02/05/2018 16:48 GMT+7

Cô giáo câm điếc Đào Thị Hồng và hành trình yêu thương không lời

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - "Ông trời cho tôi sinh ra Hồng là muốn thử thách lòng kiên nhẫn của vợ chồng tôi và của con bé" - bà Nguyễn Thị Thanh nói về hành trình nâng bước con gái bị câm điếc bẩm sinh Đào Thị Hồng vươn lên trở thành cô giáo.

Hồng sinh động và lạc quan dù phải qua "phiên dịch" để kể câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ kí hiệu - Video: CHU HÀ LINH

Cuộc trò chuyện của hai mẹ con cô giáo Đào Thị Hồng với Tuổi Trẻ phải kéo dài hơn thường lệ, vì Hồng cần "phiên dịch" bằng ngôn ngữ ký hiệu và với cả những giọt nước mắt yêu thương.

Bản năng và trái tim người mẹ

* Nhiều bậc cha mẹ khi được thông báo con bị khuyết tật đã không muốn chấp nhận hoặc rất sốc. Có những cặp vợ chồng vì đau khổ, tuyệt vọng mà đổ lỗi cho nhau về vấn đề của con rồi gia đình ly tán... Nhưng có thể thấy bà là một người mẹ khác.

- Bà Nguyễn Thị Thanh: Tôi cũng rất sốc chứ. Làm gì có ai không sốc khi biết con mình không bình thường như bao đứa trẻ khác.

Hồi đó, năm 1991-1992, tôi phát hiện sự bất thường khi gọi từ phía sau thì cháu không có phản ứng gì. Là bác sĩ nên tôi hiểu ngay điều gì đang xảy ra.

Mang con đi khám, tôi vẫn hi vọng cháu chỉ nghe kém. Điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng hễ dành dụm được đồng nào tôi đều đi tìm mua máy trợ thính.

Mua hết loại này đến loại khác nhưng không có tiến triển nào. Và vợ chồng tôi phải chấp nhận một sự thật: con là người điếc.

* Vậy làm cách nào bà dạy dỗ con những kỹ năng tối thiểu khi không có ngôn ngữ để trao đổi?

- Tôi dùng ngôn ngữ cơ thể như nét mặt, thái độ, ánh mắt và ra hiệu bằng tay. Khi đó tôi không biết gì về ngôn ngữ ký hiệu, mà chỉ làm theo bản năng và trái tim của người mẹ với những việc rất tỉ mỉ như luyện cho con ăn, ngủ, chơi, vệ sinh theo giờ.

Dạy con cái gì làm được cái gì không, cái gì có thể chơi được, cái gì nguy hiểm và dạy con những việc đơn giản như tự xúc cơm ăn...

Cô giáo câm điếc Đào Thị Hồng và hành trình yêu thương không lời - Ảnh 2.

Chia sẻ câu chuyện của mình trong tọa đàm "Yêu thương con đúng cách", bà Nguyễn Thị Thanh đã không kềm được những giọt nước mắt khi kể về ngày đầu đưa con đến trường - Ảnh: LÊ KIÊN

* Có khi nào bà thấy mệt mỏi với quyết tâm đó không?

- Mệt mỏi thì có, nhưng quyết tâm thì không thay đổi. Vợ chồng tôi đề ra nguyên tắc thương con nhưng không nuông chiều, mà phải nghiêm và nghiêm khắc nhưng không dùng bạo lực với con.

Với những bố mẹ khác, con sai có thể tức giận, đánh mắng, nhưng chúng tôi thì không được. Có những việc nói mãi con chưa làm được nhưng phải nén cơn bực bội, vì nếu để nó bùng lên thì có thể con sẽ bị tổn thương.

Được cái là khả năng quan sát của Hồng từ bé đã rất tốt và làm gì cũng làm đến cùng mới thôi. Từ việc tập đi xe đạp đến tập bơi hay việc học sau này đều thế.

"Đường đua" của con

* Ngày đầu Hồng đi học thế nào?

- Đào Thị Hồng: Tôi cứ núp sau lưng mẹ và chỉ muốn về nhà. Mọi thứ đều lạ lẫm. Ở nơi tôi học có cả các anh chị lớn, họ nói chuyện với nhau bằng ký hiệu mà khi đó tôi không hiểu gì cả. Tôi chỉ lo mẹ bỏ mình lại nơi đó.

- Bà Nguyễn Thị Thanh: Để lại con ở trường là ám ảnh nặng nề nhất của tôi. Tôi gửi con đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật Việt Trì cách nhà 20km.

Hồi đó, những đứa trẻ câm điếc được đi học đúng tuổi rất hiếm. Nhưng tôi vẫn quyết cho con đi học với hi vọng sau này con có thể hiểu biết và hòa nhập được với cuộc sống.

Sau này, mỗi một lần con chuyển trường, thay đổi môi trường sống là lại một lần cân não của vợ chồng tôi. Lo âu không chỉ vì không có tiền cho con ăn học, mà vì nhiều điều khác nữa.

Cô giáo câm điếc Đào Thị Hồng và hành trình yêu thương không lời - Ảnh 3.

Cô giáo Đào Thị Hồng nói chuyện với học sinh bằng ngôn ngữ riêng - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Và giữa việc giữ con an toàn tuyệt đối bên mình và trao cho con cơ hội bước vào cuộc sống, bà đã lựa chọn cách thứ hai?

- Bà Nguyễn Thị Thanh: Mọi việc của con vợ chồng tôi đều quyết định, nhưng cũng rất sóng gió chứ không có lựa chọn nào là dễ dàng. Bù lại, Hồng rất ham học. Chính sự ham học và cố gắng không ngừng của con gái đã khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ.

Từ Việt Trì, tôi cho con xuống Hà Nội học ở trường bình thường. Rồi hết cấp II (THCS), theo nguyện vọng của Hồng, chúng tôi cho cháu vào Đồng Nai học cấp III (THPT) vì thời đó ở Đồng Nai mới có trường nhận học sinh điếc, rồi học lên cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm.

Tôi đã nghĩ con người ta muốn đủ thứ, con mình chỉ muốn đi học lẽ nào mình không cho con được điều ấy.

* Khi không học ở trung tâm trẻ câm điếc nữa, ở trường bình thường Hồng phải giao tiếp và học thế nào?

- Đào Thị Hồng: Học hết tiểu học, tôi có thể dùng ngôn ngữ ký hiệu nhưng cũng hạn chế. Hơn nữa, ở trường mới cô giáo và các bạn dùng ngôn ngữ thông thường nên tôi không thể sử dụng ký hiệu để giao tiếp và học tập.

Cách tôi học tập, nói chuyện với mọi người chỉ bằng cách duy nhất là viết chữ ra giấy.

Khi vào học cao đẳng, đại học, vốn từ ngữ nhiều lên, công nghệ thông tin phát triển nên tôi có thể lên mạng tìm đọc thông tin, tra cứu nghĩa của các từ ngữ. Còn hồi học phổ thông thì rất khó khăn mới hiểu được bài học.

Khi ở Đồng Nai, cuối tuần tôi bắt xe buýt đi TP.HCM để học về thiết kế đồ họa. Sau này, tôi học cách đi xe máy, biết cách quan sát để giữ an toàn cho mình khi ra đường. Tôi ít khi bi quan, mà luôn nghĩ việc gì rồi cũng sẽ làm được thôi, chỉ cần mình cố gắng.

Cô giáo câm điếc Đào Thị Hồng và hành trình yêu thương không lời - Ảnh 4.

Ngôn ngữ của cô giáo Hồng trên những ngón tay - Ảnh: CHU HÀ LỊNH

Khóc vì hạnh phúc

* Điều gì ở Hồng mang lại nhiều cảm xúc và bất ngờ nhất cho bà?

- Bà Nguyễn Thị Thanh: Đó là khi tôi nhìn thấy con gái dùng máy tính, rồi vào mạng Internet tìm thông tin. Có những thông tin tôi còn lạc hậu so với con. Hồng học thêm công nghệ thông tin và rất thích về đồ họa.

Sau này, chính Hồng còn tạo Facebook cho bố mẹ để giúp chúng tôi giao tiếp với thế giới trên mạng. Cũng có những thời điểm cảm xúc vỡ òa, nó xóa nhòa những vất vả, cực nhọc mà tôi đã trải qua.

Đó là khi con nhận bằng tốt nghiệp trường cao đẳng, tốt nghiệp đại học, khi con xuất hiện trong bộ váy cô dâu để về nhà chồng... Tôi không nói được gì, chỉ biết khóc vì hạnh phúc.

- Đào Thị Hồng: Còn tôi thì nhớ lần đầu tiên được dạy học. Cảm giác rất lạ. Trước đó, các học sinh chỉ học với các thầy cô bình thường nên khi biết cô giáo mới cũng là người điếc, các em ấy ngạc nhiên, vui sướng, hào hứng hẳn lên.

Cô giáo câm điếc Đào Thị Hồng và hành trình yêu thương không lời - Ảnh 5.

"Bọn trẻ đã ồ lên ngạc nhiên, vui sướng vì biết tôi cũng là môt người điếc, và tội lại chính là cô giáo của các em ấy" - Hồng diễn đạt bằng ngôn ngữ của mình - Ảnh: CHU HÀ LINH

* Công việc ở trường của Hồng bây giờ thế nào?

- Đào Thị Hồng: Tôi được nhận vào Trường PTCS Xã Đàn dạy ngôn ngữ ký hiệu. Ngoài ra, tôi làm trợ giảng cho giáo viên dạy môn tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Ngoài công việc được phân công, tôi luôn sẵn sàng làm "phiên dịch" cho các em học sinh điếc, như viết ra giấy những điều các em muốn nói với cha mẹ hay giúp phụ huynh trao đổi với bọn trẻ những việc người lớn mong muốn.

Thế cũng vui vì có thể giúp đỡ được những học sinh có cảnh ngộ như mình.

* Từng rất vất vả khi đi học, vậy bây giờ làm giáo viên, Hồng thấy cần phải giúp đỡ học sinh câm điếc như thế nào?

- Đào Thị Hồng: Nếu học thiếu giáo cụ trực quan thì học sinh sẽ rất khó hiểu, kể cả khi có giáo viên biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Vì thế, bài giảng cần hình ảnh sinh động để kết nối hình ảnh và nghĩa của từ ngữ.

Vì là người điếc và đã trải qua học tập trong điều kiện khó khăn, tôi rất mong giáo viên sẽ tìm được những cách để học sinh điếc dễ tiếp thu bài học hơn.

Tôi muốn truyền lại các em niềm say mê học tập và muốn các em hiểu rằng những người như chúng tôi vẫn có thể sống tốt và có ích.

ba-th-1-(1)-5(read-only)

Bà Nguyễn Thị Thanh với nét mặt tâm trạng khi nhớ lại chuyện cũ - Ảnh: CHU HÀ LINH

Người mẹ học

* Hồng có thể nói gì về mẹ, người đã dành cho mình tình yêu thương không lời suốt hành trình đã qua?

- Đào Thị Hồng: Một lần khi ở trường về nhà, tôi bất ngờ khi bắt gặp mẹ ngồi học ngôn ngữ ký hiệu trong một chương trình trên kênh VTV2.

Trước đó, mẹ con tôi vẫn giao tiếp được với nhau bằng cử chỉ, thái độ và chữ viết nhưng khi mẹ học ngôn ngữ của chúng tôi, tôi đã rất vui. Tôi biết mẹ đã học để có thể hiểu tôi hơn.

- Bà Nguyễn Thị Thanh: Lúc gửi con đến Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật Việt Trì, cứ được nghỉ là tôi lại đi thăm con, nhưng tới thăm mà chỉ dám đứng từ xa nhìn con.

Tôi xin cô giáo chủ nhiệm những bài học của con ở lớp để trong lúc xa con tôi cũng học. Khi con được về nhà vào cuối tuần, tôi mang bài ra học lại cùng con.

* Thầy Phạm Văn Hoan (hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, Hà Nội):

l1110357-5(read-only)

Thầy Phạm Văn Hoan - Ảnh: LÊ KIÊN

Tạo nên niềm tin

Trường PTCS Xã Đàn có Đào Thị Hồng và Phạm Anh Duy là hai giáo viên câm điếc từng hỗ trợ dạy học cho trường theo dự án IDEO.

Vì tính hiệu quả khi có giáo viên câm điếc hỗ trợ về ngôn ngữ ký hiệu để học sinh hiểu được kiến thức trong các bài học hơn nên sau khi dự án kết thúc, trường tiếp tục ký hợp đồng với hai thầy cô.

Khi biết Hồng đang vừa làm vừa tranh thủ học đại học trong hè, trường đã hỗ trợ bằng cách cho Hồng vay trước lương để đóng học phí.

Nghị lực của Hồng, Duy là điều khiến tất cả các thầy cô giáo của trường xúc động. Và chính các bạn ấy đã tạo nên niềm tin cho các bậc cha mẹ, động lực cho các em học sinh vượt lên khó khăn.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên