25/02/2025 17:10 GMT+7

Đề xuất hỗ trợ tới 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo

Theo phương án 1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tới 50% cho người thuộc hộ nghèo.

Đề xuất hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo - Ảnh 1.

Cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang tư vấn quyền lợi về lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... cho người tham gia tự nguyện - Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nếu được thông qua, nghị định có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025 và áp dụng cho người đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước 1-7-2025.

Các mức đề xuất hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội

Theo đó, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng căn cứ mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Giai đoạn 2021 - 2025, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Với phương án 1, người thuộc hộ nghèo/đang sống ở xã đảo, huyện đảo được tăng hỗ trợ từ 30% lên 50%, người thuộc hộ cận nghèo tăng từ 25% lên 40%, còn người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ ở mức 30%. Với đối tượng khác, mức hỗ trợ tăng từ 10% lên 20%.

Như vậy mức hỗ trợ đối với người thuộc nhóm khác, hộ cận nghèo, hộ nghèo tăng lần lượt là 100%, 60% và 66,67% so với hiện hành.

Đề xuất hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo - Ảnh 2.

Các mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến theo phương án 1

Còn phương án 2 lại cơ bản giữ nguyên mức hỗ trợ như hiện nay và chỉ bổ sung nhóm tham gia là người dân tộc thiểu số (hỗ trợ 20%) và người đang sống ở xã đảo, huyện đảo được hỗ trợ mức 30% như người nghèo.

Đề xuất hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo - Ảnh 3.

Các mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dự kiến theo phương án 2

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng) và Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ theo từng thời kỳ.

Hiện nay, các mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 99.000 đồng/tháng với người thuộc hộ nghèo, 82.500 đồng/tháng với người thuộc hộ cận nghèo và 33.000 đồng/tháng với người tham gia khác.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định ngoài chế độ hưu trí và chế độ tử tuất thì người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được hưởng chế độ thai sản do ngân sách chi.

Cần gần 19.800 tỉ đồng hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính ngân sách cần bố trí gần 19.800 tỉ đồng, tương ứng với số người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đến năm 2023 là 5,8 triệu người.

Theo báo cáo đánh giá tác động, bộ cho biết cả nước có 815.000 hộ nghèo, 771.000 hộ cận nghèo, hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, khoảng 327.000 người sống ở xã đảo, huyện đảo còn tuổi làm việc.

Còn số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 35,55 triệu người.

Theo mục tiêu phát triển người tham gia đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 60% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Như vậy, số người tham gia cả bắt buộc và tự nguyện phải là khoảng 29,47 triệu người. Song đến hết năm 2023 chỉ có khoảng 18,75 triệu người có bảo hiểm xã hội, cách mục tiêu còn rất xa (trên 10,7 triệu người). Do vậy việc có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là cần thiết, theo cơ quan soạn thảo, để đạt được mức tăng bình quân 6,67%/năm.

Đề xuất hỗ trợ 50% tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo - Ảnh 1.Đề nghị bổ sung các loại phụ cấp, khoản bổ sung không phải đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội đề nghị quy định cụ thể các loại phụ cấp, khoản bổ sung không phải đóng bảo hiểm xã hội ngoài tiền lương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên