17/03/2022 19:48 GMT+7

Xin cấp đất mở trường THPT, dạy vài năm xong đóng cửa trường rồi đem… cho thuê

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Nguyên hiệu trưởng ngôi trường đang là một thành viên cổ đông sáng lập cho biết hiện đang rất bận, không thể làm việc cụ thể và cho rằng sự việc rất bé, đề nghị báo chí không nên quan tâm rồi... cúp máy.

Xin cấp đất mở trường THPT, dạy vài năm xong đóng cửa trường rồi đem… cho thuê - Ảnh 1.

Trường THPT Trần Nhân Tông đóng trên địa bàn phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng không còn hoạt động đào tạo từ nhiều năm nay - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trường THPT Trần Nhân Tông tại quận Dương Kinh, TP Hải Phòng sau khi xây dựng đi vào hoạt động được thời gian ngắn thì bất ngờ đóng cửa, sau đó để cho doanh nghiệp khác không liên quan đến giáo dục thuê hoạt động trái quy định.

Nhiều người dân trên địa bàn phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh phản ánh về việc ban giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông dù đóng cửa trường nhiều năm, không còn tuyển sinh nhưng không bàn giao đất lại cho thành phố quản lý mà tự ý cho Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng thuê để làm nơi làm việc, trục lợi từ chính sách.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Trường THPT Trần Nhân Tông vừa là cơ sở giáo dục bậc THPT vừa đào tạo nghề được thành lập từ năm 2005, có trụ sở tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh với một dãy phòng học 3 tầng nằm sát đường 353.

Thời điểm năm 2011, khi dự án đường cao tốc chạy qua, toàn bộ dãy phòng học nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Sau khi nhận tiền bồi thường, ban lãnh đạo tổ chức xây dựng trường mới tại phần đất còn lại là khoảng 14.000m2.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong dãy phòng học 2 tầng mới, trường lại không tổ chức tuyển sinh, những học sinh đang theo học cấp III tại đây được giới thiệu sang trường khác để tiếp tục chương trình học phổ thông.

Xin cấp đất mở trường THPT, dạy vài năm xong đóng cửa trường rồi đem… cho thuê - Ảnh 2.

Hiện nay cơ sở vật chất của trường đang được Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng thuê với giá 100 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm VAT - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo ông Mai Văn Thụy - chủ tịch UBND phường Hòa Nghĩa - năm 2004, theo quyết định của UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Kiến Thụy đã thu hồi hơn 2ha đất của nhiều hộ dân để bàn giao mặt bằng cho một tổ chức tư nhân thực hiện dự án xây dựng Trường THPT Trần Nhân Tông.

Trường sau khi xây dựng xong, hoạt động tuyển sinh, đào tạo được khoảng 4 - 5 năm thì bất ngờ đóng cửa không rõ lý do. Hiện tại, toàn bộ cơ sở hạ tầng, trường lớp đang được Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng sử dụng làm trụ sở điều hành.

Theo UBND quận Dương Kinh, ngày 24-1-2011, UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi 12.064m2 đất thuộc dự án Trường THPT Trần Nhân Tông để bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn Vidifi xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khi đó, đơn vị trường học được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 9,85 tỉ đồng tiền xây dựng cơ sở vật chất, đối với diện tích đất bị thu hồi thì không được bồi thường do đây là đất được Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất.

Xin cấp đất mở trường THPT, dạy vài năm xong đóng cửa trường rồi đem… cho thuê - Ảnh 3.

Phòng học của trường bỏ không nhiều năm nay - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trao đổi qua điện thoại trước thông tin nhà trường cho thuê trụ sở trái quy định, có dấu hiệu thu lợi bất chính, ông Nguyễn Trọng Khôi - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, đang là một thành viên cổ đông sáng lập - cho biết hiện đang rất bận không thể làm việc cụ thể và cho rằng sự việc rất bé, đề nghị báo chí không nên quan tâm, rồi cúp máy.

Theo đại diện Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng, nhà trường cho đơn vị thuê với giá 100 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm 10% thuế VAT, thời điểm thuê bắt đầu từ năm 2017.

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP Hải Phòng, Trường THPT Trần Nhân Tông là trường dân lập thuộc sự quản lý của sở. Trước đó, đơn vị này cũng đã kiểm tra, xác định trường này không hoạt động nhiều năm nay và cơ sở vật chất cũng chưa đảm bảo cho công tác đào tạo nên đề nghị tiến hành quy trình giải thể nhưng hội đồng trường sau đó có đơn trình bày xin hoạt động trở lại.

"Sở đã có hướng dẫn, yêu cầu hội đồng trường đến ngày 15-4-2022 phải báo cáo cụ thể tình hình và hoàn thiện các thủ tục hoạt động theo quy định. Sau thời gian này, nếu trường vẫn không đảm bảo các điều kiện để đào tạo thì sẽ báo cáo thành phố, thực hiện quy trình giải thể" - đại diện Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng cho hay.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online liên quan hoạt động của Trường THPT Trần Nhân Tông, ông Phạm Văn Thuấn - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Hải Phòng - cho biết sẽ giao thanh tra sở phối hợp cùng cơ quan chuyên môn kiểm tra hồ sơ sử dụng đất đối với nhà trường và lập hồ sơ báo cáo UBND TP Hải Phòng.

Kiểm soát chặt chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trục lợi chính sách Kiểm soát chặt chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trục lợi chính sách

TTO - Tại phiên thảo luận sáng 10-1, ý kiến của nhiều đại biểu và giải trình của thành viên Chính phủ đều thống nhất việc cho nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại cần kiểm soát chặt để ngăn trục lợi chính sách.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên