Trong lúc hàng trăm xe xếp hàng dài vào giờ cao điểm ở Jakarta, các xe buýt nhanh vẫn thoải mái hoạt động trong làn đường riêng - Ảnh: Transjakarta
Sự linh hoạt và nhạy bén trong cách kinh doanh là yếu tố giúp công ty xe buýt thuộc nhà nước này tiếp tục đi đầu so với các loại hình giao thông công cộng mới.
BRT dài nhất thế giới
Jakarta là thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á sở hữu hệ thống xe buýt nhanh (BRT). Sự xuất hiện của BRT vào năm 2004 được xem như một cuộc cách mạng giao thông ở thủ đô của Indonesia, vốn đang oằn mình vì nạn kẹt xe khi đó.
Cho đến thời điểm hiện tại, dù vấn nạn kẹt xe đã không thể giải quyết được nữa và buộc Chính phủ Indonesia phải dời thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không có hệ thống BRT và Transjakarta, vấn nạn kẹt xe có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều.
Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở Jakarta khai trương hồi tháng 3-2019 đã cho thấy sức hút của nó với người dân Jakarta, một phần vì mới lạ. Nhưng những chiếc xe buýt lớn 2 khoang của Transjakarta vẫn là lựa chọn số 1 của nhiều người bởi tính tiện lợi và nhanh chóng của chúng.
Trải qua 15 năm vận hành, hệ thống BRT tại Jakarta đã phủ khắp nhiều khu vực của thủ đô với tổng chiều dài lên hơn 250km. Trên trang web của mình, Transjakarta tự hào nhận là công ty vận hành hệ thống BRT dài nhất thế giới với 13 tuyến BRT hiện hữu và 2 tuyến nữa đang lên kế hoạch khai thác. Thời gian hoạt động liên tục từ 5h sáng đến 23h mỗi ngày, cá biệt có 7 tuyến hoạt động 24/24 giờ.
Kỷ lục vận chuyển 1 triệu khách mỗi ngày được Transjakarta thiết lập hôm 4-2. Tờ Jakarta Post dẫn lời bà Nadia Diposanjoyo, đại diện của Transjakarta, cho biết hệ thống xe buýt này đã phục vụ tổng cộng 1.006.579 hành khách trong ngày 4-2, tăng so với mức trung bình 987.583 người/ngày trong tuần trước đó.
Đây là con số mơ ước với đơn vị vận hành MRT (mạng lưới giao thông công cộng cao tốc). Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải Indonesia, nhu cầu đối với MRT tại thủ đô Jakarta hiện chỉ dừng lại ở mức khoảng 100.000 lượt/ngày. Trong khi LRT (hệ thống giao thông đường sắt đô thị) thì chỉ mới đưa vào hoạt động hồi tháng 12 năm ngoái.
Người phát ngôn Transjakarta lý giải có được kỷ lục này là nhờ chính quyền thủ đô Jakarta đưa vào sử dụng dịch vụ xe buýt Jak Lingko Angkot và tích hợp với các dịch vụ vận chuyển của Transjakarta.
Jak Lingko Angkot sẽ sử dụng các xe minivan để chở hành khách tới những nơi xe buýt cỡ lớn không thể vào và giữa các trạm MRT hoặc BRT, tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng đến từng ngõ hẻm. Hành khách chỉ cần mua một thẻ điện tử là có thể sử dụng cho tất cả loại hình giao thông công cộng hiện nay ở Jakarta. Hiện Jak Lingko Angkot đang phục vụ trung bình khoảng 257.000 hành khách/ngày.
Nhạy bén chuyển đổi
Transjakarta đang vận hành hai loại xe buýt, gồm các xe BRT chạy trên làn đường riêng cao hơn mặt đường bên và các xe buýt thường chạy trên làn đường hỗn hợp. Năm 2004, khi mới ra mắt, để công chúng thấy được sự tiện lợi của BRT, Transjakarta quyết định cho người dân đi miễn phí trong 2 tuần đầu.
Sau thời gian dài khai thác, Transjakarta đang thúc đẩy một kế hoạch dài hạn tập trung vào 4 mục tiêu chính gồm gia tăng lượng khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và tăng doanh thu ngoài vé. Theo Jakarta Post, công ty này đã bắt đầu triển khai các hệ thống tìm đường và các thiết bị thanh toán điện tử có tên Tap on Bus trên các xe buýt loại thường.
Năm 2019, Transjakarta phục vụ tổng cộng hơn 264 triệu lượt khách, tăng 75 triệu lượt khách so với năm 2018. Kế hoạch năm 2020 của công ty là mua thêm 4.334 xe buýt mới, gồm 967 xe BRT, 1.167 xe buýt loại thường và 2.200 xe minivan để phục vụ Jak Lingko Angkot, đặt mục tiêu mở rộng số tuyến lên con số 285.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận