18/10/2015 09:15 GMT+7

Trả tiền mua xe hơi, xe mua không được, mòn mỏi đi đòi

GIA MINH ghi (giaminh@tuoitre.com.vn)
GIA MINH ghi (giaminh@tuoitre.com.vn)

TT - “Tôi ký hợp đồng, trả tiền mua xe của Công ty Saigon Ford. Tiền mua xe của tôi bị nhân viên công ty này chiếm đoạt. Từ đó tới nay tôi mỏi mòn chạy hết cơ quan này tới cơ quan khác để đòi tiền”.

Chị Lil kể lại nỗi bức xúc của mình - Ảnh: G.Minh
Chị Lil kể lại nỗi bức xúc của mình - Ảnh: G.Minh

Chị Nguyễn Thị Lil, ngụ P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM, kể: Ngày 6-2-2015, tôi tới Công ty Saigon Ford tại đường Cao Thắng, Q.10 dự định mua chiếc xe Ford Fiesta.

Tại đây, tôi gặp anh Trương Văn Tấn Đạt, nhân viên của công ty, đứng ra đại diện giao dịch, làm các thủ tục có liên quan tới việc mua bán xe giữa hai bên.

Mòn mỏi đi đòi

Sau khi ký kết hợp đồng, anh Đạt đã đại diện công ty thu nhận của tôi tổng cộng 591 triệu đồng, Theo thỏa thuận, ngày 11-2-2015 phía Công ty Saigon Ford sẽ phải giao xe cho tôi thì anh Đạt thông báo chưa có xe giao theo hẹn, đề nghị tôi chờ.

Tôi không đồng ý, đề nghị anh Đạt và công ty trả lại tiền cho tôi thì anh này lần lữa không trả, tìm cách kéo dài thời gian.

Ngày 13-2, tôi gặp lãnh đạo công ty thì bất ngờ nhận thông tin là số tiền của tôi đã bị anh Đạt chiếm đoạt sử dụng vào mục đích riêng mà không nộp tiền vào công ty theo quy định.

Tuy nhiên trong các phiếu thu, biên nhận, phiếu đề xuất trả lại tiền mua xe, phiếu hẹn thì hoặc có chữ ký, con dấu xác nhận của bộ phận kế toán, của lãnh đạo công ty (giám đốc kinh doanh), điều này khiến tôi rất bức xúc và đề nghị phía Công ty Saigon Ford phải có trách nhiệm với hành vi của anh Đạt, do anh Đạt là người đại diện cho công ty giao dịch chứ không nhân danh cá nhân anh Đạt giao dịch với tôi.

Phía Công ty Saigon Ford cũng thể hiện thiện chí của họ, đưa anh Đạt tới trụ sở công an phường - nơi công ty đặt trụ sở - để trình báo và đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 14-3, gia đình anh Đạt đã nộp 70 triệu đồng tại Công an P.3, Q.3 để khắc phục hậu quả.

Sau đó, Công ty Saigon Ford có văn bản thông báo cho tôi biết gia đình anh Đạt và Công ty Saigon Ford đã nộp đủ số tiền anh Đạt chiếm đoạt trước đó cho Công an Q.3 để xử lý theo quy định của pháp luật. Số tiền này được Công an Q.3 lập biên bản tạm giữ là 521 triệu đồng.

Ít lâu sau, tôi được cán bộ điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.3 mời lên lấy lời khai và lập hồ sơ.

Tôi đề nghị họ trả cho tôi số tiền đã nộp để mua xe khác di chuyển, vì tôi đang mang thai, việc đi lại bằng xe máy là vô cùng nguy hiểm. Vậy nhưng họ không trả lời tôi cụ thể có trả hay không và lý do vì sao.

Chờ đợi quá lâu không nhận được tiền, tôi có đơn gửi thanh tra Công an TP.HCM và trưởng Công an Q.3 đề nghị trả lại tài sản cho tôi theo quy định pháp luật.

Ngày 24-3-2015, Công an Q.3 có văn bản thông báo đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thụ lý điều tra theo thẩm quyền (hồ sơ chuyển tới Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC45).

Ngày 21-5, tôi tới gặp các cán bộ điều tra phụ trách vụ việc của tôi để hỏi thông tin và nộp đơn trực tiếp để xin nhận lại tài sản bị chiếm đoạt. Tôi có trình bày số tiền trên tôi mượn của bạn bè để mua xe, lúc đó đã tới hạn trả nên đề nghị trả cho tôi để tôi trả lại cho họ.

Tôi tìm hiểu thì được biết theo quy định pháp luật, trường hợp của tôi rất rõ ràng. Hồ sơ, tài liệu chứng cứ đều đã có đầy đủ. Tài sản bị chiếm đoạt là tiền nên không cần thiết phải giám định, thẩm định gì hết nên có thể trả lại tài sản cho người bị hại.

Tôi cũng đề nghị nếu không trả lại tài sản cho tôi thì cho tôi biết lý do vì sao để tôi giải thích với bạn bè và người thân - những người cho tôi vay tiền. Vậy nhưng từ đó tới nay tôi không nhận được bất kỳ câu trả lời hay văn bản nào về việc trả lại tiền cho tôi hay không trả và lý do vì sao.

Khó hiểu!

Theo luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, trường hợp của chị Lil là rất khó hiểu. Theo trình bày thì trường hợp này không có gì khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng.

Hồ sơ, tài liệu, lời khai và các bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội của Đạt là rất rõ ràng, vật chứng là tiền bị chiếm đoạt không có khả năng gây ảnh hưởng gì tới quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Do đó, trường hợp của chị Lil đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố được quy định tại điểm b, khoản 2, điều 76, Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, luật quy định: “Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu...”.

Hiện đang là giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trả lại tài sản cho người bị hại. Quy định rõ ràng như vậy, nếu người có trách nhiệm không thực hiện thì tất nhiên phải đặt câu hỏi về mục đích phía sau.

Chị Lil có thể làm đơn gửi tới thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra và viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để đề nghị xử lý việc này.

Phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại, gặp trực tiếp lãnh đạo PC45, Công an TP.HCM để trao đổi về vụ việc của chị Lil nhưng đều bị từ chối trả lời.

GIA MINH ghi (giaminh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên