Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều phản ánh của người dân ở TP Huế về một chiếc xe bán chó dạo thường đậu ở các công viên, nơi đông người bốc mùi hôi thối, chất thải xả ra môi trường khiến nhiều người ngán ngẩm.
Phản ánh lên chính quyền nhiều lần nhưng không xử lý được triệt để.
Xe bán chó dạo bốc mùi nồng nặc… ở công viên
Chiếc xe bán chó dạo là một chiếc xe lam màu vàng, phần đuôi xe chở lồng nhốt chó với đủ loại lớn bé. Điểm chung của các chú chó bị nhốt trên chiếc xe này là đều không được rọ mõm và phóng uế ngay trên xe.
Để "mời khách", chủ của chiếc xe còn lôi những chú chó lớn đắt tiền xích ngay dưới những gốc cây to trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Những chú chó bị xích không có rọ mõm, sủa rộn lên và thậm chí dọa cắn mỗi khi có người đi ngang qua chúng trên vỉa hè.
Hình ảnh người đàn ông cùng xe chở chó này đã xuất hiện từ lâu ở các tuyến đường trung tâm TP Huế dọc sông Hương, nơi hằng ngày có cả ngàn người đi bộ qua lại, trong đó có cả những vị lãnh đạo cấp cao của TP Huế.
Anh H.L. (trú TP Huế) nói rằng sáng nào anh cũng dậy sớm để chạy bộ dọc sông Hương tận hưởng không khí trong lành. Thế nhưng mỗi khi ngang qua chiếc xe bán chó dạo này, anh đành phải lặng lẽ né xa ra bởi không thể chịu được mùi hôi từ lông và phân chó xộc thẳng vào mũi.
"Có lần chịu không thấu nên tôi đến nhắc nhở, đề nghị chủ xe bán chó đi nơi khác tắm rửa cho lũ chó thì bị người đàn ông ấy chửi rủa, dọa đánh. Phản ánh lên cơ quan chức năng nhiều lần nhưng mọi chuyện đâu lại vào đó, xe chở chó vẫn án ngữ tại đây", anh H.L. bức xúc.
Khó xử lý vì xe bán chó dạo "không có địa điểm cố định"
Ông Nguyễn Văn Hưng, chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết chủ nhân của chiếc xe bán chó dạo này là ông Trần Đăng Tấn.
Sau khi nhận được phản ánh, chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan của TP Huế tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu ông Tấn viết cam kết chấm dứt việc mua bán chó dạo trên địa bàn.
Đoàn cũng yêu cầu ông Tấn nếu muốn buôn bán chó thì phải đăng ký kinh doanh, phải có địa điểm cố định, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tiêm phòng dại cho chó theo đúng quy định.
Tuy nhiên, sau khi lập biên bản xong thì ông Tấn vẫn tiếp tục bán chó trên các tuyến đường dọc sông Hương trong sự ngán ngẩm của người dân.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết công tác quản lý chó mèo nuôi, thả rông gây ô nhiễm môi trường, kinh doanh động vật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương (UBND cấp phường, xã).
Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các phường kiểm tra xử lý dứt điểm việc nuôi nhốt, bán chó trên xe tự chế không đảm bảo vệ sinh môi trường như trường hợp của ông Tấn nói trên.
Tuy nhiên sở cũng thừa nhận do các trường hợp này không có địa điểm cố định nên khó kiểm tra, xử lý gây mất mỹ quan đô thị và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
"Sở đã có văn bản đề nghị UBND TP Huế quan tâm chỉ đạo các phường phối hợp lực lượng chức năng (công an, quản lý đô thị, Công ty Công viên cây xanh…) thường xuyên kiểm tra việc này theo quy định", đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết.
Xe chở chó dạo có thể bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng
Theo nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định về vi phạm vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, việc vận chuyển động vật bằng phương tiện không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.
Cũng theo nghị định này được sửa đổi bởi khoản 3, điều 2 nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận