02/10/2018 09:21 GMT+7

Xem xét mua lại dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Liên tục mấy ngày qua, người dân và tài xế thường xuyên qua lại cầu sông Cái Nhỏ nối liền hai xã Mỹ Long và Bình Thạnh của huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) phản đối dự án BOT này.

Xem xét mua lại dự án BOT cầu sông Cái Nhỏ - Ảnh 1.

Người dân không đồng tình việc tiếp tục thu phí cầu sông Cái Nhỏ - Ảnh: N.TÀI

Trước tình hình phức tạp, công an huyện đã tạm giữ hình sự 5 đối tượng có biểu hiện gây rối trật tự công cộng. 

Chiều 1-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã tổ chức cuộc họp nắm lại tình hình và tính phương án giải quyết.

Dự án cầu sông Cái Nhỏ kết hợp hạ tầng tuyến dân cư vào cầu khởi công năm 2005, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 12-2009 với tổng kinh phí quyết toán là 34 tỉ đồng. 

Nhà đầu tư là Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo.

Phí qua cầu giữ ổn định từ năm 2005 đến nay với mức xe máy 2.000 đồng/lượt, cao nhất là xe trên 30 chỗ 25.000 đồng/lượt. Riêng vé tháng có sự điều chỉnh cùng lúc với hàng loạt cầu, phà trên địa bàn tỉnh, tức bằng 30 lần phí mỗi lượt.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán độc lập mới nhất trình bày tại cuộc họp ngày 1-10, tổng số tiền thu phí qua cầu từ năm 2009 - 2018 gần 33 tỉ đồng, tiền bán nền nhà tuyến dân cư khoảng 42 tỉ đồng, tức tổng thu từ dự án đạt khoảng 75 tỉ đồng. 

Trừ các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp (8 tỉ đồng), quản lý thu phí (7 tỉ đồng) tính đến năm 2018, dự án đã lãi (trước chiết khấu) là 26 tỉ đồng.

"Nút thắt" của dự án hiện tại là thời điểm tháng 8-2015, Công ty TNHH BOT Cơ sở hạ tầng Đồng Tháp cổ phần hóa, Công ty cổ phần Thu phí cầu đường Đồng Tháp mua lại 76% cổ phần. Doanh nghiệp mới này nắm quyền khai thác cầu đến thời điểm chấm dứt thu phí. 

Trong khi đó thời điểm bán và mua cổ phần các nền tuyến dân cư cơ bản đã bán xong, lợi nhuận chính cũng đã vào túi nhà đầu tư ban đầu.

Tại cuộc họp chiều 1-10, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Dương nhận định rằng tổng thu từ dự án đã hơn 70 tỉ đồng mà nhà đầu tư vẫn tiếp tục kéo dài thời gian thu phí cầu là bất hợp lý và gia tăng gánh nặng lên người dân. 

Ngoài ra, ông Dương cũng chỉ ra rằng chỉ một đoạn đường vài kilômet từ cầu sông Cái Nhỏ đến phà Sa Đéc có 2 điểm thu phí cầu và phà là rất nặng cho dân.

Do đó, ông Dương chỉ đạo UBND huyện Cao Lãnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - đầu tư xúc tiến làm việc, đàm phán với nhà đầu tư cũ và mới trên cơ sở phân tích lợi nhuận các bên đã đạt được, cơ sở pháp lý hợp đồng đã ký kết để mua lại trạm BOT với giá hợp lý nhất. 

"Phải làm sao hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và quyền lợi của người dân" - ông Dương phân tích.

Phương án của UBND tỉnh là chi ngân sách mua lại trạm BOT và xem xét tăng phí qua phà Sa Đéc nhưng không tăng đột ngột mà kéo dài thời gian thu hồi.

Cần xem lại cách chiết khấu dòng tiền

Theo kết quả kiểm toán độc lập mới nhất, thời điểm hoàn vốn dự án là tháng 8-2019, giảm một năm so với kết quả kiểm toán trước đó do UBND huyện Cao Lãnh công bố (do một đơn vị kiểm toán khác thực hiện).

Tại cuộc họp, các sở ngành cũng đã chỉ ra rằng phương pháp chiết khấu dòng tiền của đơn vị kiểm toán mới này cần được xem xét lại vì làm nâng số tiền phải hoàn vốn lên gần 28 tỉ đồng và đồng thời chủ đầu tư còn được thu thêm 5 năm.

Xử lý dứt điểm vướng mắc hệ thống trạm thu phí BOT Xử lý dứt điểm vướng mắc hệ thống trạm thu phí BOT

TTO - Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống trạm thu phí BOT giao thông và sớm xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập, vướng mắc trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên