Vẻ mặt bàng hoàng của chị Qali Ibrahim, người bị mất chồng sau vụ tấn công đẫm máu. Hai anh chị vừa mới cưới cách đây 4 tháng. Chồng chị ra đi trong lúc chị đang mang thai 3 tháng - Ảnh: REUTERS
Ngày 29-12, một ngày sau vụ đánh bom đẫm máu ở Mogadishu của Somalia, một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới khu vực, chở theo 24 bác sĩ cùng các trang thiết bị y tế.
Theo Hãng tin Reuters, cho đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 90 người chết, bao gồm 2 người Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục sinh viên Somalia.
Quả bom dường như đã được gắn bên dưới một ôtô. Theo truyền thông địa phương, chiếc xe buýt chở nhiều sinh viên đi ngang qua đúng vào thời khắc quả bom được kích nổ.
Các bệnh viện của Somalia nhanh chóng bị quá tải và không có khả năng chữa trị cho những người bị thương, buộc lòng phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền Ankara.
10 người Somalia bị thương nặng, phần lớn là trẻ em, sẽ được đưa sang Ankara để điều trị trên chuyến bay cùng với 2 thi hài người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo (giữa) ra tận cửa máy bay tiễn một bệnh nhi bị thương nặng sang Thổ Nhĩ Kỳ điều trị - Ảnh: REUTERS
Kể từ sau nạn đói năm 2011 ở Somalia, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một quốc gia cung cấp viện trợ hàng đầu cho nước này với hi vọng có thể mở rộng ảnh hưởng ra khu vực vùng Sừng châu Phi.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, thủ đô Mogadishu thường xuyên là mục tiêu tấn công của phiến quân al-Shabab, một tổ chức có liên minh với khủng bố al-Qaeda.
Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo đã lên án vụ đánh bom, nhấn mạnh những kẻ tấn công là máu lạnh khi nhắm vào trẻ em vô tội, các bà mẹ và người cha, những người đang làm những công việc thường ngày.
Trong một tuyên bố ngày 28-12, người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric đã chuyển lời chia buồn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonia Guterres đến gia đình các nạn nhân, đồng thời hy vọng những người bị thương sớm bình phục.
Ông Guterres cũng nhấn mạnh những kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này phải bị đưa ra trước pháp luật để trừng trị, đồng thời nhắc lại cam kết hỗ trợ người dân và chính phủ Somalia trong việc theo đuổi hòa bình và phát triển.
Theo thống kê của Viện Hiraal của Somalia, đây là vụ đánh bom xe thứ 20 trong năm 2019 và là vụ đánh bom đẫm máu nhất trong vòng 2 năm qua tại nước này.
Vết máu vẫn còn hiện rõ trên một ôtô sau vụ tấn công - Ảnh: REUTERS
Một em bé bị thương sau vụ tấn công đang chờ ngày sang Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị đặc biệt - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận