Xác xe còn cháy sau vụ nổ bom xe ở gần khách sạn Nasa-Hablod chiều 28-10 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, vụ tiến chiếm tòa nhà và bắt giữ con tin vừa kết thúc vào sáng 29-10 sau 12 giờ đấu súng giữa lực lượng an ninh với 5 tay súng khủng bố thuộc nhóm phiến quân cực đoan Al-Shabab (có nghĩa Các tay súng thánh chiến trẻ tuổi).
Vụ tấn công xảy ra khi các nhà lãnh đạo đất nước chuẩn bị tham dự một hội nghị an ninh cấp cao ở Mogadishu dự kiến bắt đầu ngày 29-10. Chúng tấn công vào ngay khu khách sạn nơi các quan chức của Somalia đang trú ngụ (vì được bảo vệ an ninh tốt hơn).
Hãng tin AFP dẫn lời nhà chức trách địa phương cho biết 1 chiếc xe đánh bom đã phát nổ bên ngoài khách sạn Nasa-Hablod (cách Dinh thự Tổng thống khoảng 600 mét) vào khoảng 17h chiều 28-10. Vụ nổ phá mặt tiền nhà lẫn các chốt gác nên 5 phiến quân có vũ trang xông vào tòa nhà này.
Chỉ vài phút sau, một chiếc xe bom khác đã phát nổ gần tòa nhà trước đây là trụ sở Quốc hội và cách không xa khách sạn Nasa-Hablod. Cảnh sát cho biết có nhiều người chết ngay tại hiện trường.
Khoảng 30 người gồm một bộ trưởng đã được cứu thoát ra khỏi khách sạn Nasa-Hablod trong khi đấu súng tiếp tục diễn ra giữa các phần tử cực đoan và lực lượng an ninh.
Đau buồn vì người thân thiệt mạng trong vụ tấn công - Ảnh: REUTERS
Nhóm Al-Shabab - nhóm phiến quân mới ra đời chừng 10 năm và có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã nhanh chóng xác nhận gây ra vụ tấn công.
Sau cuộc đấu súng dài 12 giờ giải quyết được vụ chiếm giữ tòa nhà, theo hãng tin Reuters, cảnh sát xác nhận đã bắt sống 3 tên khủng bố và tiêu diệt được 2 tên.
Vụ tấn công bằng bom xe đã làm thiệt mạng ít nhất 25 người gồm cảnh sát, nhân viên bảo vệ và thường dân. Có nguồn tin nói trong số các nạn nhân có 1 cựu nghị sĩ và 1 chỉ huy cảnh sát.
"Số thiệt mạng có thể tang thêm vì có ít nhất 30 người bị thương", sĩ quan cảnh sát Mohamed Hussein thừa nhận với hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, cảnh sát cũng cho biết đã xảy ra một vụ nổ thứ ba, sau khi một kẻ đánh bom liều chết kích hoạt khối thuốc nổ tại hiện trường vụ tấn công.
Một người phát ngôn của nhóm Al-Shabab cho rằng khách sạn Nasa-Hablod thuộc quyền sở hữu của Bộ trưởng An ninh nội địa Somalia Mohamed Abukar Islow.
Hiện trường gần khách sạn Nasa-Hablod sáng 29-10 - Ảnh: REUTERS
Kiểu tấn công bằng bom xe rồi để cho nhóm vũ trang xông vào chiếm giữ tòa nhà cùng con tin là kiểu rất quen thuộc của Al-Shabab.
Từng có thời kỳ chiếm lĩnh gần hết đất nước Somalia đang loạn lạc và sau đó bị các lực lượng quốc tế đánh bật ra, nhóm Al-Shabab giờ đây hành xử tấn công khủng bố kiểu công khai đối địch với chính phủ được quốc tế ủng hộ do Tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed, còn gọi là "Farmajo", lãnh đạo.
Nhóm phiến quân Al-Shaabab hiện đang tiến hành các hoạt động tấn công gây hoảng loạn nhằm lật đổ của Somalia và áp đặt phiên bản luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt của nhóm này.
Thông tin tình báo về khủng bố sau khi được phân tích cứ nằm ở đâu đó và chúng tôi không thể tiếp cận được. Chúng tôi cần trợ giúp để tiêu diệt khủng bố"
Lãnh đạo tình báo của Somalia chỉ trích các nước lớn và cả LHQ không hỗ trợ nước này chống khủng bố
Hôm 14-10, một vụ đánh bom liên hoàn ở trung tâm thủ đô Mogadishu cũng đã khiến ít nhất 276 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Đây được xem là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất tại Somalia trong thập niên qua.
Không có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ này nhưng theo kiểu cách tấn công thì người ta nghi ngờ đó là do bàn tay của nhóm Al-Shaabab.
Vụ nổ đầu tiên xảy ra ở nút giao K5 tại quận Hodan, nơi có các tòa nhà văn phòng chính phủ, nhiều khách sạn và nhà hàng. Một chiếc xe tải bị nghi ngờ chở bom đã phát nổ khi các lực lượng an ninh đang kiểm tra xe.
Vụ nổ đã san phẳng nhiều tòa nhà và gây hỏa hoạn lớn khi hàng chục chiếc xe xung quanh bốc cháy.
Khoảng 2 giờ sau đó, một vụ nổ khác tiếp tục làm rung chuyển quận Medina.
Xe tải chứa bom nổ phá nát cả góc phố hôm 14-10 - Ảnh: REUTERS
Với số nạn nhân thương vong lên gần 600 người, hệ thống y tế Somalia đã rơi vào tình trạng quá tải và các đồng minh như Mỹ, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Kenya phải cử bác sĩ đến hỗ trợ cũng như viện trợ thuốc men. Nhiều người bị thương đã được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ điều trị.
Trong những năm gần đây, al-Shabaab đã thất thủ ở nhiều nơi sau khi các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi và quân đội Chính phủ Somalia đẩy mạnh cuộc chiến chống nhóm phiến quân này.
Tuy nhiên, nhóm này vẫn thường tiến hành nhiều vụ xả súng và tấn công bằng lựu đạn hoặc bom tại thủ đô cũng như nhiều vùng khác do chính phủ kiểm soát, trong đó nhiều vụ nhằm vào các căn cứ quân sự, song cũng có những vụ nhằm vào dân thường.
Đưa nạn nhân khỏi hiện trường vụ tấn công bằng bom xe ngày 14-10 - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận