02/08/2017 08:58 GMT+7

Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Ngành nào lên ngôi?

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - 17h ngày 1-8, các trường ĐH trong cả nước đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh. Từ điểm chuẩn này, có thể thấy được “vị thế” của các ngành trong xu hướng chọn ngành năm nay của thí sinh.

PGS.TS Trần Lê Quan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN - Ảnh: THANH ĐẠM
PGS.TS Trần Lê Quan (trái) - Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHTN - Ảnh: THANH ĐẠM

Năm nay không bị giới hạn nguyện vọng, thí sinh dựa vào mức điểm của mình và chỉ chọn vào những ngành mong muốn ở các trường khác nhau dẫn đến những ngành “nóng” điểm chuẩn tăng cao. Trong khi đó, những ngành khó tuyển thí sinh không chọn nên điểm chuẩn thấp, thậm chí giảm so với năm trước.

PGS.TS Trần Lê Quan (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM)

Những ngành “hot” như công an, quân đội, y dược, ngoại thương, bách khoa... vẫn là lựa chọn của thí sinh có điểm cao.

Công an, quân đội: kỷ lục mới!

Những năm gần đây, các trường công an, quân đội đều ở nhóm trường có điểm chuẩn cao nhất. Mức điểm chuẩn của các trường này đã tạo ra kỷ lục mới cho mùa tuyển sinh năm nay.

Theo đó, mức điểm chuẩn cao nhất ở các trường quân đội lên đến 30 điểm dành cho: thí sinh nữ miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật quân sự; thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp A00) và thí sinh nữ miền Bắc (tổ hợp B00) đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y.

Ở nhóm trường công an, điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển theo tổ hợp A00 vào ĐH Phòng cháy chữa cháy lên đến 30,25 điểm. Tuy nhiên, không phải thí sinh cứ đạt mức điểm này (sau khi đã cộng điểm ưu tiên) là trúng tuyển.

Do số thí sinh bằng mức điểm chuẩn này cao hơn so với chỉ tiêu còn lại, trường xác định: thí sinh ngoài việc đạt tổng điểm xét tuyển là 30,25 còn phải đạt tiêu chí phụ là “điểm khi chưa làm tròn phải đạt từ 28,35 điểm trở lên”.

Thậm chí, “đỉnh” hơn nữa, thí sinh nữ xét tuyển ngành ngôn ngữ Anh vào Học viện An ninh nhân dân theo tổ hợp D01 (toán, văn, tiếng Anh) chỉ trúng tuyển khi đạt... 30,5 điểm trở lên.

Y dược: điểm cao nhất từ trước đến nay

Ở các trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe, các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, dược học năm nay đều có mức điểm chuẩn rất cao.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngành y đa khoa có mức điểm cao kỷ lục 29,25 điểm. Ngành răng hàm mặt là 29 điểm. Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngành bác sĩ đa khoa có điểm chuẩn cũng 29,25. Đây là các mốc điểm cao nhất từ trước đến nay của ngành này.

Tại Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm chuẩn của y đa khoa là 28,25 điểm. Trong khi đó, năm nay là năm đầu tiên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh cả nước. Mức điểm chuẩn các ngành tăng mạnh so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn cao nhất trường này là răng hàm mặt với 27,25 điểm (tăng 4 điểm so với năm 2016). Ngành y đa khoa 27 điểm (tăng 4,25 điểm), ngành dược học 26,75 điểm.

Điểm chuẩn một số ngành các trường vừa công bố - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Điểm chuẩn một số ngành các trường vừa công bố - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Khoa học xã hội: ấn tượng Đông phương học!

Trong nhóm ngành khoa học xã hội, năm nay chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ngành Đông phương học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) với 28,5 điểm. Đây là mức điểm cao nhất trong hệ thống đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Còn tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành báo chí cùng ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay 27,25 điểm (khối C00). Điểm khối D01, D14 của hai ngành này là 25,5 điểm. Đây là hai trong số các ngành luôn có điểm cao của trường ở những năm trước nhưng mức điểm chuẩn năm nay còn cao hơn.

Ngoại thương: lần đầu chạm mốc 28,25

Hầu hết các trường, học viện trong khối kinh tế năm nay đều có điểm chuẩn tăng mạnh.

Trường ĐH Ngoại thương cũng nằm trong số trường có điểm chuẩn cao bất ngờ khi lần đầu tiên chạm mốc 28,25. So sánh giữa hai năm ngay trong nhóm ngành thường có mức điểm chuẩn cao nhất của trường này là kinh tế, kinh tế quốc tế, luật cũng có độ chênh khoảng 2-3 điểm.

Tương tự, ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, những ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là kế toán, kinh tế quốc tế với 27 điểm - tăng khoảng 1,5 điểm so với năm trước.

Tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là kinh tế đối ngoại với 27,25 điểm - cũng là điểm trúng tuyển cao nhất khối kinh tế. Khối kinh doanh quản lý là ngành kinh doanh quốc tế với 27 điểm và khối luật là ngành luật thương mại quốc tế với 26 điểm.

TS Lê Tuấn Lộc - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “So với năm 2016, điểm chuẩn tất cả các ngành của trường năm nay đều tăng từ 1,5 - 2 điểm. Cách xét tuyển năm nay đã phân hóa rõ ràng thí sinh, theo đó các trường tốp trên điểm sẽ tăng cao là điều tất yếu”.

Còn điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM từ 21,5 - 25,75 điểm.

Công nghệ thông tin: “hot” nhất khối kỹ thuật

Khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên năm nay chứng kiến sự tăng vọt điểm chuẩn các ngành “nóng”: công nghệ thông tin - khoa học máy tính, công nghệ kỹ thuật ôtô, kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thực phẩm.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), tất cả các ngành còn lại (hệ đại trà) đều tăng từ 0,5 - 3,5 điểm so với năm 2016. Điểm trúng tuyển cao nhất là 28 điểm thuộc nhóm ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính (tăng 2,5 điểm so với năm 2016).

Ngành công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lập kỷ lục với 28,25 điểm.

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin với 26 điểm (tăng 3 điểm so với năm 2016).

Dầu khí trở lại

Đáng chú ý, ngành địa chất - dầu khí Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dần lấy lại phong độ với điểm chuẩn 23,5 điểm, là ngành có điểm tăng nhiều nhất (3,5 điểm).

TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo - nhận định: “Ngành địa chất - dầu khí năm 2015 điểm chuẩn 24. Năm 2016 có thể do khó khăn của ngành dầu khí nên thí sinh ít quan tâm tới ngành này và điểm chuẩn giảm còn 20. Tuy nhiên năm nay ngành này lại tăng đến 3,5 điểm. Có thể do thí sinh thấy điểm ngành này năm ngoái thấp và cũng có thể dự báo trong vài năm nữa ngành này sẽ phục hồi nên thí sinh lại đăng ký nhiều”.

Thí sinh, phụ huynh đến nhận giấy báo trúng tuyển tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngày 1-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh, phụ huynh đến nhận giấy báo trúng tuyển tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngày 1-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thay đổi xu hướng chọn ngành

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, so sánh điểm chuẩn năm 2016 và năm nay của trường này có thể thấy hầu hết các ngành công nghệ kỹ thuật của trường đều tăng từ 0,5 - 2,5 điểm với mức điểm nhiều ngành trên 20. Trong khi đó, các ngành kinh tế (tài chính ngân hàng, marketing, kế toán - kiểm toán, kinh doanh quốc tế...) đều giảm từ 0,5 - 3,5 điểm với 17 - 19 điểm.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh - phó hiệu trưởng nhà trường - nhận định: “Điểm chuẩn của trường năm nay cho thấy sự thay đổi trong xu hướng chọn ngành của thí sinh. Trước thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực thị trường lao động ở khối kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin sẽ rất lớn nên số thí sinh chọn những ngành này nhiều hơn dẫn đến điểm chuẩn tăng. Ngược lại các ngành kinh tế không còn hút thí sinh như các năm trước nữa nên điểm giảm”.

17.000 thí sinh được tuyển thẳng

Theo đánh giá tổng quan của Bộ GD-ĐT, sau đợt 1 đã có tới 170 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Chỉ còn lại gần 60 trường tuyển dưới 50% chỉ tiêu trong đợt 1.

Đặc biệt, năm 2017, ngoài xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, đã có hơn 17.000 thí sinh trúng tuyển thẳng, trúng tuyển trước từ việc kết hợp với phương thức xét học bạ hoặc đánh giá năng lực.

TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên