05/12/2016 10:38 GMT+7

Xóa quan hệ thân hữu

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội vừa gọi điện cho người viết để hỏi cách mua vé xem bóng đá trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Indonesia diễn ra ngày 7-12.

Anh này không quan tâm gì đến bóng đá nhưng vì có mấy ông anh làm ở một sở của Hà Nội nói thích xem nhưng chưa có vé.

Do đó, cách duy nhất để chắc chắn có được vé là phải mua ở ngoài chợ đen dù có đắt gấp 3-4 lần mức niêm yết. Theo anh bạn này, vì làm ăn nên phải “quan hệ”.

Đó chỉ là một trong vô vàn những cách mà không ít doanh nhân sử dụng để tạo mối quan hệ thân quen trong làm ăn với một bộ phận cán bộ công chức.

Và đây cũng chính là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính”, tại Đại hội toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam diễn ra cuối tuần qua.

TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cũng cho rằng các mối quan hệ thân hữu ở Việt Nam rất nặng nề, thể hiện qua cơ chế “xin - cho” giữa khu vực nhà nước với khối tư nhân.

Đây là sân sau nhằm phục vụ lợi ích riêng cho một ai đó, một nhóm nào đó nên họ cố giữ bằng được. Chính vì vậy, có không ít những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát.

Nói cách khác, quan hệ thân hữu tràn lan đã và đang làm môi trường kinh doanh méo mó, sai lệch và thiếu minh bạch.

Thủ tướng đã điểm trúng huyệt căn bệnh đã di căn từ bao năm nay. Nhưng chữa căn bệnh này như thế nào? Theo TS Trần Đình Thiên, một cơ chế thông thoáng, xóa bỏ tình trạng “xin - cho” và phải có một chính quyền thật sự liêm chính, xã hội nghiêm minh và đảm bảo công khai, minh bạch.

Như Báo cáo Việt Nam năm 2035 khuyến cáo các cơ quan nhà nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quy định kinh tế sẽ không được tham gia bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích.

Nhà nước sẽ chuyển đổi vai trò từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng khuôn khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng.

Nhà nước không những phải giảm số lượng và đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước mà phải tăng cường quản trị những doanh nghiệp nhà nước còn lại, chấm dứt ưu đãi cho họ cũng như các doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

Để đạt được mục tiêu xóa bỏ quan hệ thân hữu thì cộng đồng doanh nghiệp, hay người dân không thể làm được mà phải cả hệ thống cùng nỗ lực, trong đó trước tiên và quyết liệt nhất phải là các cơ quan nhà nước.

Khi xây dựng bất kỳ chính sách nào, nếu các cán bộ công chức đều vì lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân và sự phát triển chung của xã hội thì chắc chắn thiết chế, chính sách bị thương mại hóa sẽ giảm, quan hệ thân hữu cũng sẽ dần được xóa bỏ.

Không xóa được quan hệ thân hữu, không chỉ làm nền kinh tế trì trệ mà hệ thống chính trị, cấu trúc quyền lực cũng bị suy yếu. Do đó, phải bắt đầu từ hệ thống quyền lực để xử lý.

“Hệ thống quyền lực, hệ thống chính trị, xã hội nghiêm minh, minh bạch, công khai... mới xóa bỏ được dần quan hệ thân hữu” như nhận định của TS Trần Đình Thiên.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên