng tôi mời thầy cô các trường đến xem. Và họ chính là những người đánh giá và quyết định có dẫn học trò mình đi xem không. Rồi một lớp xem về kháo nhau, các lớp khác cứ thế nghe đăng ký đi xem… Và sự thành công của Yêu là thoát tội khiến êkip chúng tôi thật sự hạnh phúc.
NSND Hoàng Yến (giám đốc nhà hát Thế giới trẻ)
Từ mục tiêu 100 suất kịch
Êkip thực hiện vở chủ yếu là lực lượng giảng viên, sinh viên của trường. Không phải vở diễn nào cũng thành công nhưng hầu hết đều được dựng nên từ những kịch bản có sự chọn lọc, mỗi vở ít nhiều đều có những sáng tạo riêng.
Khi bắt tay thực hiện vở, êkip không chỉ hướng đến các kỳ liên hoan mà còn đặt mục tiêu mỗi vở sẽ đạt được 100 suất diễn. Một mục tiêu tưởng quá khó trong tình hình sàn diễn đìu hiu như hiện nay, nhưng những người thực hiện có cách riêng để hiện thực hóa. Đó là những chuyến lưu diễn đến các trường đại học, lưu diễn đến các tỉnh thành khắp cả nước.
Âm binh và Cát trắng như gạo rong ruổi các tỉnh đã được hơn 100 suất. Mê Đê là vở kịch nước ngoài kén khán giả hơn, đến nay diễn cũng được hơn 30 suất. Trên tinh thần được làm nghệ thuật, được nối dài những suất diễn, êkip đã kiên trì thực hiện mục tiêu này trong vài năm, không cần lời họ cũng chấp nhận lên đường.
Riêng vở kịch Yêu là thoát tội lấy cảm hứng từ vụ án Lệ Chi viên nổi tiếng là một trường hợp đặc biệt. Được dàn dựng trên một sân khấu quay với những thiết kế, trang trí sân khấu khá đặc biệt, vở khó có thể mang đi lưu diễn mà chỉ có thể phục vụ tại nhà hát. Vì vậy, mục tiêu 100 suất diễn khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi êkip tìm được lối ra là phục vụ cho các em học sinh phổ thông trung học tại TP.HCM. Việc đạt 100 suất diễn đến nay là... chuyện nhỏ!
Từ vài trường ban đầu e dè đến xem, Yêu là thoát tội mới ra mắt năm 2018 đến nay đã phục vụ được hơn 90 suất. Có ngày vở phải diễn liên tục 4 suất.
NSND Hoàng Yến cười nói: "Sau 10 năm đầu tư cho các vở diễn, đến nay phải nói tôi thật sự sung sướng vì không phải đem tiền nhà ra để bù lỗ. Thật ra, mình cũng tìm mọi cách quảng bá các vở diễn nhưng vẫn có những cái khó riêng.
Nhà hát không có chỗ để bán vé, toàn phải bán trên mạng; sân khấu của trường cho đơn vị tư nhân thuê nên mình cũng không có được những ngày diễn cuối tuần cố định. Mừng là anh em chúng tôi luôn nỗ lực để mọi tác phẩm đều có chất lượng nghệ thuật".
Kịch về những vụ án nổi tiếng trong lịch sử
Từ thành công của Yêu là thoát tội, nhà hát Thế giới trẻ nghĩ đến việc làm một loạt kịch Yêu là thoát tội 1, 2, 3, 4, 5... được viết từ những vụ án nổi tiếng trong lịch sử.
Thế nên sau Yêu là thoát tội 1, nhà hát vừa tung ra Vụ án cậu trời (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Lê Hay, cố vấn: NSND Trần Ngọc Giàu) được xem như Yêu là thoát tội 2. Vở có sự góp mặt của các diễn viên: Hoàng Yến, Xuân Hồng, Phương Minh, Sĩ Hoàng, Trọng Hiếu, Quốc Việt, Tố Loan... Đây là vở diễn lịch sử về câu chuyện xử án Đặng Mậu Lân, em trai tuyên phi Đặng Thị Huệ. Cậy thế chị được chúa Trịnh Sâm sủng ái, Lân ngạo mạn coi trời bằng vung, gây ra những tội lỗi tày trời...
Yêu là thoát tội 1, 2 đều là kịch bản của tác giả Lê Chí Trung với những lời thoại sắc sảo, được chăm chút, bản dựng nào cũng được cố vấn - NSND Trần Ngọc Giàu trau chuốt, xử lý để tạo nên những mảng miếng hấp dẫn, khiến những câu chuyện lịch sử không hề khô khan.
Khi xem những vở diễn này, học sinh biết thêm về những câu chuyện, những nhân vật lịch sử VN, khơi gợi cho các em niềm hứng thú tìm hiểu thêm lịch sử nước nhà. Không dừng lại ở đó, diễn kịch cho khán giả lứa tuổi này cũng là cách để "chiêu dụ" một lớp khán giả tương lai cho sân khấu kịch.
Hoàng Yến tâm sự diễn kịch cho học sinh đôi khi hơi đuối vì phải diễn dồn do né dịp hè, dịp thi. Tuy nhiên, nghệ sĩ ai nấy đều hứng thú khi diễn cho các em, bởi đoạn nào thích các em cười và vỗ tay rất to, thậm chí khi xúc động, tiếng khóc của các em nghe cũng rõ mồn một.
Để có những khởi đầu thuận lợi này, những người làm sân khấu rất cảm kích những thầy cô, đặc biệt là những giáo viên dạy văn. Phải yêu kịch nói, có tấm lòng với học sinh, các trường mới tổ chức những buổi xem kịch như thế.
Khó tìm kịch bản lịch sử ưng ý
Sự thành công của Yêu là thoát tội 1 cũng trở thành áp lực với nhà hát. Hoàng Yến trăn trở: "Tìm được kịch bản lịch sử ưng ý thật sự khó. Mà tìm được rồi, lại tiếp tục đau đầu chọn cách dựng sao cho hấp dẫn, không lặp lại mảng miếng cũ. Vì chúng tôi không chỉ muốn cung cấp kiến thức lịch sử cho các em mà còn muốn giáo dục cảm xúc, tính nhân văn. Hành trình hoàn thành ít nhất 5 kịch bản lịch sử sắp tới để phục vụ khán giả - học sinh là mục tiêu không hề đơn giản".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận