
Hội thảo góp ý dự án Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức - Ảnh: NGUYỄN VY
Nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đang rất phức tạp
Ông Hiền nêu thực tại nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đặc biệt khi chủ doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, người lao động càng thiệt thòi.
Có những lao động tham gia xuyên suốt 5-10 năm nhưng khi nghỉ việc không được hưởng các quyền lợi theo quy định. Trong khi hằng tháng họ vẫn bị trừ tiền bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không đóng.
Góp ý khoản 3 điều 43 dự thảo quy định thời hạn đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng kể từ ngày mất việc. Ông Hiền nói như vậy là quá ngắn.
"Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đang rất phức tạp. Những người bị nợ bảo hiểm làm sao kịp chốt sổ trong 3 tháng kịp để làm bảo hiểm thất nghiệp", ông Hiền lý giải.
Do đó ông đề nghị nâng thời hạn này lên 6 tháng hoặc cho người lao động tự lựa chọn thời gian làm hồ sơ khi họ muốn.

Ông Phạm Văn Hiền, phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn Lao động TP.HCM) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HẢI NHI
Góp ý quy định không cho bảo lưu đối với thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 144 tháng sau khi đã hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, ông Hiền nói trung tâm từng ghi nhận mong muốn được bảo lưu thời gian này của nhiều lao động.
Việc này góp phần duy trì gắn kết, giúp người lao động lựa chọn gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Nếu không bảo lưu, theo ông nên tăng tỉ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên với những lao động có thời gian đóng vượt 144 tháng.
"Với quy định hiện tại, nhiều người làm đủ 12 năm sẽ nghỉ để hưởng thất nghiệp. Hưởng xong 12 tháng rồi đi làm lại", ông Hiền nói.
Ông Nguyễn Văn Lượng, giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP.HCM, đồng tình với ý kiến đề xuất của ông Hiền.
"Bảo hiểm thất nghiệp là chia sẻ rủi ro. Đặt tình huống là tôi may mắn không rủi ro, đóng hết mấy chục năm mà chưa từng thất nghiệp thì sao? Cần có sự công bằng cho họ", ông Lượng góp ý.
Bất bình việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, ông Lượng nói họ đã bị trừ tiền nhưng cần lại không chốt sổ được do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động làm đúng phải được hỗ trợ.

Đề xuất thêm các cơ chế, ưu đãi khi doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập. Ảnh chụp sinh viên đăng ký phỏng vấn, thực tập tại ngày hội việc làm Trường đại học Công Thương TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Ưu đãi doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập theo Luật Việc làm
Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành Đoàn TP.HCM), đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập, học kỹ năng ngay tại doanh nghiệp, có thể ưu tiên, ưu đãi về thuế…
Nếu có sẽ kích thích doanh nghiệp tích cực hỗ trợ sinh viên, thị trường sẽ hạn chế bớt tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. "Nên bổ sung cơ chế ưu đãi, ưu tiên cho các ngành nghề đang cần nhiều nhân lực theo định hướng phát triển như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…", ông Sang nêu.

Đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, việc làm - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Bà Ung Thị Xuân Hương, chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, đề nghị sửa điều 19 về thông tin đăng ký lao động. Theo bà, một số thông tin cần thiết chưa được quy định như sức khỏe, lịch sử bệnh lý, kinh nghiệm làm việc, lịch sử công việc đã làm...
Trong khi Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lượng Thị Tới nói luật cần quy định trường hợp hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp.
Chi phí học nghề chỉ được nhà nước trợ cấp một phần. Trong khi người lao động thất nghiệp hầu hết đều là thu nhập thấp, không đủ tích lũy để tham gia các khóa học đào tạo lại.
TP.HCM cũng cần điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế. Do đó bà Tới nói luật quy định nguyên tắc chung làm cơ sở cho các địa phương điều chỉnh mức trợ cấp chi phí này phù hợp thực tế được dễ dàng hơn, để các ngành và địa phương mạnh dạn ra quyết sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận