Ngày 23-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) cùng các đơn vị có liên quan.
Bà Trần Tuyết Mai, chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty Hải Hà, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Thấy gì trong bức tranh tài chính kinh doanh của Hải Hà Petro?
Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hải Hà Petro được thành lập từ năm 2003, vốn điều lệ 454 tỉ đồng. Bà Trần Tuyết Mai (sinh năm 1961) là chủ tịch hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật công ty.
Về cơ cấu cổ đông, bà Mai góp 69% vốn Hải Hà Petro. Còn lại bà Trần Thị Thu Hằng và ông Trần Văn Chín lần lượt nắm giữ 21,3% và 9,7%.
Từng là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu rất lớn, song kết quả kinh doanh Hải Hà Petro gây bất ngờ khi: doanh thu tăng trưởng mạnh bao nhiêu thì lỗ lại ngày càng "khủng" bấy nhiêu.
Theo hồ sơ của Tuổi Trẻ Online, nếu năm 2017 doanh thu của Hải Hà Petro khoảng 10.800 tỉ đồng thì đến năm 2022 đã gấp gần 3 lần, đạt 30.060 tỉ đồng (hơn 1,2 tỉ USD).
Đi ngược với tăng trưởng doanh thu, số lỗ của doanh nghiệp này tăng dần theo thời gian. Năm 2017, Hải Hà Petro vẫn báo lãi sau thuế hơn 250 tỉ đồng, thì tới năm 2022 doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 2.500 tỉ đồng.
Sau 4 năm báo lỗ đều đặn, Hải Hà Petro "ôm" khoản lỗ lũy kế lên tới 4.576 tỉ đồng thời điểm cuối năm 2022.
Lợi nhuận âm kéo dài, doanh nghiệp xăng dầu này âm vốn chủ sở hữu 4.122 tỉ đồng.
Một điểm đáng lưu ý khác khi nhìn vào bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này, là nợ đã vượt quá tài sản.
Tổng tài sản cuối năm 2022 của Hải Hà Petro đạt hơn 13.000 tỉ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 17.142 tỉ đồng.
Chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn, với 16.874 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, doanh nghiệp ghi nhận khoản thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 1.375 tỉ đồng.
Còn vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.133 tỉ đồng. Riêng mục các khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới hơn 8.900 tỉ đồng.
Nếu gộp cả vay và nợ thuế tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn, con số ghi nhận là 2.400 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng và các nhà cung cấp cho Hải Hà Petro có thể sẽ thấy như "ngồi trên đống lửa".
Vì sao càng làm lớn càng lỗ khủng?
Khó trả lời chi tiết cho câu hỏi trên. Nhưng nếu dựa vào báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của Hải Hà Petro, có thể thấy doanh nghiệp này nhiều năm kinh doanh dưới hoặc xấp xỉ giá vốn.
Như năm 2022, doanh thu doanh nghiệp đạt 30.060 tỉ đồng thì giá vốn hàng bán lại lên tới 31.033 tỉ đồng. Bởi vậy, lợi nhuận gộp âm 973 tỉ đồng.
Chưa kể gánh nặng chi phí tài chính ngày càng lớn. Đến cuối năm 2022, mục này ghi nhận 523 tỉ đồng, gấp gần 2,7 lần so với năm trước.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Hải Hà Petro cũng tăng mạnh, từ 220 tỉ đồng năm 2021 lên tới 1.030 tỉ đồng trong năm liền sau.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, doanh nghiệp này cũng từng "ôm" khá nhiều các lô trái phiếu doanh nghiệp. Từ 2021 - 2023, Hải Hà Petro từng sử dụng loạt lô trái phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở nhiều ngân hàng.
Hôm 12-1, Bộ Công Thương cũng đã có quyết định về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu với Hải Hà Petro. Công ty này bị xác định là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu có hàng loạt vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan này chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với một số vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Trong đó có hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, việc sử dụng quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Công ty Hải Hà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận