03/01/2020 09:49 GMT+7

Mạng xã hội ngày đầu năm ở Jakarta ngập tràn lời kêu cứu

Nhà báo Indonesia RICHALDO YOELIANUS HARIANDJA - HỒNG VÂN (chuyển ngữ)
Nhà báo Indonesia RICHALDO YOELIANUS HARIANDJA - HỒNG VÂN (chuyển ngữ)

TTO - Những video đăng trong ngày đầu tiên Jakarta bị ngập cho thấy người bị mắc kẹt như thế nào và Twitter - mạng xã hội chúng tôi dùng chủ yếu ở đây - ngập tràn lời kêu cứu, nhà báo Indonesia Richaldo Yoelianus Hariandja kể với báo Tuổi Trẻ.

Mạng xã hội ngày đầu năm ở Jakarta ngập tràn lời kêu cứu - Ảnh 1.

Người phụ nữ xả quần áo tại một khu vực bị ngập ở Jakarta, Indonesia ngày 2-1 - Ảnh: REUTERS

"Xin lỗi con, buổi tiệc đoàn tụ của gia đình mình phải hủy vì nhà bà ngoại bị ngập, nước vô tận phòng khách", đó là tin nhắn tôi nhận được từ mẹ trong ngày đầu năm mới 2020.

Mưa nặng hạt đã trút nước xuống Jakarta từ đêm giao thừa, làm nhiều khu vực ở thủ đô của Indonesia bị ngập, trong đó có nhà bà ngoại tôi. Nước bắt đầu nhấn chìm Jakarta từ khoảng 3h sáng 1-1. Tại nhà tôi, cách Jakarta khoảng 20km, nước ngập khoảng 30cm từ 3-5h sáng và sau đó rút đi.

Tôi sống ở Bogor, vùng phụ cận của Jakarta, nơi có độ cao cao hơn thủ đô. Do đó, thông thường nếu nơi tôi sống mưa thì nước sẽ chảy về Jakarta. Vì Jakarta cũng mưa cùng lúc vào đêm đó, thành phố phải chịu lượng nước chảy vào gấp đôi, từ mưa và từ các thành phố xung quanh.

Việc Jakarta bị nước bao vây không chỉ gây khó khăn cho người dân ở đó mà cho cả những người có gia đình và người thân sống ở Jakarta như tôi.

Liên tục theo dõi tin tức về trận lụt và cố gắng đảm bảo an toàn cho gia đình ở Jakarta là việc chúng tôi làm trong ngày đầu năm mới. Cho đến giờ, khi viết thư cho Tuổi Trẻ, tôi vẫn chưa liên lạc được với bà ngoại và vẫn đang cố gắng. Tuy nhiên, tôi cung cấp thông tin cho chính quyền về địa chỉ nhà bà. Đây là lần đầu tiên khu bà ở bị ngập lụt sau nhiều thập kỷ kể từ khi bà về sống ở đó.

Tôi may mắn vì mình là nhà báo, đồng thời là thành viên của nhóm báo cáo về thảm họa, nên có thể liên hệ trực tiếp với chính quyền. Thành viên của các nhóm báo cáo về thảm họa chúng tôi có trách nhiệm chia sẻ thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng để các bên liên quan xử lý kịp thời.

Với những người không thể trực tiếp liên hệ với chính quyền, họ phải nhờ vào mạng xã hội để chia sẻ tin nhắn và gửi đi yêu cầu giúp đỡ. Những video đăng trong ngày đầu tiên Jakarta bị ngập cho thấy người bị mắc kẹt như thế nào và Twitter - mạng xã hội chúng tôi dùng chủ yếu ở đây - ngập tràn lời kêu cứu. Truyền hình và các báo mạng cũng dẫn lại các thông tin này trong bài viết, bài tường thuật của họ để chính quyền địa phương tiếp tục hành động.

Cơ quan khí tượng, thời tiết và địa vật lý của Indonesia (BMKG) cho biết tình trạng ngập lụt ở Jakarta là do cơn mưa lớn trong ngày 31-12. Một trong các trạm quan trắc của BMKG ghi nhận lượng mưa là 377mm/ngày. Đây là lượng mưa kỷ lục đổ xuống thành phố kể từ năm 2007 với 340mm/ngày. Giám đốc BMKG Dwikorita Karnawati dự báo mưa và thời tiết cực đoan sẽ còn kéo dài đến tuần sau.

Phản ứng với tình hình, chính quyền Jakarta tự tin rằng họ có khả năng kiểm soát các ảnh hưởng lũ lụt. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã yêu cầu quan chức dưới quyền hành động để vượt qua thảm họa đang bao vây thủ đô.

Ông Baswedan chỉ đạo: "Tôi yêu cầu toàn bộ đội ngũ tham gia trực tiếp vào việc xử lý lũ lụt. Mọi người hãy đến trụ sở thôn/xóm gần nhất để làm việc trong ban điều phối cùng lãnh đạo địa phương, giúp đảm bảo an toàn hoặc sơ tán người dân bị ảnh hưởng".

Cho đến nay đã có hơn 30.000 người được sơ tán. Con số này dự báo sẽ tăng lên gấp đôi nếu mưa tiếp tục diễn ra ở Jakarta và vùng phụ cận.

Đối phó với vấn nạn lũ lụt, giải pháp thực sự mà Indonesia đưa ra là bỏ đi - dời thủ đô đến đảo Kalimantan với quy hoạch đô thị tốt hơn Jakarta. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể rõ ràng hơn vào năm 2024.

Vì lý do này, các giải pháp ngắn hạn vẫn cần thiết. Một trong số đó là ứng dụng công nghệ để điều khiển thời tiết. Theo đó, Indonesia sẽ ứng dụng công nghệ để kéo các đám mây mưa về phía tây Java, ở eo biển Sunda hoặc hướng về phía Lampung, Sumatra. Việc thực hiện kỹ thuật này do 2 loại máy bay là CN295 và Casa do quân đội Indonesia kiểm soát.

Ngoài ra, tạm thời sẽ xây kè bêtông để ngăn nước tràn khỏi dòng sông. Việc này được thực hiện cùng với việc hình thành các hồ chứa xung quanh sông Ciliwung - con sông chảy vào Jakarta.

Hiện tại, giải pháp trước mắt trong những ngày tới là yêu cầu các cộng đồng, người dân bị ảnh hưởng ở lại các điểm sơ tán cho đến khi đợt lụt kinh hoàng này kết thúc.

Nước ngập nhấn chìm thủ đô Indonesia ngay ngày đầu năm mới Nước ngập nhấn chìm thủ đô Indonesia ngay ngày đầu năm mới

TTO - Hàng triệu người Indoneisa đã khởi đầu một năm mới rất ướt át theo đúng nghĩa đen. Một trận mưa lớn từ chiều ngày cuối năm 2019, kéo dài sang ngày 1-1-2020, đã gây ra một trận ngập lụt hãi hùng cho cư dân thủ đô Jakarta và vùng phụ cận.

Nhà báo Indonesia RICHALDO YOELIANUS HARIANDJA - HỒNG VÂN (chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên