14/05/2025 08:20 GMT+7

Xây kênh TikTok kể chuyện hậu thất nghiệp, nhận lời mời... đi làm

Thay vì né tránh, nhiều bạn trẻ chọn đối diện với thất nghiệp bằng cách tạo kênh TikTok nhằm chia sẻ trải nghiệm, đồng thời tìm kiếm cơ hội mới.

Xây kênh TikTok kể chuyện hậu thất nghiệp, nhận lời mời... đi làm - Ảnh 1.

Bảo Ngọc dành phần lớn thời gian để "chữa lành" sau thất nghiệp và chia sẻ hành trình đó lên TikTok - Ảnh: NVCC

Không còn e ngại hay giấu giếm, nhiều người trẻ thẳng thắn kể về trải nghiệm thất nghiệp của mình lên mạng xã hội, biến giai đoạn khó khăn thành cơ hội lý tưởng để xây dựng thương hiệu cá nhân.

Tìm được hướng đi mới sau thất nghiệp

Chủ động nghỉ việc, Phạm Nguyễn Bảo Ngọc (23 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn không tránh khỏi cảm giác áp lực ở giai đoạn đầu thất nghiệp. “Nhìn bạn bè xung quanh luôn bận rộn khiến mình rơi vào tâm lý áp lực đồng trang lứa”, Ngọc chia sẻ.

Sau một thời gian, thay vì tiếp tục lo sợ, Ngọc chọn hướng về phía trước bằng cách tập trung phát triển bản thân: rèn luyện kỹ năng, mở rộng mối quan hệ... Cô quyết định tạo một kênh TikTok để chia sẻ hành trình của mình.

Ban đầu, kênh TikTok của Ngọc chỉ là nơi lưu lại nhật ký cá nhân và rèn luyện kỹ năng làm nội dung. Bất ngờ, những video đời thường lại nhận được sự đồng cảm và tương tác tích cực, trở thành động lực để cô đầu tư nghiêm túc hơn.

Ngọc bắt đầu xây dựng nội dung bài bản, học chỉnh sửa video chuyên nghiệp, hướng tới phát triển kênh thành nền tảng cá nhân và xây dựng thương hiệu riêng. Dù chưa kiếm được thu nhập nhưng cô xem đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bản thân.

Từ khoảng thời gian thất nghiệp đầy chơi vơi, Ngọc giờ đã tìm được hướng đi cho sự nghiệp. Kênh TikTok mở ra cơ hội để cô kết nối cộng đồng, chia sẻ trải nghiệm và mở rộng mối quan hệ. 

“Nếu kênh có thể giúp những bạn từng trải qua giai đoạn giống mình cảm thấy ổn hơn, thì đó đã là thành công”, Ngọc chia sẻ.

Đối với Ngọc, thất nghiệp không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là một khoảng nghỉ tạm thời trong hành trình sự nghiệp dài lâu. Vì vậy, thay vì để tâm trạng tụt dốc, mỗi người trẻ nên học cách đối diện với cảm xúc tiêu cực, trưởng thành hơn qua mỗi lần thay đổi và va vấp.

Bất ngờ được nhà tuyển dụng để mắt

Xây kênh TikTok kể chuyện hậu thất nghiệp, nhận lời mời... đi làm - Ảnh 2.

Xuân Tuyển tập trung phần lớn thời gian xây dựng kênh TikTok, đồng thời làm việc bán thời gian tại một quán chay để tích lũy nguồn lực cho hành trình khởi nghiệp - Ảnh: NVCC

Nguyễn Xuân Tuyển (27 tuổi, ở quận Gò Vấp) từng là cán bộ công tác tại đơn vị thuộc Thành Đoàn TP.HCM, sau đó chuyển sang công ty tư nhân. Đầu năm 2025, anh bất ngờ bị cho thôi việc. “Mình không kịp chuẩn bị gì cả. Giai đoạn đó mình thực sự khủng hoảng. Thậm chí, mình mất đi định hướng sống”, Tuyển nhớ lại.

Tuyển bắt đầu xây kênh TikTok và chia sẻ câu chuyện thất nghiệp lên mạng như một cách trút bầu tâm sự. Sau khi nhận được lượng tương tác lớn với những video trăm ngàn lượt xem, anh quyết định mở rộng nội dung. Kênh TikTok của Tuyển hiện xoay quanh hành trình vực dậy sau thất bại, tìm lại mục tiêu sống và khởi nghiệp lại từ con số 0.

Tuyển đang làm việc bán thời gian tại một quán chay, tích lũy vốn và lên kế hoạch khởi nghiệp. Qua kênh TikTok, anh có cơ hội kết nối với nhiều nhà tuyển dụng, người truyền cảm hứng và nhận được lời mời hợp tác từ một số nhãn hàng.

Tương tự, Hà Giang (22 tuổi, ở Bình Dương) từng rơi vào trạng thái chán nản và mất phương hướng sau 4 tháng thất nghiệp. Để tự kéo mình ra khỏi sự trì trệ, cô quyết định lập kênh TikTok và đặt mục tiêu đăng 2 video mỗi ngày, nội dung xoay quanh các hoạt động như sửa CV, học tiếng Anh, viết blog, học yoga...

Kênh TikTok của Giang hiện đang phát triển khá tốt, một số video đã lên xu hướng. Nhờ đó, Giang nhận được sự quan tâm của nhà tuyển dụng với một vài lời mời ứng tuyển. Trong các buổi phỏng vấn, cô không ngần ngại chia sẻ về kênh cá nhân và nhận được phản hồi tích cực.

Hiện tại Giang đang tiếp tục xây dựng nội dung xoay quanh cuộc sống hằng ngày và hành trình tìm việc. Cô cũng tiết lộ đã nhận được một công việc mới, sẽ chính thức bắt đầu từ tháng sau.

Xây kênh kể chuyện hậu thất nghiệp, bạn trẻ biến thử thách thành cơ hội - Ảnh 3.Thất nghiệp, hết tiền vẫn chốt kèo đi chữa lành

Có vẻ điều này đang là câu chuyện chung với nhiều người trẻ hiện nay. Cuộc sống càng áp lực, họ nói càng cần những chuyến đi để chữa lành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên