Phóng to |
Ông Trần Văn Truyền - Ảnh: V.Dũng |
Ông Truyền nói:
- Từ năm 2005-2010, đã có tới 15 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Vinashin, trong đó có cả kiểm toán quốc tế. Có những kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện yếu kém của Vinashin như thanh tra tài chính phát hiện Vinashin khó khăn về vốn, thanh tra Bộ Kế hoạch - đầu tư phát hiện đầu tư dàn trải và đã có kiến nghị nhiều...
Tuy nhiên, hiện có sơ hở là chúng ta có thanh tra, kiểm tra nhưng đơn vị không thực hiện thì cũng không có cơ chế phúc tra, kiểm tra xem họ đã thực hiện kết luận thanh tra thế nào. Một phần nữa còn do họ báo cáo gian dối để lấp liếm. Cảnh báo lỗ nhưng Vinashin cố tình báo lãi nên chúng ta chưa phát hiện kịp thời.
* Nếu thanh tra sớm Vinashin thì hậu quả sẽ bớt nghiêm trọng? Thanh tra Chính phủ có thấy trách nhiệm trong việc này không?
- Nói không có thanh tra thì không phải, như tôi nói từ năm 2005 đã có 15 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán... Thật ra Thanh tra Chính phủ đã đề xuất thanh tra toàn diện Vinashin tới hai lần vì thấy ở đây có nhiều vấn đề.
Nhưng đáng tiếc là có khủng hoảng kinh tế thế giới nên lãnh đạo trung ương và Chính phủ đều cho rằng nên giảm bớt áp lực thanh tra để đơn vị giảm khó khăn kinh tế, cũng để tránh chồng chéo, doanh nghiệp kêu thanh tra dày đặc. Nên năm nay thanh tra thì thôi kiểm toán hoặc ngược lại. Đó không phải buông lỏng mà cơ chế có vấn đề. Sắp tới phải có phân công rõ để ngăn chặn từ đầu, giảm thiệt hại.
Ngoài ra, đúng là cơ chế thanh tra, giám sát hiện có vấn đề. Nhiều cơ quan cùng vào nhưng không quy định anh nào làm toàn diện, anh nào làm chuyên ngành. Nên thanh tra tài chính vào chỉ làm về vốn, thanh tra kế hoạch - đầu tư kiểm tra về đầu tư.
Thanh tra Chính phủ vào có thể làm toàn diện nhưng chúng tôi cũng có thể chỉ làm một lĩnh vực có dấu hiệu sai phạm nhất. Song phải nói ngay cả khi có thanh tra toàn diện ngay từ đầu, phát hiện các sai phạm, nhưng lãnh đạo Vinashin vẫn cố tình làm sai, bao biện thì hậu quả như ngày nay cũng khó tránh khỏi.
* Thưa ông, kết luận nhưng Vinashin không thực hiện, vậy trách nhiệm đôn đốc của các bộ ngành ở đâu?
- Hiện cơ chế bảo đảm đối tượng thanh tra chấp hành nghiêm kết luận đúng là chưa có. Thủ tướng kết luận rồi họ không làm cũng không sao. Do không có phúc tra, họ chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra thì cũng không làm gì được. Nên nhiều khi sai phạm cứ kéo dài, lặp đi lặp lại.
* Thanh tra Chính phủ khi thanh tra Vinashin có xem trách nhiệm các cơ quan liên quan, kể cả Chính phủ không?
- Đương nhiên khi thanh tra toàn diện một đơn vị, chúng tôi luôn xem xét trách nhiệm của cơ quan cấp trên, cơ quan được giao trách nhiệm quản lý họ, kể cả cơ quan đã vào thanh tra Vinashin nhưng không phát hiện hoặc không có biện pháp, kiến nghị. Xem xét trách nhiệm là để tăng trách nhiệm và tìm ra cơ chế siết chặt trách nhiệm.
Mục đích tìm ra không phải bắt lỗi rồi chia sẻ lỗi chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Nếu có dấu hiệu làm trái, thiếu trách nhiệm thì Thanh tra Chính phủ vẫn kiến nghị xử lý các cơ quan thuộc thẩm quyền điều hành của Chính phủ như các bộ ngành, UBND các tỉnh thành...
Những việc vượt thẩm quyền thì Thanh tra Chính phủ vẫn có trách nhiệm báo cáo.
* Ông nghĩ sao khi thanh tra, kiểm tra rất nhiều nhưng kết luận thanh tra lại không được giám sát, thực hiện?
- Thanh tra giám sát hiện nay dày đặc, nhưng thanh tra không được tham gia quá trình kiểm soát từ đầu. Giá như được tham gia quá trình đấu thầu, triển khai thực hiện các dự án thì chúng tôi có thể có nhiều ý kiến. Hướng sửa Luật thanh tra có yêu cầu địa phương báo cáo, thanh tra có quyền tham gia từ đầu, góp phần ngăn chặn. Chứ để làm rồi, có dự án 5-10 năm sau mới phát hiện thì khắc phục rất khó. Đáng tiếc cơ chế chúng ta mới giám sát bề ngoài chứ chưa giám sát được từ bên trong. Lâu lâu yêu cầu một báo cáo, nhưng họ báo cáo không trung thực cũng không làm gì được vì ta không có cơ chế thẩm tra.
* Khi thanh tra Vinashin, Thanh tra Chính phủ có chịu sức ép không?
- Không có sức ép, tác động nào. Vừa qua điều chỉnh kế hoạch thanh tra là theo yêu cầu Chính phủ. Nói chung việc thanh tra Vinashin hiện nay suôn sẻ, tích cực. Dù có chậm nhưng vẫn triển khai được nhiều nội dung. Chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề để có thể đánh giá thực tế Vinashin và cả cách quản lý các tập đoàn, tổng công ty.
Vinashin đã phá sản nhưng “không tuyên bố” Đó là bình luận của TS Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ủy viên Ủy ban Kinh tế - khi trò chuyện với báo chí: “Chúng ta tiến hành tái cơ cấu Vinashin thì về mặt khoa học kinh tế coi như Nhà nước đã chấp nhận cho Vinashin phá sản, chỉ có vấn đề là mình tuyên bố hay không tuyên bố phá sản mà thôi”. TS Kiên phân tích: “Nếu tuyên bố phá sản thì không ai chịu trách nhiệm hoàn toàn về lỗ của doanh nghiệp ấy nữa cũng như bất cứ phát sinh nào khác. Nhưng ở đây tiến hành cho Vinashin phá sản theo một hình thức đặc thù của VN. Nghĩa là phá sản nhưng người lao động không bị đẩy ra ngoài, phá sản nhưng các khoản nợ của Vinashin với các ngân hàng vẫn được bảo đảm và Nhà nước chịu trách nhiệm để đảm bảo. Xét về lý thuyết kinh tế thị trường thì phá sản là sự tàn phá sáng tạo, phá cái cũ để tạo ra cái mới phù hợp với quy luật kinh tế ở thời điểm đó, thì hiện nay mình đang làm”. TS Kiên cho rằng để tình trạng Vinashin đến mức như vậy, Quốc hội cũng có lỗi một phần và từng đại biểu Quốc hội phải thấy trách nhiệm của mình trong câu chuyện của Vinashin. “Trong báo cáo giám sát việc quản lý vốn của tập đoàn năm 2009, chúng tôi đề nghị phải tiến hành cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và xây dựng Luật quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết không làm” - ông Kiên nói. Ông Huỳnh Ngọc Đáng (phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương): Có sự nuông chiều từ Chính phủ Khi đọc báo cáo của Chính phủ về Vinashin, tôi thấy không hài lòng. Đặc biệt, ba nguyên nhân Chính phủ nêu về việc suy sụp là không thỏa đáng. Sai phạm của Vinashin rõ, nhưng “con hư tại mẹ”! Có sự nuông chiều, dễ dãi của các bộ ngành và Chính phủ. Nếu không, làm sao trong thí điểm, chỉ bốn năm trời mà Vinashin có thể vay và nợ tới 86.000 tỉ đồng? Từng có những cảnh báo từ chuyên gia, từ Quốc hội để đến năm 2010 mới xử lý. “Con hư” xử con nhưng cũng phải xem lại “mẹ”, không nên chỉ quy hết trách nhiệm cho lãnh đạo Vinashin. Việc lãnh đạo Vinashin không đề xuất thuê tổng giám đốc, để chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, bí thư đảng ủy... không chỉ lỗi ở Vinashin mà việc kiêm nhiệm đó phải được đồng ý chứ? Tại sao khi bổ nhiệm chủ tịch không bổ nhiệm luôn một tổng giám đốc khác? Tóm lại, để xảy ra vụ việc Vinashin, theo tôi, người dân vẫn đang bị nợ hơn một lời xin lỗi. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Sẽ thay đổi nhân sự lãnh đạo VinashinKhi Vinashin làm... xe máyBắt 4 cán bộ cao cấp của VinashinBắt nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh BìnhTròng trành Vinashin
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận