Bị cáo Luyện Xuân Tràng tại tòa - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tràng được xem là nhân vật "trùm cuối", không có chức vụ nào tại công ty nhưng chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện.
Tràng đã ra đầu thú sau khoảng 3 năm bỏ trốn.
Đây là phiên tòa xét xử giai đoạn 2 của vụ án buôn lậu xăng dầu nghìn tỉ này. Trước đó, phiên tòa từng bị hoãn nhiều lần.
Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 9-2015, Tràng thỏa thuận nhận chuyển nhượng 80% cổ phần Công ty Dương Đông Hòa Phú, với giá 430 tỉ đồng.
Tràng bàn bạc với Nguyễn Đức Mạnh về việc cùng mua 80% cổ phần trên. Trong đó, Mạnh có 30%, làm tổng giám đốc, trực tiếp vào Bình Thuận điều hành hoạt động công ty, 50% cổ phần còn lại là của Tràng.
Mạnh còn được bầu là chủ tịch hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tràng giao cho Mạnh chỉ đạo, điều hành và quyết định việc tiêu thụ xăng dầu trong nước. Việc nhập khẩu xăng, dầu từ nước ngoài về do Tràng quan hệ, thỏa thuận với bên bán hàng.
Tràng thỏa thuận mua số lượng hàng lớn nhưng chỉ khai hải quan số lượng nhỏ nên trong hợp đồng mua bán chỉ ghi một phần số lượng hàng thực tế nhập khẩu.
Số lượng thực tế nhập khẩu được chia thành 2 vận đơn, trong đó 1 vận đơn có số lượng phù hợp với số lượng ghi trong hợp đồng mua bán, dùng để khai báo hải quan, vận đơn còn lại là số lượng hàng nhập lậu.
Việc thanh toán tiền mua hàng cho bên bán được thực hiện bằng 2 cách. Trong đó lượng hàng khai báo hải quan thanh toán tại ngân hàng, lượng hàng nhập lậu thanh toán bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của người làm dịch vụ chuyển tiền và phải trả hết tiền hàng nhập lậu trước khi tàu chở hàng đến.
Theo cách thức này, từ ngày 14-10-2015 đến 29-1-2016, Tràng đã thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Mạnh nhập lậu 12 chuyến xăng dầu với số lượng: 53.163,359 tấn xăng A92, 53.268,206 tấn dầu DO 0,05%S, tổng trị giá hơn 2.000 tỉ đồng.
Sau khi nhập lậu xăng dầu về Việt Nam, Tràng đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ bán cho nhiều doanh nghiệp có trụ sở ở nhiều tỉnh thành như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, TP.HCM, Hà Nội…
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: ĐỨC TRONG
Cùng bị đưa ra xét xử lần này còn có 8 bị can khác cùng về hành vi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 19-8.
Liên quan đến vụ án, trước đó, vào tháng 12-2018, TAND tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 bị cáo về tội "buôn lậu", 2 bị cáo về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", 1 bị cáo về tội "nhận hối lộ", 3 bị cáo về tội "đưa hối lộ", 1 bị cáo về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận