Bà Nguyễn Thị Kim - Ảnh: Ái Nhân |
Bà Kim là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ kiện và là đại diện ủy quyền cho ba người con của bà.
Bà Kim kể: Năm 2013, anh chồng tôi đến văn phòng công chứng Đất Việt công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do cha mẹ chồng tôi để lại là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại phường 12, quận Gò Vấp.
Theo đó, các đồng thừa kế đồng ý tặng cho toàn bộ di sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất trên cho tôi và các con nhỏ.
Tuy nhiên đến năm 2014, bất ngờ bà Lư Bảo Nghiệp xưng là con riêng của chồng tôi khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn, yêu cầu tuyên bố văn bản phân chia di sản năm 2013 vô hiệu do bỏ sót người thừa kế. Tòa án thụ lý và phân công thẩm phán Bùi Tô Đông Đức giải quyết.
Tháng 7-2015, vụ án được xét xử, thẩm phán Đức làm chủ tọa đã tuyên hủy văn bản công chứng. Không đồng ý nên tôi kháng cáo. Ngày 20-7, tôi đã nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo tại Chi cục Thi hành án huyện Hóc Môn và đưa biên lai trên cho tòa Hóc Môn.
Tuy nhiên sau đó thẩm phán Đức rồi thư ký gọi điện thoại nhiều lần kêu tôi lên tòa làm việc liên quan đến hồ sơ vụ án tranh chấp. Tôi nghĩ đã xử sơ thẩm xong rồi còn gì để làm việc và cũng do bận công việc nên tôi không đến.
Thêm vào đó từ khi xét xử đến nay đã hơn ba tháng nhưng tôi vẫn chưa nhận được bản án sơ thẩm.
Bất ngờ sau đó tôi nhận được giấy triệu tập số 615/GTT do thẩm phán Huỳnh Thạch Vũ ký ngày 12-10 có nội dung: “Tòa triệu tập vào lúc 8h00 ngày 03-11-2015 đến TAND huyện Hóc Môn để giải quyết vụ án “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu văn bản công chứng vô hiệu”, gặp thẩm phán Đức phòng số 07”.
Ngày 3-11, tôi không đến tòa như triệu tập thì cán bộ tòa có đến tận nhà tôi gặp mẹ tôi thông báo yêu cầu tôi lên tòa.
Tòa xử sơ thẩm xong rồi, thủ tục kháng cáo tôi cũng làm xong, tòa còn có quyền hạn triệu tập tôi hay không?
Mà lạ nữa là giấy triệu tập do thẩm phán Vũ, không phải là lãnh đạo TAND huyện Hóc Môn, cũng không phải thẩm phán từng thụ lý vụ án của tôi, ký nhưng lại mời tôi lên gặp thẩm phán Đức để giải quyết... Quá kỳ lạ.
* Thẩm phán Huỳnh Thạch Vũ (phó chánh án TAND H.Hóc Môn): Triệu tập theo yêu cầu của TAND TP.HCM Thẩm phán Huỳnh Thạch Vũ - phó chánh án TAND H.Hóc Môn - đã cung cấp văn bản trả lời cho báo Tuổi Trẻ và cho đương sự - bà Nguyễn Thị Kim. Theo công văn do chánh án TAND H.Hóc Môn Huỳnh Ngọc Quyên ký thì lý do tòa triệu tập bà Kim sau khi đã xong thủ tục kháng cáo là do cần làm rõ tư cách, yêu cầu kháng cáo theo yêu cầu của TAND TP.HCM. Bởi lẽ bà Kim vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vừa là đại diện cho ba người con của bà. Tuy nhiên sau khi triệu tập, bà Kim không đến thì hồ sơ vụ án đã được chuyển lại TAND TP.HCM xử lý theo thủ tục phúc thẩm. |
“Sai quy trình tố tụng” Luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn luật sư TP.HCM - khẳng định việc triệu tập đương sự như trường hợp này là sai quy trình tố tụng và bất thường. Theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, sau khi xử sơ thẩm xong nếu có đơn kháng cáo thì tòa cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ lên cấp trên để giải quyết theo trình tự phúc thẩm và cấp sơ thẩm chấm dứt thẩm quyền. Ngoài ra, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án thì tòa phải giao hoặc gửi bản án cho đương sự. Đối chiếu quy định, trường hợp này rõ ràng vụ án đã xử xong, đương sự cũng đã thực hiện xong thủ tục kháng cáo. Như thế thẩm quyền của tòa sơ thẩm đã chấm dứt. Nếu có phát sinh khiếu nại của đương sự thì tòa sơ thẩm có thể mời đương sự lên để đối thoại, giải quyết, nhưng đó phải là cấp lãnh đạo tòa sơ thẩm mời và ký đóng dấu (nếu gửi giấy triệu tập). Vì không còn thẩm quyền gì trong giải quyết vụ án, nên việc thẩm phán tòa sơ thẩm không phải là lãnh đạo tòa gửi giấy triệu tập cho đương sự để lên làm việc với thẩm phán đã giải quyết vụ án như trên là vi phạm quy định tố tụng và bất thường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận