Bắt đầu từ tháng 1-2024, khối BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) chính thức xác nhận sự tham gia mở rộng của bốn thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
"Vòng xoáy lợi ích" của BRICS mở rộng
Sức hấp dẫn của BRICS mở rộng không chỉ đến từ quy mô kinh tế hiện chiếm đến 37,3% GDP toàn cầu và thị trường nội khối rộng mở đến 46% dân số thế giới, mà còn bắt nguồn từ ba nhóm mục tiêu đặc thù mà khối này đang nỗ lực xác lập nhằm tạo nên một lựa chọn "dành riêng" cho các quốc gia Nam Bán cầu.
Đầu tiên là nhóm mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây nổi lên như một "vòng xoáy lợi ích" thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các quốc gia vốn đang thi hành chiến lược "phòng bị nước đôi". Đây là cách tiếp cận đang ngày càng có ảnh hưởng lớn ở các quốc gia Nam Bán cầu, nhằm tận dụng lợi thế khác biệt của cả hai khối tập hợp lực lượng đối trọng với nhau là Mỹ - châu Âu và trục Nga - Trung.
Trong đó, mặc dù sáng kiến thiết lập đồng tiền chung của khối BRICS (dự án R5) như kêu gọi của Tổng thống Brazil Lula da Silva vào tháng 8-2023 hiện có nhiều dấu hiệu đình trệ, nhưng quá trình thay thế đồng USD bằng nỗ lực thiết lập hệ thống thanh toán song phương "BRICS Pay" dùng đồng nội tệ mỗi nước vẫn đảm bảo mục tiêu "phi Mỹ hóa" về tài chính của cả khối.
Tiếp theo, khối BRICS tạo được cảm giác "hòa hợp" khi có mục tiêu hướng đến một thể chế hợp tác chấp nhận sự đa dạng về bản sắc, thậm chí không phân biệt sự khác nhau trong lựa chọn tập hợp lực lượng của các thành viên.
Cụ thể, mặc dù nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của trục Nga - Trung nhưng khối BRICS vẫn mở rộng tư cách thành viên với các nước hiện đang tham gia những quỹ đạo ảnh hưởng chiến lược của Mỹ như Ấn Độ và UAE (thành viên của tứ giác I2U2 thiết lập vào tháng 7-2022).
Sự tham gia của các quốc gia thuộc thế giới Hồi giáo như Ai Cập, Iran và UAE vào BRICS+ lại càng khiến sức hấp dẫn của BRICS thêm khác biệt. Cũng chính nhóm mục tiêu "chấp thuận sự đa dạng" này đã dẫn đến quyết tâm tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ như một lựa chọn thay thế cho việc gia nhập ngày càng khó khăn của nước này vào Liên minh châu Âu (EU) do sự khác biệt bản sắc.
Cuối cùng và cũng là mục tiêu dài hạn của BRICS, đó là định hướng xây dựng các "câu lạc bộ" về nguyên - nhiên liệu chiến lược, trong đó tập hợp các quốc gia có ảnh hưởng trong các lĩnh vực an ninh khoáng sản, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.
Điển hình nhất là sự hiện diện trong BRICS+ của các thành viên quan trọng thuộc tổ chức OPEC+ bao gồm Nga, UAE, Iran và sắp tới là Venezuela.
Cùng với đó còn là sự tập hợp tiềm năng từ tháng 12-2023 của các nước có trữ lượng kim loại quý vượt trội như Chile (chiếm 74% sản lượng coban toàn cầu), Cộng hòa Dân chủ Congo (nhà sản xuất đồng và lithium lớn), bên cạnh các thành viên hiện tại là Cộng hòa Nam Phi (quốc gia có trữ lượng mangan lớn nhất thế giới) và lợi thế đất hiếm - kim loại quý đặc thù của trục Nga - Trung Quốc.
Tiềm ẩn hỗn loạn
Mặc dù BRICS tạo nên sức hút đáng kể đối với các quốc gia Nam Bán cầu, nhưng cũng chính ba "vòng xoáy lợi ích" nói trên lại gián tiếp định hình dư luận quan ngại về khả năng khối này sẽ "hạ bệ" sự lãnh đạo toàn cầu của trục Mỹ - EU.
Đây có thể chính là lý do khiến một số nước như Argentina (đại diện tiếp theo của châu Mỹ - Latin ngoài Brazil), Indonesia (quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới) và mới đây nhất là Saudi Arabia (quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới) phải cân nhắc lại lựa chọn gia nhập BRICS+.
Ngoài ra, ảnh hưởng vượt trội của Trung Quốc khi cung cấp đến 40% trong Thỏa thuận dự trữ dự phòng trị giá 100 tỉ USD, nhiều hơn gấp đôi định mức của bất kỳ quốc gia BRICS nào khác trong khuôn khổ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), cũng khiến cho sự thống nhất tài chính nội khối xuất hiện nhiều nhân tố bất ổn.
Đồng thời, trong lĩnh vực an ninh, nhóm công tác chống khủng bố trong khuôn khổ BRICS đang dần được tích hợp vào "vành đai an ninh" của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - Tổ chức Hợp tác an ninh tập thể (CSTO) - Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Các tổ chức này đều thuộc quỹ đạo ảnh hưởng tuyệt đối của Nga kể từ tháng 9-2023, đi ngược với xu hướng "không liên kết" truyền thống của các quốc gia Nam Bán cầu.
Bài toán cân bằng ảnh hưởng
Các "vòng xoáy lợi ích" của BRICS trên thực tế vừa là nguyên nhân giúp hội tụ được một lượng lớn các quốc gia đang phát triển tham gia cơ chế mở rộng của khối này, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa đến sự phát triển ổn định của các nước Nam Bán cầu khi kiến tạo xu hướng "phân tách" về nguyên - nhiên liệu ngày càng dứt khoát với các nước phát triển.
Vì vậy, làn sóng ủng hộ BRICS+ sẽ sớm có những bước triển khai mang tính "nước đôi" nhằm giữ cân bằng ảnh hưởng giữa cả hai quỹ đạo của trục Nga - Trung và Mỹ - châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận