21/08/2020 09:16 GMT+7

Xe cơm rong của vợ chồng câm điếc

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TTO - Đó là xe cơm cháy "im lặng nhất thế gian" bên con đường ăn vặt Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chủ quán là đôi vợ chồng câm điếc, chỉ có thể "múa dấu" giao tiếp với khách nhưng ai cũng thương...

Xe cơm rong của vợ chồng câm điếc - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Sơn tần tảo mưu sinh bằng chảo cơm cháy - Ảnh: Kmon

Xe cơm có một tấm bảng hiệu độc, lạ "Hôm nay trời thật đẹp" khiến nhiều người tìm đến không chỉ vì cơm cháy ngon mà còn bởi thích thú.

Hôm nay trời thật đẹp...

Trong nhịp mưu sinh khó khăn thời Covid-19, những người lao động tự do như vợ chồng chủ quán "Hôm nay trời thật đẹp" ở đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã mang đến câu chuyện ấm áp và cái nhìn tích cực giữa những âu lo mùa dịch.

Chiều muộn, trời sụt sùi mưa vì áp thấp nhiệt đới. Nhưng ở một góc phố nhộn nhịp trên đường Vạn Kiếp, nơi được giới trẻ Sài thành xem như "thiên đường ăn vặt", có một hàng ăn vẫn nhộn nhịp khách ra vào và xếp hàng chờ. 

Đó là xe cơm cháy "Hôm nay trời thật đẹp". Chủ xe hàng ăn này cũng rất đặc biệt - cặp vợ chồng câm điếc, anh Lê Trường Sơn (45 tuổi) và chị Lê Mộng Thúy (39 tuổi). Họ đang tất bật đảo luôn tay hai chiếc chảo nhôm cho ra những mẻ cơm cháy vàng ươm, nức mũi.

Điểm đặc biệt ở xe cơm cháy này là khách và chủ quán chỉ có thể "chỉ trỏ" vào thực đơn hoặc viết tay trên mảnh giấy nhỏ. Cạnh bên những chiếc bàn nhựa là tấm bảng in chữ hoa: "Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe".

Anh Nguyễn Ngọc Phúc - chủ quán ăn đối diện tiệm cơm cháy, cũng là "bạn hàng" nhiều năm của vợ chồng anh Sơn. Gọi là bạn hàng vì ở khu ăn vặt này, ai cũng biết xe cơm cháy "Hôm nay trời thật đẹp" và mỗi người đều một tay giúp vợ chồng anh Sơn việc này việc kia. 

Như anh Phúc thì thường cho anh Sơn, chị Thúy lấy nước máy về xài. Còn anh Phan Thanh Nam, chủ số nhà 196 Vạn Kiếp, thì cho vợ chồng anh Sơn bán nhờ vỉa hè trước nhà, chỉ lấy chút tiền điện mỗi tháng thay vì cho thuê chỗ bán.

Anh Phúc chia sẻ: "Lúc trước vợ chồng họ bán ngay kế bên quán tôi. Nay có nhà đối diện cho đậu nhờ nên vợ chồng lại đẩy xe qua đó, mới đây họ nghĩ ra bán cơm cháy kho quẹt, thấy cũng đông hơn hồi xưa". 

Anh Nam, chủ nhà cho vợ chồng anh Sơn đậu xe bán, kể lại: "Lúc thấy hai vợ chồng đẩy xe tới lui tìm chỗ đậu bán cũng tội. 

Cả con đường này toàn bán hàng rong, nhưng ai nấy đều khỏe mạnh, chỉ có họ là câm điếc, lại có đàn con nhỏ nên tôi kêu qua trước nhà tôi mà đậu xe bán. Ngay cả tiệm sửa máy vi tính Gia Định kế bên cũng cho đậu nhờ bán lúc khách đông hay chiều tối. Nói chung, khu này mọi người hào sảng giúp đỡ họ lắm".

Anh Phúc hóm hỉnh nói thêm về tấm bảng hiệu của quán: "Quán này vui lắm, có lúc nguyên hội câm điếc tới ăn uống, múa tay loạn cả lên chả ai hiểu gì nhưng được cái rất... trật tự! Cả người phụ quán thi thoảng tới lúc khách đông cũng cùng hội câm điếc. Chủ quán thì vui vẻ lắm, ai nói gì cũng... cười xong chỉ vào giấy kêu viết ra hoặc múa tay, chẳng cự cãi ai bao giờ".

Xe cơm rong của vợ chồng câm điếc - Ảnh 2.

Chị Thúy vui vẻ “múa dấu” với con - Ảnh: LÊ VÂN

Hạnh phúc nối dài trên đường mưu sinh

Chị Lê Mộng Thúy vốn ở Đồng Nai, bị câm điếc từ nhỏ. Năm 21 tuổi, chị lên Sài Gòn cùng cha mẹ bán hàng rong ở khu chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh và ròng rã gần 20 năm nay vẫn ở trọ.

Lúc trước, chị Thúy từng có một người chồng khỏe mạnh bình thường nhưng không may mất sớm, để lại hai con nhỏ khi chị mới qua tuổi 30. 

"Chưa bao giờ nó nghĩ sẽ đi bước nữa nếu không gặp Sơn, vì mặc cảm nghèo khó lại thêm đơn thân, câm điếc nuôi hai đứa con. 

Rồi ông trời lại xe duyên khi nó gặp một người đồng cảnh ngộ nhưng rất mực yêu thương cả ba mẹ con. Thôi thì trời thương, rổ rá cạp lại chứ vợ chồng tôi tuổi già vẫn đau đáu lo cho ba mẹ con nó. Được cái mấy đứa con đều khôn lớn, nói và nghe bình thường" - bà Phạm Thị Hoa, mẹ chị Thúy, xúc động kể.

Tình cờ gặp anh Sơn trong một dịp giao lưu những người câm điếc, chị Thúy và anh đã về ở với nhau và có thêm hai con, một trai, một gái. Hiện cả gia đình anh Sơn thuê trọ ở một ngôi nhà nhỏ trong hẻm gần chỗ bán. "Ở trọ di động theo chỗ bán, đây là ngôi nhà thuê thứ năm trong suốt 9 năm cưới anh Sơn rồi" - chị Thúy viết trên mảnh giấy nhỏ chia sẻ.

Ngày trước, anh Sơn làm thợ hồ rồi phụ bán quán cho người ta. Sau này do con đi học nên anh về cùng vợ đẩy bán xe hàng rong để có thời gian đưa đón con. Đứa con gái thứ hai của họ được một người em gái anh Sơn ở Đồng Nai nuôi giùm, mỗi tháng anh chị gửi tiền về phụ thêm. Hai đứa con riêng của chị Thúy đang học cấp III, được ông bà ngoại phụ nuôi từ nhỏ. 

Anh chị vừa làm vừa phụ thêm để nuôi con tùy vào thu nhập mỗi tháng. "Đông con, trời thương, thôi mình cứ lạc quan chứ biết làm sao cô à. Được cái vợ chồng thương yêu nhau, tần tảo giúp nhau bán buôn. Chỉ mong trời thương nữa để tụi nó làm ăn nuôi con cái trưởng thành, tui rồi cũng già đi..." - bà Phạm Thị Hoa bộc bạch.

Xe cơm cháy "Hôm nay trời thật đẹp" mở bán từ 5h chiều tới 11h khuya. Ở góc phố này, anh Phúc, chủ tiệm mì xào đối diện, chẳng nề hà chuyện cạnh tranh với hai vợ chồng câm điếc ấy. 

Ngoài cho nước miễn phí, đôi khi anh còn xắn tay phụ anh Sơn sửa cái xe đẩy, cái bóng đèn hỏng. Mùa dịch, thấy anh Sơn chạy qua xin nước, anh Phúc vào nhà lấy cái khẩu trang đưa cho anh Sơn, ra dấu đeo vào.

Có lẽ nhiều người đang âu lo vì dịch Covid-19 trở lại nhưng ở góc phố này, tôi cảm nhận được những ngày ấm áp và hào sảng của người Sài Gòn vẫn tiếp nối. Như anh Phúc, đợt dịch lần 1 phải dẹp tiệm bánh mì chảo và chuyển sang bán cơm chiên, mì xào mới hai tháng nay. 

Chị Thuận, bán chè gần 30 năm ở Sài Gòn, cũng phải đẩy xe đi khắp nơi thay vì chỉ bán một chỗ trên đường Vạn Kiếp này để đắp đổi qua ngày. Vợ chồng anh Sơn cũng phải chế thêm món cơm cháy kho quẹt để thu hút khách...

Ai cũng nặng nỗi âu lo mưu sinh cơ cực, nhưng mỗi người đều tự tìm cách xoay xở để vượt qua thay vì than thở. Và "hôm nay trời thật đẹp, dù tôi không thể nói và nghe" của đôi vợ chồng câm điếc đã phần nào giúp vơi bớt những nhọc nhằn, âu lo...

anh chon 4 1(read-only)

Khách thích thú với tấm biển hiệu “Hôm nay trời thật đẹp” - Ảnh: LÊ VÂN

"Ghé quán cũng lâu rồi, cỡ 3-4 năm hơn, từ hồi quán chỉ bán bánh tráng nướng. Sau mùa Covid-19, vợ chồng chủ quán mới bán thêm món cơm cháy.

Tôi đến quán để cảm nhận sự lặng lẽ giữa phố thị đông đúc nhưng thật ấm áp bởi tấm bảng hiệu độc nhất vô nhị, mang nhiều thông điệp riêng với mỗi người từ câu chuyện của chính họ: "Hôm nay trời thật đẹp, nhưng tôi không thể nói và nghe..." - Hà Thanh, thực khách quen của quán, chia sẻ.

Hàng rong thêm lao đao vì dịch Hàng rong thêm lao đao vì dịch

TTO - Mặc dù ở đợt dịch thứ hai này các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ không thực hiện giãn cách xã hội nhưng thu nhập, đời sống của những người bán hàng rong bị ảnh hưởng thấy rõ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên