04/10/2015 06:00 GMT+7

Xót xa bệnh viện nhi quá tải

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN – MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN – MAI NGUYỄN

TTO - Những hình ảnh trẻ nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang, thậm chí là nằm cạnh nhà vệ sinh tại các bệnh viện trong những ngày này đã làm nhiều người xót xa.

Bệnh nhi nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Mai Nguyễn

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện đã dẫn đến việc trẻ không có chỗ nằm, bất đắc dĩ, người nhà đành tìm tạm một chỗ nào đó để cho trẻ nằm lại và điều trị.

Chen chúc nhau nằm hành lang

Nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), mẹ của bé Lê Phan Hồng Anh (Long An) cho biết: “Nằm ngoài này dơ dáy quá, buổi tối thì lạnh nhưng cũng phải chịu thôi chứ sao. Phòng bên trong vừa đông vừa chật lại nóng bức, bé không ngủ được, quấy khóc”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân cũng phải trải chiếu cho con nằm ngoài hành lang bệnh viện gần một tuần nay.

“Phòng bên trong đông lắm, một giường tới 2, 3 bé lận chịu sao nổi. Nằm ngoài mưa gió dơ bẩn gì cũng phải chịu thôi”, chị Hân chia sẻ.

Cùng chịu chung cảnh cho con nằm ngoài hành lang, chị Đặng Thị Thúy (Đắk Lắk) và chị Kim Hương (Đồng Tháp) cảm thán: “Nằm ngoài này chỉ có tấm chiếu mua ngoài căngtin để lót thôi. Nhiều người có ý thức còn đỡ, nhiều người đi ngang đạp vào chiếu cũng phải chịu”.

Một phụ huynh cho biết đã điều trị cho bé ở tuyến bệnh viện tỉnh nhưng không hiệu quả nên phải “chạy lên đây cho yên tâm”.

Có cùng suy nghĩ này, chị Lưu Thị Bích Tâm (Tây Ninh) cho rằng: “Ai ở tỉnh cũng muốn lên đây khám cho yên tâm. Tâm lý ai cũng nghĩ bệnh viện tuyến trên là tốt nhất, bác sĩ cũng giỏi hơn, thuốc cũng tốt hơn”.

Mùa dịch

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong hai tuần trở lại đây, số lượng trẻ đến khám và nhập viện có chiều hướng gia tăng. Các bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng và gần đây còn có tiêu chảy cấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Những lời khuyên từ bác sĩ là phụ huynh nên cho trẻ ngủ màn, mặc quần, áo dài dù là ban ngày, giữ gìn vệ sinh và cho trẻ rửa tay hằng ngày, cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Bên cạnh đó cần hạn chế sự thay đổi đột ngột từ phòng máy lạnh ra trời nóng và ngược lại. Nếu phát hiện trẻ bị tay chân miệng thì nên cách ly để tránh lây lan cho những trẻ khác.

Theo nhận định của các bác sĩ, tình trạng quá tải là do các dịch bệnh đều tăng cùng thời điểm. Thêm nữa, đây là thời điểm trẻ vừa nhập học nên sẽ có hiện tượng lây từ trẻ này sang trẻ khác. Một yếu tố khác phải kể đến là sự thất thường của thời tiết cũng làm trẻ dễ mắc bệnh hơn.

“Thời điểm này là đỉnh dịch tay chân miệng (tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hằng năm), bệnh sốt xuất huyết cũng tăng do đang là mùa mưa. Nhiệt độ trong ngày thay đổi do thời tiết cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Vì các bé đang đi học nên tỉ lệ lây lan các bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm cũng tăng lên”, bác sĩ Trần Ngọc Lưu nói.

Hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đã nói như vậy tại buổi làm việc với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. 

Theo một bác sĩ nhi thì việc quá tải của các bệnh viện tuyến trên một phần là do tâm lý của các ông bố, bà mẹ.

“Phụ huynh thường muốn có sự chăm sóc tốt nhất cho con em mình nên thường đưa thẳng trẻ đến các bệnh viện tuyến trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện này. Trong khi đó các bệnh viện ở quận, huyện thì số giường bệnh lại không đạt”, vị bác sĩ này cho biết.

Bác sĩ này cho biết thêm có ngày anh phải khám đến 90 bệnh nhi trong vòng buổi sáng mà vẫn còn bệnh nhi ngồi chờ. 

ThS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay đa số các ca có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố mà không cần lên bệnh viện trung ương điều trị, gây quá tải cho bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết cục sẽ chỉ đạo các bệnh viện trong cả nước thực hiện nghiêm công tác chuyển viện. Để giảm tình trạng quá tải, cục chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết Dengue (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2) tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được phân công.

Theo ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, tình trạng mưa nhiều như hiện nay tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản, do đó số lượng bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết tăng lên. Ông Kính cho rằng nếu vẫn thực hiện tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết từ cộng đồng, từ mỗi gia đình, hủy chỗ đẻ của muỗi thì số lượng bệnh nhân sẽ giảm ngay lập tức.

“Làm tốt hơn nữa công tác dự phòng sẽ phần nào giúp giảm bớt sự quá tải”, trao đổi với TTO, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã nói như vậy.

“Nói như vậy không có nghĩa là hiện nay làm chưa tốt và nếu làm tốt nhất rồi thì sẽ không có ca mắc bệnh. Theo logic thì giảm số mắc sẽ giảm số nhập viện nhưng y tế dự phòng cũng chỉ là một trong những yếu tố trong một bài giải cần sự tổng thể”, chuyên gia này nhận định.

9g sáng ngày 3-10 trên TTO: Giao lưu trực tuyến về dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang vào giai đoạn đỉnh dịch của năm 2015, với rất nhiều thay đổi so với các mùa dịch trước. Dịch bùng phát tại nhiều TP lớn ở miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, đồng thời gia tăng mạnh tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam, miền Trung. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết cho đến thời điểm này là khoảng 40.000 ca, trong đó có 25 ca tử vong.

Không phải là căn bệnh lạ, nhưng sốt xuất huyết khá dai dẳng gây những tác hại không nhỏ đến sức khỏe và đời sống người dân.

Phòng chống sốt xuất huyết như thế nào là hiệu quả, đặc biệt là ở đô thị? Những ổ chứa sốt xuất huyết mới là những vật dụng thường gặp trong các gia đình đô thị như bình hoa, bình trồng cây thủy sinh... thì chống dịch như thế nào?

Dấu hiệu nào đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết? Vì sao người trưởng thành mắc sốt xuất huyết lại gia tăng mạnh trong 5 năm gần đây...

Mời bạn đọc đặt câu hỏi TẠI ĐÂY cho các khách mời tham gia buổi giao lưu trực tuyến:

1. Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

2. Ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 

3. Ông Nguyễn Đức Khoa, phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng

4. Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.

LAN ANH

Hai bố con phải ra khoảng trống khu vực cầu thang bệnh viện để nằm điều trị bệnh vì các giường bệnh đều quá tải - Ảnh: Hữu Khoa

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhi và thân nhân nằm ngồi chật cứng

Bệnh nhi và thân nhân tràn ra nằm khắp hành lang ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Thuận Thắng
Dùng tạm thùng cactông để che chắn cho con - Ảnh: Mai Nguyễn
Dù có biển cấm nhưng vì không có chỗ nên nhiều người vẫn phải trải chiếu nằm ở khu vực xe chuyển bệnh cấp cứu - Ảnh: Mai Nguyễn

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Phụ huynh

>> Ông Nguyễn Văn Kính

>> Bác sĩ Trần Ngọc Lưu

 

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN – MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên